Bài 45: Hữu Hạn vs Vô Hạn


Hỏi: Người ta thường nói vì khoa học "hữu hạn" nên không thể giải thích được cái "vô hạn" của tôn giáo. Anh nghĩ sao?

Đáp: Mỗi khi chữ "khoa học" được nhắc đến trong bài bình luận nào về tôn giáo thì tín đồ vội vã đem lý lẽ “hữu hạn vs vô hạn” ra để ngụy biện cho việc họ không thể dùng cách suy luận trong đời sống hàng ngày để giải thích về cái gọi là "đức tin" của họ. Đây thật ra chỉ là một ngữ thuật khéo léo để làm cho cái lý lẽ trên nghe xôm tụ nhưng thực chất của nó thì rỗng tuếch.

Hỏi: Xin anh cho thêm chi tiết.

Đáp: Tín đồ gán đặt rằng “khoa học là hữu hạn” để cho thấy khoa học không thể giải thích được mọi sự việc trong vũ trụ. Trong khi đó họ tuyên bố rằng “tôn giáo là vô hạn” vì tôn giáo có thể "giải thích" những vấn đề cao siêu hơn trong những lãnh vực huyền bí vô tận mà trí óc con người không thể xác định được. Vấn đề cần thấy ở đây là tôn giáo không "giải thích" được gì cả. Tôn giáo chỉ trùm một tấm chăn với nhãn hiệu "thiêng liêng và huyền bí" lên tất cả những gì nó không giải thích được rồi dạy tín đồ hãy chấp nhận rằng đó là một phạm trù đặc biệt mà lý trí và cách suy luận bình thường không áp dụng được.

Hỏi: Tại sao anh cho lý lẽ kia chỉ là một ngữ thuật?

Đáp: Tại vì họ dựa trên định nghĩa và cách dùng chữ của họ để xây dựng lý lẽ trên. Tôi cũng có thể dùng chữ "hữu hạn" và "vô hạn" một cách khác và cho rằng thật ra thì tôn giáo "hữu hạn" trong khi khoa học "vô hạn".

Hỏi: Bằng cách nào?

Đáp: Khoa học ngay từ đầu đã tự xác định đường hướng của nó là dựa vào hiện tượng để đưa ra giả thuyết rồi cải tiến giả thuyết đó dần cho đến khi có thể áp dụng vào mọi hiện tượng cùng loại trong cùng một môi trường. Bằng cách đó những bí ẩn của vũ trụ có thể được giải mã dần dần từng cái một. Khoa học cũng xác định vũ trụ là vô hạn, do đó khoa học cứ tiến triển không bao giờ ngừng lại và không có biên giới.

Hỏi: Xin anh cho thí dụ.

Đáp: Thí dụ như khi Newton thấy quả táo rơi, ông đặt ra giả thuyết về sức hút của trái đất. Giả thuyết nầy dần dần được hoàn cải để áp dụng cho mọi vật thể trong không gian. Sau đó, thí nghiệm cho thấy các quy luật của Newton chỉ có giá trị cho thế giới vĩ mô và không đúng trong môi trường vi mô: các vật thể cực nhỏ chịu ảnh hưởng bởi các lực khác như điện từ trường nhiều hơn bởi trọng lực. Từ đó các giả thuyết khác được đưa ra để dần dần dẫn đến các quy luật khác áp dụng cho điện tử, nguyên tử, phân tử. Rồi sau đó nữa thì người ta thấy những quy luật nầy cũng không thỏa mãn được một số hiện tượng khác, từ đó vật lý lượng tử ra đời. Và cứ như vậy mà tiếp diễn, khoa học không bao giờ dừng lại.

Hỏi: Do đó?

Đáp: Vì khoa học không bao giờ ngừng tiến triển và không có biên giới, tôi có thể cho rằng khoa học "vô hạn".

Hỏi: Còn tôn giáo?

Đáp: Thí dụ như tín đồ Thiên Chúa Giáo dựa tất cả niềm tin và đời sống của họ lên một quyển sách soạn thảo đã hơn 2000 năm truyền dạy những điều không thay đổi (và không hoàn hảo) của một thượng đế (cũng không hoàn hảo) mà mọi sự việc đều chấm dứt ở đó. Đối với tôi, cả hệ thống lý thuyết của Thiên Chúa Giáo không có gì để phát triển nữa, và không có lối thoát ra khỏi cái ranh giới của họ tự đặt ra cho họ nên do đó có thể được coi là rất "hữu hạn".

Hỏi: Như vậy anh cho rằng tùy cách nhìn của mỗi người mà tôn giáo và khoa học có thể "hữu hạn" hay "vô hạn"?

Đáp: Đúng vậy. Điều đó cho thấy cái lý lẽ "hữu hạn vs vô hạn" trên do các tín đồ đặt ra chỉ có giá trị cho họ và với họ. Cái "vô hạn" duy nhất mà tôi nhận thấy trong tôn giáo là sự biến hóa muôn hình vạn trạng trong những cách tín đồ diễn giảng kinh sách và giáo lý ra để áp dụng vào đời sống cho thích hợp với nhu cầu, hoàn cảnh và cách biện luận của họ.

Hỏi: Anh có quan tâm đến việc khoa học bị coi là “hữu hạn” hay không?

Đáp: Khoa học có đường hướng và mục đích của khoa học. Sự kiện một nhóm người gọi nó là “hữu hạn” hay “vô hạn” chẳng có ảnh hưởng gì cả đến đường hướng và mục đích nầy. Tuy nhiên, theo tôi thì như thường lệ các tín đồ rất độc đoán và thiên vị trong lý lẽ "hữu hạn vs vô hạn" của họ.

Hỏi: Độc đoán và thiên vị ra sao?

Đáp: Tín đồ cho rằng những đức tin của tín ngưỡng là "vô hạn" và đời sống hàng ngày là "hữu hạn". Họ cũng cho rằng các cách lý luận "hữu hạn" không thể nào áp dụng được trong lãnh vực "vô hạn". Tuy vậy, họ không ngần ngại đem những gì "vô hạn" áp dụng thường xuyên vào đời sống "hữu hạn" hàng ngày.

Hỏi: Thí dụ?

Đáp: Thí dụ như Kinh Thánh được tín đồ dùng như là căn bản của kiến thức và đạo đức cần phải áp dụng lên tất cả mọi người trong xã hội. Tôi không cần quan tâm đến việc một nhóm người tin rằng vũ trụ được một thần linh tạo ra 6000 năm về trước hay phương pháp định tuổi vật hóa thạch dùng carbon chỉ là sản phẩm ngụy tạo; tuy nhiên tôi không chấp nhận việc họ muốn đem các đức tin vô nghĩa nầy vào dạy cho trẻ con trường công lập như là những kiến thức phổ thông thường thức. Tôi không cần quan tâm đến việc một nhóm người cho rằng đồng tính luyến ái là dơ bẫn và tội lỗi, ngừa thai là tương đương với sát nhân; tuy nhiên tôi không chấp nhận việc họ muốn dựa trên các đức tin thủ cựu và nông cạn này để làm thành những đạo luật của quốc gia.

Hỏi: Anh đang nói về Thiên Chúa Giáo, còn Phật Giáo thì sao?

Đáp: Vấn đề của tôi với Phật Giáo thì khác hẳn. Tôi không có gì chống đối việc sử dụng lý thuyết Phật Giáo vào đời sống hàng ngày. Nhân sinh quan của bản thân tôi chịu ảnh hưởng lớn bởi triết lý Phật Giáo. Tôi chỉ có nhiều vấn đề với cách thức nhiều người áp dụng lý thuyết Phật Giáo vào đời sống. Như đã nói, trong Phật Giáo hiện tại có vô số tăng sư giảng dạy tín đồ những phương cách tín ngưỡng mà tôi chỉ có thể gọi là mê tín dị đoan với mục đích không gì hơn là để lường gạt, bóc lột. Và có vô số Phật tử vô ý thức tiếp tay truyền bá các mê tín dị đoan nầy.

Hỏi: Thế thì thật ra anh không có vấn đề gì lắm với Phật Giáo về việc “hữu hạn vs vô hạn” nầy?

Đáp: Có thể nói là vậy. Cũng cần nói thêm là lối lý luận “hữu hạn vs vô hạn” nầy chỉ thường được sử dụng bởi tín đồ Thiên Chúa Giáo, nhất là trong các cuộc tranh luận về “tôn giáo vs khoa học”. Tuy nhiên tôi đã gặp người tự xưng là thâm hiểu triết lý Phật Giáo nhưng cũng phơ phẩy nó như là một kiến thức đắc ý.

Bài 44: Khoa Học và Lãnh Vực Siêu Hình


Hỏi: Việc anh dùng khoa học để giải thích các hiện tượng siêu hình trên có tương tự như những người dùng khoa học để giải thích, hỗ trợ những điều giảng dạy trong Kinh Thánh hay không?

Đáp: Hai chuyện nầy khác hẳn. Những người tự gọi là “khoa học gia” nầy cố gắng chứng minh những chuyện họ đã tin là có thật và muốn cho người khác thấy là họ đúng. Những chuyện như vũ trụ được tạo thành trong vòng 6 ngàn năm nay, khủng long đã hiện diện cùng thời với con người, lý thuyết tiến hóa của Darwin hoàn toàn sai, Đại Hồng Thủy có thật, dấu vết chiếc thuyền của Nô-En đã tìm được, tấm vải liệm ở Turin thật sự của Giê-Su, v.v. Họ bóp méo nguyên tắc khoa học (vô tình và cố ý), họ dùng bất cứ lý luận nào dù gượng ép bao nhiêu để đạt được những kết quả họ muốn đạt được. Nói cách khác, họ hoàn toàn chủ quan.

Hỏi: Còn anh?

Đáp: Tôi dùng những định luật khoa học để đưa ra vài giả thuyết có thể giải thích được phần nào những hiện tượng mà chính tôi cho là không kiểm chứng (và không chấp nhận hoàn toàn) được. Chính tôi cũng có những ngờ vực về các cách giải thích nầy. Tôi không có một mục đích nào để muốn đạt đến bằng mọi giá. Nói cách khác, tôi đứng ở một vị thế khách quan.

Hỏi: Tại sao anh cần đưa ra giả thuyết để cố gắng giải thích những hiện tượng nầy?

Đáp: Tại vì ngay cả nếu những hiện tượng đó thật sự xảy ra (điều nầy vẫn còn chưa xác định được) thì tôi cũng không vừa lòng với các cách giải thích mà tôn giáo đem lại. Cha mẹ dạy con cái về những chuyện ma quỷ, thần thánh, Phật Chúa, v.v. bằng cách lập lại những gì mà cha mẹ họ đã dạy khi họ còn là trẻ con. Đa số người ta chấp nhận những chuyện nầy mà không hề tự tìm hiểu xem chúng có hữu lý hay không. Trừ một số người ngoại lệ, trong đó có tôi.

Hỏi: Thế thì anh tự tìm hiểu ra được điều gì?

Đáp: Không gì nhiều lắm, nhưng đủ để càng ngày tôi càng nghi ngờ hơn về nhiều điều giảng dạy trong tôn giáo.

Hỏi: Anh không vừa lòng điều gì với các cách giải thích của tôn giáo?

Đáp: Cách giải thích của Thiên Chúa Giáo (với quan niệm tôn thờ Chúa Trời sẽ được cứu rỗi, ngược lại sẽ bị tiêu diệt) thì quá đơn giản và ấu trĩ để tôi có thể chấp nhận được. Cách giải thích của Phật Giáo (với quan niệm duyên nghiệp, quả báo, luân hồi, v.v.) thì tuy “tiến bộ” hơn nhưng lại quá trừu tượng đến độ nhiều người diễn giảng chúng nhiều cách khác nhau; và nhiều cách diễn giảng nầy dẫn thẳng đến những thực hành mà tôi chỉ có thể gọi là mê tín dị đoan. 

Hỏi: Anh nghĩ cách giải thích bằng những giả thuyết của anh có làm thay đổi quan điểm của ai về tín ngưỡng không?

Đáp: Không. Trừ của tôi.   


Bài 43: Luân Hồi


Hỏi: Anh nghĩ gì về luật Luân Hồi?

Đáp: Lý thuyết Luân Hồi gắn liền với lý thuyết “đầu thai”. Như đã nói ở trên, tôi không có đủ kiến thức về các vấn đề nầy để khẳng định hay phủ nhận tất cả mọi trường hợp. Nói cách khác, tôi vẫn có nhiều nghi vấn chưa được giải đáp ổn thỏa. Phần lớn có lẽ là vì tôi chưa bao giờ bỏ công ra thật sự tìm tòi, nghiên cứu về hiện tượng nầy.

Hỏi: Những nghi vấn gì?

Đáp: Nghi vấn như đã nói ở trên nếu hiện tượng “đầu thai” có thật sự xảy ra hay không? Nếu có thì có xảy ra trong tất cả mọi trường hợp, cho tất cả mọi người hay không? Ngay cả nếu việc “đầu thai” có thật thì việc “luân hồi” có thật hay không? Nếu có thật thì nó áp dụng cho tất cả mọi người hay không? Nó làm việc ra sao? Mỗi người có sự lựa chọn trong việc đầu thai đi đâu hay không? v.v. và v.v.

Hỏi: Theo anh thấy thì sao?

Đáp: Tất cả những gì gọi là chứng minh của thuyết luân hồi cũng vậy, rất mơ hồ và không thể gọi là “bằng cớ không thể chối cãi được”. Tôi không thể nào dựa vào nó để làm nguyên tắc trong đời sống hàng ngày.

Hỏi: Theo anh thì “bằng cớ không thể chối cãi được” là gì?

Đáp: Là những bằng cớ có thể đứng vững trước một tòa án pháp lý dựa trên nguyên tắc xác định và công nhận một định luật bằng phương cách khoa học.

Hỏi: Nếu cho rằng các hiện tượng đó có thật thì anh giải thích ra sao?

Đáp: Các lý thuyết về “luân hồi”, “đầu thai”, “nghiệp quả”, v.v. đều liên quan và hoạt động chung với nhau. Có thể dùng năng lượng học, nhiệt động học, v.v. để giải thích các lý thuyết nầy (tuy nhiên cũng có thể dùng kiến thức trên để đưa ra các câu hỏi khác). Và nhiều khi tôi có cảm tưởng cách nhìn nầy có thể có phần đơn giản quá.

Hỏi: Xin anh nói rõ hơn?

Đáp: Thí dụ như định luật bảo toàn năng lượng cho thấy sự khả dĩ hiện hữu của linh hồn. Trong khi đó Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học tuy gián tiếp xác định việc sự sống thành tựu rồi tan biến nhưng cũng đặt ra câu hỏi là linh hồn làm sao có thể lấy năng lượng từ đâu để biến đổi từ một cá thể nầy trở thành một cá thể khác?

Hỏi: Xin anh nói rõ hơn về Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học?

Đáp: Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học nói “Mọi hệ thống (năng lượng) trong vũ trụ đều có khuynh hướng tự biến đổi từ trạng thái có trật tự cao xuống dần thành có trật tự thấp”. Con người còn sống là một hệ thống có trật tự cao; khi một người chết thì linh hồn tách rời khỏi thể xác: đó là một hệ thống có trật tự thấp hơn. Cái tử thi cũng là một hệ thống từ từ phân hủy và tan rã ra: trật tự cao biến đổi thành thấp.

Hỏi: Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học đưa đến câu hỏi gì?

Đáp: Thí dụ: 1/ Cái gọi là “linh hồn” là một hệ thống, giả dụ như có thể hiện hữu độc lập một phần nào, nhưng theo Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học thì rồi cũng sẽ phải từ từ tiêu tan đi; và nếu như vậy thì linh hồn không vĩnh cửu hay sao? 2/ Khi linh hồn của một người biến đổi thành linh hồn của một cá thể khác, nó phải cần năng lượng để làm việc đó. Khi linh hồn “mới” muốn kết hợp vào một thân xác “mới”, đó là trường hợp một hệ thống có trật tự thấp đang biến đổi thành một hệ thống có trật tự cao; nó cũng cần năng lượng để làm việc đó. Vấn đề cần giải thích ở đây là những năng lượng cần thiết đó từ đâu mà có? 3/ Nếu từ bên ngoài thì điều gì tạo ra sự di chuyển năng lượng từ một hệ thống (vũ trụ) đến một hệ thống khác (cá thể) nầy? v.v.

Hỏi: Tại sao anh có cảm tưởng cách nhìn nầy có phần đơn giản quá?

Đáp: Nói chung là vì hầu như bất cứ sự kiện hay hiện tượng nào trên đời cũng có thể được giải thích (ít nhất là một phần nào) bằng một giả thuyết hay định luật nào đó. Ở đây tôi đang dùng những định luật khoa học có phạm vi rất tổng quát để cố giải thích cho những hiện tượng không kiểm chứng được.

Hỏi: Đối với anh thì chuyện “đầu thai” và “luân hồi” có quan trọng không?

Đáp: Không. Tôi sống cho kiếp sống hiện tại. Nếu thật sự có chuyện đầu thai thì tốt, còn không thì cũng không sao. Tôi không lo sợ về chuyện nhân quả, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện luân hồi.

Hỏi: Tại sao anh nói “thật sự có chuyện đầu thai thì tốt”?

Đáp: Tại vì nếu vậy thì có sự sống còn tiếp diễn sau khi chết. Không phải chinh phục được cái chết là nỗi ước vọng lớn nhất của loài người hay sao? Tôi cũng chỉ là một thành viên của nhân loại, sự sống rất quý báu và tuyệt vời đối với tôi. Tuy nhiên tôi không vì thế mà tự dối gạt tôi với cái ảo tưởng của sự sống vĩnh cửu nếu tôn phục một thần linh nào đó.


Bài 42: Đầu Thai


Hỏi: Anh tin có chuyện “đầu thai” không? 

Đáp: Tôi không biết. Tôi đã trình bày trước đây về một giả thuyết khả dĩ giải thích một phần nào về cái gọi là “linh hồn”. Nếu dựa vào đó thì chuyện đầu thai có thể xảy ra, có thể không, tùy vào những điều kiện và nghi vấn nằm trong giả thuyết trên.

Hỏi: Những điều kiện và nghi vấn gì?

Đáp: Thí dụ như tùy theo cái khối năng lượng (nếu hiện hữu) gọi là "linh hồn" có mang theo đặc tính cá thể của một người trước khi chết hay không; nếu có thì tùy theo nó có tồn tại ở trạng thái độc lập bao lâu; nếu lâu đủ thì tùy theo nó có khả năng hay cơ hội để chuyển biến sang thành một cá thể khác hay không, v.v. và v.v.

Hỏi: Anh nghĩ gì về những mẩu chuyện “chứng minh” là có đầu thai?

Đáp: Tôi có đọc những mẩu chuyện đó, thí dụ như về đứa bé tự xưng mình là hiện thân của một người quá vãng đã từng sống ở một nơi xa lạ mà đứa bé đó chưa bao giờ đặt chân đến; đứa bé có thể kể chính xác nhiều chi tiết cá nhân của người chết và diễn tả tĩ mĩ căn nhà mà ông ấy từng sống. Tôi không có giả thuyết nào có thể giải thích được những hiện tượng đó, nếu những hiện tượng đó có thật.

Hỏi: Tại sao anh nghĩ rằng những hiện tượng đó không có thật?

Đáp: Tôi không khẳng định rằng những hiện tượng đó không có thật. Tôi nói rằng có những trường hợp mà toàn bộ câu chuyện là giả mạo với bối cảnh được giàn dựng lên rất tinh vi bởi những người chung quanh vì lý do gì đó. Tôi không biết có bao nhiêu trường hợp giả mạo. Tôi cũng không biết có phải tất cả mọi câu chuyện trên đều là giả mạo hay ít nhất được thêu dệt, thêm thắt ít nhiều hay không.

Hỏi: Tại sao ai lại đi giả mạo những chuyện như vậy?

Đáp: Thường là để vụ lợi. Hầu hết các mẩu chuyện nầy đều xảy ra ở một vùng quê hẻo lánh hay một thôn tỉnh vô danh nào đó. Nếu một sự kiện ly kỳ loại nầy xảy ra ở những nơi như vậy thì số du khách tò mò đến thăm viếng sẽ mang lại địa phương những lợi tức không nhỏ. Tuy là đã có nhiều người điều tra về các mẩu chuyện loại nầy nhưng các bài tường trình của họ (mà tôi đã đọc qua) vẫn không đủ sức thuyết phục để tôi có thể chấp nhận hoàn toàn mọi thứ mà không có một chút ngờ vực nào.

Hỏi: Như vậy anh cho là tất cả các câu chuyện nầy đều có thể giả mạo?

Đáp: Có thể, có thể không. Tôi không biết đủ về vấn đề nầy để tự tin trong việc khẳng định hay phủ nhận tất cả.

Bài 41: Huyền Bí


Hỏi: Theo anh thì không có gì là huyền bí cả? 

Đáp: Nếu chữ “huyền” trong chữ “huyền bí” mang nghĩa gì liên quan đến “thiêng liêng”, “tín ngưỡng”, “tâm linh”, “thần thánh”, “Phật Chúa”, v.v. thì câu trả lời của tôi là “Không”.

Hỏi: Anh không hề bao giờ tin về những chuyện nầy à?

Đáp: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiêu biểu của xã hội Việt Nam. Tôi chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những khái niệm thiêng liêng, huyền bí tiêu biểu của người Á Đông. Trong một phần lớn của cuộc đời tôi, tôi đã được “giáo dục” một cách gián tiếp hay trực tiếp rằng những chuyện đó có thật. Tôi đã chấp nhận điều nầy như một việc đương nhiên. Tuy vậy qua quá trình học hỏi, tôi dần dần có những nghi vấn càng ngày càng lớn hơn.

Hỏi: Thế thì quan điểm ngày nay của anh về những chuyện nầy là gì?

Đáp: Tôi hiểu được tại sao có những khái niệm thiêng liêng, huyền bí nầy. Tôi chỉ không chấp nhận khuynh hướng gán đặt ý nghĩa thiêng liêng, huyền bí lên bất cứ hiện tượng gì người ta không hiểu được. Theo tôi thì có thể có những cách giải thích khác. 

Hỏi: Thế thì anh có thể nào giải thích được vô số những hiện tượng diệu kỳ, lạ lùng, ghê rợn trên đời nầy hay không?

Đáp: Điều đó ngoài khả năng của tôi. Có thể có nhiều lý do chính đáng để giải thích các hiện tượng đó.  Có thể một ngày nào đó con người sẽ giải thích được các hiện tượng đó, cũng giống như họ đã và đang làm từ bao nhiêu thế hệ nay.

Hỏi: Thí dụ?

Đáp: Cách đây không lâu, nhiều dạng bệnh tâm thần như tự kỹ hay bệnh liên quan đến não bộ (như kinh phong) đều bị cho là “ma ám” hay “quỷ nhập”. Do đó phương pháp chữa trị được công nhận bởi chính giới cầm quyền và những người được xem là hay giỏi nhất trong xã hội con người thời bấy giờ (thí dụ như giáo hội Công Giáo) là trừ ma hay trục xuất quỷ ra khỏi bệnh nhân. Bây giờ phần lớn người ta không còn nghĩ như vậy nữa.

Hỏi: Anh không tin những hiện tượng ma quỷ à?

Đáp: Thay vì gán đặt các yếu tố thuộc về tâm linh như ma quỷ hay thần thánh lên các hiện tượng nầy, tôi gọi chúng là những “hiện tượng tự nhiên không giải thích được”.

Hỏi: Anh giải thích làm sao những trường hợp “ma ám”, “quỷ nhập” mà bệnh nhân khỏi hẳn bệnh sau khi được hòa thượng hay linh mục đến làm phép giải trừ?

Đáp: Thế thì anh giải thích làm sao về vô số những trường hợp khác khi bệnh nhân không hết bệnh gì cả mặc dù đã làm phép giải trừ ma quỷ? Và còn vô số những trường hợp mà bệnh nhân tự hết bệnh không cần hòa thượng hay linh mục gì hết thì sao?

Hỏi: Thế thì anh không tin chuyện có ma quỷ à?

Đáp: Tôi “tin” (nói đúng ra là tôi “nghi ngờ”) rằng ngoài các loại năng lượng mà chúng ta quen thuộc còn có thể có những dạng năng lượng khác đôi khi gây ra những giao động trong khoảng không gian chúng ta đang sống và một số người chúng ta có thể cảm nhận được bằng cách nầy hay cách khác. Đây hoàn toàn chỉ là một giả thuyết mà tôi thâu nhận nhằm cố giải thích về những hiện tượng mà tôi nghe tường thuật lại như trên.

Hỏi: Còn linh hồn của người chết thì sao?

Đáp: Theo giả thuyết mà tôi "tin", cái gọi là "linh hồn" là một dạng năng lượng mà có những trường hợp có thể thoát ra khỏi thân xác của một người sau khi họ qua đời và tồn tại trong trạng thái độc lập một thời gian. Khoảng thời gian nầy có thể rất ngắn, hay rất dài. Những khối năng lượng nầy có thể còn chứa đựng những đặc tính cá thể của người đó, có thể không. Tôi không biết.

Hỏi: Cá nhân anh có bao giờ chứng kiến những hiện tượng liên quan đến "ma quỷ, linh hồn" chưa?

Đáp: Chưa.

Hỏi: Nhưng như vậy là anh vẫn tin rằng có thể có ma quỷ?

Đáp: Nếu “ma quỷ” chỉ là một từ ngữ dùng để diễn tả những hiện tượng loại trên thì đúng. Tôi không phủ nhận là điều đó hoàn toàn không thể xảy ra.

Hỏi: Nếu anh tin có ma quỷ thì tại sao anh không tin có Thượng Đế? Có năng lượng ác thì phải có năng lượng thiện cũng như có điện âm thì phải có điện dương chớ?

Đáp: Việc tôi không phủ nhận sự khả hữu của hiện tượng “ma quỷ” không có nghĩa là tôi công nhận sự hiện hữu của thần thánh, Tiên Phật, Thượng Đế theo cách các tín đồ tôn giáo tin. Hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, ngay cả những thứ gọi là “ma quỷ” mà tôi không phủ nhận đó đối với tôi không phải là “huyền bí” hay “thiêng liêng” gì cả, chúng chỉ là “những hiện tượng tự nhiên không thể giải thích được”.

Hỏi: Tại sao "những hiện tượng tự nhiên không giải thích được" không có thể là huyền bí hay thiêng liêng?

Đáp: Trong Kinh Thánh kể chuyện Giê Su làm phép lạ chữa một người mù sáng mắt lại. Bây giờ những bác sĩ thiện nguyện ở Phi Châu mỗi ngày giải phẩu hàng chục hàng trăm người mù làm họ sáng mắt lại. Mỗi cuộc giải phẩu như vậy có khi chỉ dài không hơn vài phút đồng hồ. Ngày nay có ai còn cho các cuộc tiểu phẩu đó là huyền bí hay thiêng liêng nữa không?

Hỏi: Nếu anh chứng kiến một hiện tượng ma quỷ thì anh nghĩ anh có sợ hãi không?

Đáp: Tôi nghĩ là tôi sẽ sợ hãi. Đó là phản ứng tự nhiên của con người khi đứng trước một sự kiện kỳ lạ có tiềm năng nguy hiểm.

Hỏi: Như vậy anh nghĩ anh có đang tự mâu thuẩn với chính anh hay không? Nếu anh tin đó chỉ là một hiện tượng tự nhiên (mặc dù không thể giải thích được) thì tại sao anh lại sợ hãi?

Đáp: Không có gì là mâu thuẩn cả. Nếu tôi đang ngồi trong nhà thì tự nhiên có một người lạ ập vào chỉa súng, trói tôi bịt mắt tôi lại thì có lẽ tôi cũng sợ hãi một cách tương tự. Sự sợ hãi nầy xuất phát từ một sự kiện có tiềm năng nguy hiểm (người lạ đột nhập vào nhà chỉa súng) cộng thêm sự hoang mang cùng cực (tại sao hắn trói tôi, bịt mắt tôi lại? Hắn muốn gì? Chuyện gì đang và sẽ xảy ra cho tôi?).

Bài 40: Não Bộ Khích Động


Có một bài đăng trên phần tin tức của nước Anh (BBC News) vài ngày qua. 

Bài nầy tả cảnh náo động cuồng nhiệt của hàng trăm khách hàng ở một tiệm bán computer Apple mới mở cửa ở Luân Đôn. Trong vài giờ trước khi, và sau khi mở cửa hàng, mọi người trở nên cực kỳ khích động như điên loạn; họ nhẩy múa, vổ tay và reo hò nồng nhiệt gần như bị khủng hoảng thần kinh. Ngay cả nhân viên bán hàng của tiệm cũng vậy. Và một tiệm Apple khác gần đó cũng vậy.

Những người nầy là những người cực kỳ ngưỡng mộ computer Apple, đến độ có thể so sánh như là một tín ngưỡng.

Điện não đồ của những người cực kỳ ngưỡng mộ Apple nầy cho thấy computer Apple khích động cùng một phần não bộ giống y như khi những hình ảnh linh thiêng khích động những người có tín ngưỡng.

Điều nầy cho thấy khi cực kỳ ngưỡng mộ bất cứ một thứ gì thì não bộ của con người cũng bị khích động mãnh liệt giống như khi một tín đồ đứng trước những hình ảnh thiêng liêng trong tôn giáo của họ.
Hay điều nầy cho thấy là ấn tượng thiêng liêng trong tôn giáo cũng chỉ là một trong nhiều thứ khác trên đời mà người ta có thể bị khích động mãnh liệt?

Bài 39: Luật Nhân Quả


Hỏi: Anh nghĩ gì về luật Nhân Quả “gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy”? 

Đáp: Trên nguyên tắc, luật Nhân Quả có thể giải thích được bằng luật bảo toàn năng lượng. Tuy vậy, trên thực tế thì cách giải thích đó quá mơ hồ và lỏng lẻo đến độ trở thành gần như vô giá trị.

Hỏi: Tại sao?

Đáp: Tại vì mối liên hệ giữa nhân và quả trên thực tế không phải chỉ là 1 hay 2 chiều mà là gần như vô số chiều. Với một mối liên hệ cực kỳ phức tạp như vậy thì những cách diễn tả như “gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy” hay “làm lành sẽ gặp lành, làm ác sẽ gặp ác” trở thành quá đơn giản. Không ai có thể áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày một cách chính xác đủ để giúp ích được gì cả. Tất cả chỉ là những ước đoán, một cách hoàn toàn mơ hồ và lỏng lẻo.

Hỏi: Mối liên hệ giữa nhân và quả phức tạp ra sao?

Đáp: Thứ nhất, giả dụ rằng bất cứ mỗi hành vi và ý nghĩ của mỗi người đều có hệ quả lớn nhỏ lên tất cả hành vi và ý nghĩ khác của người đó, và ngược lại.

Hỏi: Đó là liên quan hệ quả giữa mình với chính mình?

Đáp: Đúng vậy. Kế đó, giả dụ rằng bất cứ mỗi hành vi và ý nghĩ của mỗi người đều có hệ quả lớn nhỏ lên bất cứ mỗi hành vi và ý nghĩ của tất cả mỗi người khác liên quan xa gần đến người ấy, và ngược lại. 

Hỏi: Đó là liên quan hệ quả giữa mình với tất cả mọi người có liên hệ với mình?

Đáp: Đúng vậy. Kế đó, nếu áp dụng trong khuôn khổ của lý thuyết Phật Giáo thì có hàng hà sa số thế giới, mà khi không gian không còn là 3-chiều nữa nên thời gian cũng không còn là 1-chiều nữa; trong trường hợp giản dị nhất thì điều nầy có nghĩa là không những mỗi hành vi và ý nghĩ từ quá khứ vô tận có liên quan hệ quả đến hiện tại mà mỗi hành vi và ý nghĩ trong tương lai vô tận cũng có liên quan hệ quả đến hiện tại nữa.

Hỏi: Đó là liên quan hệ quả giữa mình với tất cả mọi người trong “dòng thời gian”, có điều là dòng thời gian ở đây không chỉ chảy một chiều "tới" mà còn chảy "lùi" nữa?

Đáp: Đúng vậy. Và ở trên tôi chỉ mới nói về "biệt nghiệp" (nghĩa là liên quan hệ quả giữa từng người với nhau) mà thôi. Nếu tôi thêm vào đó lý thuyết "cộng nghiệp" (nghĩa là liên quan hệ quả giữa từng nhóm người với từng người, và giữa từng nhóm người với từng và tất cả nhóm người khác) thì mức độ phức tạp của vấn đề nầy sẽ nhân thêm lên gấp không biết bao nhiêu lần nữa.

Hỏi: Do đó?

Đáp: Do đó nếu tất cả những giả dụ trên đều được áp dụng chồng chất lên nhau cùng một lúc thì sự liên quan hệ quả giữa bất cứ một sự kiện nào đó và một sự kiện khác sẽ vô cùng phức tạp và thường cực kỳ nhỏ đến độ gần như không còn đáng kể nữa.

Hỏi: Xin anh giải nghĩa rõ thêm tại sao cực kỳ nhỏ?

Đáp: Thí dụ nếu sự kiện A chỉ chịu ảnh hưởng bởi một sự biện B mà thôi thì ta có thể nói rằng "A chịu chi phối 100% bởi hệ quả của B". Nếu sự kiện A chịu ảnh hưởng bởi 10 sự kiện B1, B2, B3,..., B10 khác nhau thì hệ quả của mỗi sự kiện B ở trên chỉ bằng 1 phần mưởi của tổng số các hệ quả tác động lên sự kiện A ở một thời điểm nào đó. Nếu sự kiện A chịu ảnh hưởng bởi vô số sự kiện B khác nhau thì hệ quả của mỗi sự kiện B sẽ nhỏ vô cực so với tổng số các hệ quả tác động lên sự kiện A ở một thời điểm nào đó.

Hỏi: Anh muốn nói nếu một kẻ sát nhân giết chết 1 người hay 10 người khác cũng không có gì thật sự khác nhau lắm?

Đáp: Trong phương diện hệ quả dựa trên nguyên lý Nhân Quả thì có lẽ hầu như là như vậy. Không ai có thể tiên đoán (một cách chắc chắn và chính xác đủ để trở thành ích lợi) tương lai của một người dựa trên những hành vi trong quá khứ và hiện tại của họ. Bằng chứng là có vô số người suốt đời làm điều lành nhưng gặp toàn điều dữ, và ngược lại.

Hỏi: Như vậy anh cho rằng luật Nhân Quả không đáng quan tâm đến?

Đáp: Không hẳn vậy. Tôi cho rằng luật Nhân Quả tuy có thể hiện hữu nhưng vì cực kỳ phức tạp nên không thể nào biết được mỗi hành vi và ý nghĩ sẽ có hệ quả gì đáng kể hay không; và nếu có thì bao nhiêu và ra sao.

Hỏi: Nhưng mỗi giọt nước nhỏ dần dần cũng có thể làm đầy (hay làm vơi) một hồ nước.

Đáp: Có thể là vậy. Tuy nhiên tôi cho rằng thay vì dùng cái luật Nhân Quả mơ hồ trên để làm chuẩn mực cho cách hành sử hàng ngày thì tại sao chúng ta không cứ làm điều thiện chỉ vì chúng ta muốn làm điều thiện hay chỉ vì chúng ta cảm thấy vui sướng khi làm điều thiện? Tại sao chúng ta cần phải cân nhắc, lo nghĩ là mỗi việc chúng ta làm sẽ có hệ quả ra sao?

Hỏi: Nhưng luật Nhân Quả có thể khuyến khích người ta năng làm việc thiện và tránh làm việc ác.

Đáp: Đồng ý. Con lừa có thể được khuyến khích để bước đi tới hoặc bằng một cây roi đập vào mông nó hoặc bẳng một củ cải nhử trước miệng nó. Theo tôi, nếu con lừa hiểu rằng nó cần phải bước đi tới và tự nó muốn bước đi tới thì vẫn hay hơn và có hiệu quả hơn.

Hỏi: Anh nói luật Nhân Quả không có ích lợi gì cả?

Đáp: Cũng như nhiều thứ khác trong tôn giáo, luật Nhân Quả có thể dùng để đem lại hy vọng hay để an ủi. Một bà già hiền lành nhưng nghèo khổ suốt đời có thể dựa vào quan niệm Nhân Quả để hy vọng một ngày mai tươi đẹp hơn, ở kiếp sống nầy hay kiếp sống sau. Bà cũng có thể dùng luật Nhân Quả để an ủi rằng gã ăn cướp giật tiền của bà hôm nọ thế nào cũng gặp chuyện rủi ro xảy đến cho hắn một ngày nào đó. Ngoài ra luật Nhân Quả còn giúp khuyến khích, gìn giữ người ta làm điều thiện, tránh điều ác.

Hỏi: Nhưng trên đời có vô số thí dụ rõ ràng khi người làm lành gặp được việc lành và người làm ác gặp phải điều dữ.

Đáp: Đó chỉ là hiện tượng “thu thập dữ kiện một cách thiên vị”.  Lúc nào cũng có 4 trường hợp: 1/ người hiền gặp điều hiền, 2/ người hiền gặp điều dữ, 3/ người dữ gặp điều hiền, và 4/ người dữ gặp điều dữ. Xác suất xảy ra của 4 trường hợp nầy tương đối ngang ngửa nhau. Tuy vậy, những người tin vào Nhân Quả thường chỉ chú trọng, nhận thấy, ghi nhớ và phổ biến lại những gì có vẻ tương ứng với luật Nhân Quả (trường hợp 1 và 4). Vì những trường hợp khác (2 và 3) không nằm trong cách nhìn của họ nên họ thường không chú trọng, nhận thấy, ghi nhớ hay phổ biến lại. Do đó chỉ có những mẩu chuyện hỗ trợ nguyên lý Nhân Quả được truyền đi dạy lại với nhau từ đời nầy sang đời khác.

Bài 38: Con Chó Dữ và Sợi Dây Xích


Nếu: 

Con chó dữ = người có khuynh hướng làm ác

Sợi dây xích = tôn giáo (với những hứa hẹn và đe dọa ngăn cản không cho con người làm ác).

Quan điểm "dùng sợi dây xích để cột con chó dữ lại cho đến khi nào nó được huấn luyện thuần thục rồi sẽ thả ra" có cái lý của nó.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng sợi dây xích không có khả năng để huấn luyện con chó dữ trở thành thuần thục. Sợi dây xích chỉ có khả năng cột giữ con chó lại một chỗ mà thôi. Tôn giáo cũng vậy, những lời hứa hẹn và đe dọa của tôn giáo chỉ có thể ngăn cản (một phần nào) không cho người ta làm điều ác mà thôi. Tôn giáo không phải là một phương cách hữu hiệu để biến cải những người có khuynh hướng hay bản tính làm ác. Ai cũng thấy trên đời xưa nay có vô số thí dụ về các tín đồ sùng đạo triệt để, các bậc tu hành cao cả vẫn phạm đủ loại tội ác kinh khiếp nhất; bất cứ trong tôn giáo nào.

Có vô số những con chó khác bản tính hiền thục cũng bị cột cổ bằng những sợi dây xích như vậy. Những con chó nầy dù có bị xích hay không thì chúng cũng không có khuynh hướng cắn người. Tương tự, có vô số người bản chất hiển hòa sinh ra đã bị cha mẹ tròng vào cổ một tôn giáo. Đối với những người nầy thì dù có hay không có những lời hứa hẹn hay đe dọa trong tôn giáo, bản chất hướng thiện của họ cũng vẫn không cho phép họ làm hại người khác.

Phương thuốc dùng sợi dây xích để cột giữ con chó có vài phản ứng phụ nghiêm trọng.

Thứ nhất, với sợi dây xích cột chặt vào cổ, con chó có thể bị người chủ điều khiển, áp chế, sử dụng cách nào cũng được. Họ có thể cột nó ở chỗ nào họ muốn; họ có thể bắt nó làm trò tiêu khiển hay giữ nhà cho họ; họ có thể thâu ngắn lại hay nới lỏng dây sợi xích ra tùy theo nhu cầu của họ. Nhiều nhà cầm quyền, giáo hội, tu sĩ, tăng lữ xưa nay hiểu biết rất rõ điều nầy.

Thứ hai, con chó dữ bị cột lâu ngày ngược với bản tính tự nhiên của nó sẽ bị đè nén về nhiều mặt tâm sinh lý. Tuy sợi dây xích ngăn cản không cho nó đi đâu xa hay cắn người được nhưng nó vẫn sẽ tìm cách để giải tỏa các đè nén trên bằng cách nầy hay cách khác. Nó có thể đào phá sân cỏ, cắn gặm những cây cối, vật dụng nằm trong phạm vi nó có thể vói tới. Nạn ấu dâm tràn lan trong Công Giáo là một thí dụ điển hình.

Thứ ba, con chó dữ khi nằm trong phạm vi sợi dây xích của nó có thể có vẻ rất hiền ngoan. Nhiều người lầm lẫn cho rằng cái bề ngoài hiền ngoan nầy là bản chất thật sự của nó. Khi họ bước đến gần con chó mà không đề phòng, nó sẽ không ngần ngại để cắn họ. Có bao nhiêu người đã than vản các câu tương tự "tôi không ngờ ông ấy tu hành đức độ như vậy mà làm những chuyện ác độc đó hãm hại tôi!"?

Thứ tư, khi đã bị cột cổ bằng sợi dây xích lâu ngày thì con chó nghĩ rằng sợi dây xích là vật sỡ hữu quý báu của nó. Nếu một người lạ vì lý do gì đó đụng chạm vào sợi dây xích nầy thì con chó sẽ lập tức hùng hỗ cắn sủa người ấy. Tín đồ cũng vậy; có thể thấy vô số thí dụ ngoài đời và không ít ngay trong diễn đàn nầy.

Bài 37: Đừng Tiêu Diệt Tôn Giáo, Dù Nếu Có Thể

Hỏi: Anh đã xác định là không bao giờ có thể tiêu diệt tôn giáo được. Nhưng theo anh thì có nên tiêu diệt tôn giáo hay không?

Đáp: Theo tôi thì không.

Hỏi: Tại sao?

Đáp: Vì ngoài cái ích lợi như đã nói của tôn giáo là trấn an và xoa dịu nỗi đau khổ của con người, tôn giáo còn có giá trị trong việc gìn giữ an ninh trật tự và ổn định của xã hội.

Hỏi: Ý anh muốn nói đó là tại sao giới cầm quyền, ngay cả những nhà độc tài vô thần, xưa nay có khuynh hướng dung dưỡng tôn giáo?

Đáp: Không hẳn. Tôi nói ở đây là dưới cái nhìn của một người thường dân: tôi nhận thấy tôn giáo góp phần không nhỏ vào an ninh trật tự và ổn định của xã hội cần thiết cho chính tôi. Các nhà cầm quyền cũng dùng tôn giáo để gìn giữ an ninh trật tự và ổn định của xã hội, tuy nhiên đã có không ít nhà cầm quyền dùng tôn giáo để điều khiển, cai trị và đàn áp.

Hỏi: Xin anh giải thích thêm về “tôn giáo góp phần không nhỏ vào an ninh trật tự và ổn định của xã hội cần thiết” cho chính anh.

Đáp: Trong bất cứ xã hội nào cũng có một số người có khuynh hướng không ngần ngại cướp bóc, hãm hại, lường gạt, v.v. kẻ khác để làm lợi cho họ. Nhà cầm quyền đóng vai trò chính trong việc gìn giữ an ninh trật tự. Nhờ có nhà cầm quyền, và luật pháp, mà những hành vi trên được hạn chế. Tuy nhiên, nhà cầm quyền chỉ có thể đối phó với một số hữu hạn những người xấu, kẻ ác. Cảnh sát không thể có mặt tất cả mọi lúc ở tất cả mọi nơi. Trong khi đó các thần linh và thượng đế có thể.

Hỏi: Anh muốn nói thần linh và thượng đế trong tôn giáo đóng vai trò cảnh sát cho xã hội?

Đáp: Đúng vậy. Nhìn vào Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo sẽ thấy đầy những lời răn dạy kèm theo những hình phạt ghê gớm nhất. Ngay cả trong Phật Giáo cũng vậy, tuy lý thuyết Phật Giáo không chủ trương điều nầy nhưng đại đa số tín đồ vẫn được giáo dục theo lối “làm điều thiện sẽ gặp việc thiện, làm điều ác sẽ bị quả báo gặp việc ác”. Chính nhờ những câu răn dạy và hăm dọa loại nầy mà vô số các tội ác trên đời có thể xảy ra đã không xảy ra.

Hỏi: Anh cho rằng người ta thật sự tin và sợ những lời hăm dọa nầy?

Đáp: Những đứa trẻ được cha mẹ nhồi vào đầu óc ngây thơ của chúng từ khi còn nhỏ về điều nầy thì rất ít khi chúng không chịu ảnh hưởng sâu đậm. Khi lớn lên họ có thể nghi ngờ nhưng vẫn sẽ ít nhiều tin và sợ những lời hăm dọa nầy. Một người nếu có khuynh hướng hay ý định làm hại kẻ khác thì họ cũng ngần ngại trước thực hiện những việc được định nghĩa là “ác”. Mặc dù không còn trong vòng kềm tỏa của cha mẹ nữa, mặc dù không có mặt của nhà cầm quyền nào cả nhưng họ vẫn sợ Thiên Chúa, sợ luật Nhân Quả, v.v. Việc “sợ” nầy ngăn cản không cho người ta phạm tội ác.

Hỏi: Nhưng như vậy không phải là tôn giáo rất có ích lợi vì nó đem đến giá trị luân lý, đạo đức cho xã hội hay sao?

Đáp: Tôi đồng ý tôn giáo có “ích lợi” cho xã hội. Nhưng tôi không nghĩ là tôn giáo mang giá trị luân lý, đạo đức đến cho xã hội.

Hỏi: Tại sao?

Đáp: Nếu một người không làm điều xấu chỉ vì tin vào những lời hăm dọa trong tôn giáo và sợ sẽ phải chịu những hình phạt thì đó làm sao gọi là luân lý hay đạo đức được? Một con chó dữ bị xiềng bởi một sợi dây xích dài 4m chẳng hạn; khi một đứa bé đứng cách 4.5m trêu chọc nó mà nó không chồm lại cắn đứa bé chỉ vì nó biết rằng sợi dây xích sẽ ngăn cản nó làm chuyện ấy thì có thể nào gọi nó là một con chó “hiền” hay không?

Hỏi: Nhưng nếu không có cách nào khác tốt hơn để giữ con chó đừng cắn đứa bé thì phải làm sao?

Đáp: Đó là tại sao tôi nghĩ rằng không nên tiêu diệt tôn giáo, dù có thể. Có lý thuyết cho rằng những tín đồ càng sùng đạo là những người càng có bản chất yếu đuối về mặt tinh thần. Nếu họ thuộc vào thành phần những người có khuynh hướng hãm hại người khác (như đã đề cập ở trên) thì họ luôn cần phải nương tựa vào một cái gì đó, một đấng thiêng liêng hay một con cừu đầu đàn, để nhắc nhở và gìn giữ họ khỏi phạm những điều mà chính họ cũng biết rằng hư xấu. Bởi vậy một ngày đẹp trời nào đó nếu có phép mầu xảy ra (!!) mà mọi tôn giáo đều bị tiêu diệt thì lấy gì để kềm chế những tín đồ trên khỏi nổi loạn làm đảo lộn trật tự an ninh trong xã hội?

Hỏi: Anh có cho rằng tín đồ là những người có bản chất yếu đuối về tinh thần hay không?

Đáp: Tôi nghĩ đa số họ là những người dễ tin.

Bài 36: Đàn Cừu

Có người cho rằng với những quan điểm của tôi về tôn giáo như vầy thì tôi luôn luôn sẽ là người đơn độc.

Một ngày nọ tôi xem phim tài liệu về những đàn cừu của dân du mục trên các cánh đồng hoang ở Siberia.

Chúng chen chúc, dựa lấn lẫn nhau, lấm la lấm lét, luôn luôn sợ sệt không con nào muốn đứng ở gần ngoài bìa cả. Trong đầu chúng, lúc nào cũng lởn vởn các răng nanh nhọn đâu đó của những con sói dữ vô hình. Trên đầu chúng, mây trắng nuột giữa bầu trời xanh biếc.

Nhưng dĩ nhiên là đàn cừu không thể nào có tâm trí, và khả năng, thưởng lãm được cái đẹp thiên nhiên tuyệt vời của những cánh đồng hoang nầy.

Bài 35: Tại Sao Không Bao Giờ Tiêu Diệt Được Tôn Giáo?


Vài lý do chính tại sao không bao giờ tiêu diệt được tôn giáo: 
 
-        Nhu cầu tín ngưỡng của con người mãnh liệt không kém những nhu cầu tự nhiên cơ bản khác. Mãnh liệt vì tối cần thiết cho quá trình tiến hóa và sống còn của họ.
-        Đa số tín đồ không thể phân biệt được tín ngưỡng là một nhu cầu trong khi tôn giáo là một phương tiện để thỏa mãn nhu cầu đó. Họ đồng hóa tôn giáo và tín ngưỡng là một.
-        Quan niệm “thiêng liêng” gắn vào lãnh vực tín ngưỡng đã ngấm sâu vào tâm thức của con người. Điều nầy làm họ cho rằng nhu cầu nầy “thánh thiện, cao quý” hơn các nhu cầu tự nhiên cơ bản khác của họ.
-        Cho đến nay chưa có phương cách nào để trấn an, xoa dịu nỗi đau khổ nói chung của con người hiệu quả (và rẻ tiền) hơn là tôn giáo. Do đó con người ôm ấp và bảo vệ tôn giáo bằng mọi giá, kể cả nếu phải đánh đổi bằng sinh mạng và lý trí. Sinh mạng của họ, và nếu cần, của người khác.
-        Cho đến nay chưa có dụng cụ nào có thể dùng để điều khiển, thống trị con người hữu hiệu hơn là tôn giáo. Do đó giới cầm quyền xưa nay đều thường cổ động, ủng hộ nhãn hiệu tôn giáo nào có thể mua chuộc đông đảo dân chúng nhiều nhất. Do đó ngay cả những nhà độc tài lỗi lạc tuy vô thần nhưng vẫn dung dưỡng tôn giáo.

Bài 34: Một Tóm Lược


Có khi tôi rất lấy làm ngạc nhiên trước phản ứng của nhiều người khi họ đọc các bài viết về tôn giáo và tín ngưỡng của tôi. 
 
Họ cho rằng tôi xúc phạm đến họ.

Thật ra tôi không hiểu tại sao. Những điều tôi nói rất giản dị và thực tế:

-        Tín ngưỡng chỉ là một trong các nhu cầu tâm sinh lý cơ bản của con người như nhu cầu ăn, ngủ, tình dục, yêu thương (và được yêu thương), v.v. 
-        Tôn giáo là tín ngưỡng được hệ thống hóa bởi con người.
-        Từ hồng hoang cho đến tận thế, tín ngưỡng luôn luôn có mặt trong tâm thức con người; do đó tôn giáo luôn luôn có mặt trong xã hội.
-        Tôn giáo có những ích lợi tâm lý rất lớn đối với con người. Nhu cầu tâm lý nầy mang một tên riêng: nhu cầu tâm linh.
-        Tôn giáo đồng thời cũng là một công cụ vĩ đại và hữu hiệu nhất mà con người lợi dụng để lường gạt, điều khiển, đàn áp, bốc lột con người.
-        Con người gán đặt ý nghĩa thiêng liêng vào những gì nằm trong lãnh vực tâm linh.
-        Nhiều người (thường ở mức độ tiềm thức) chấp nhận bị lường gạt, điều khiển, đàn áp, bốc lột để đánh đổi được thỏa mản nhu cầu tâm linh của họ.
-        Không bao giờ tiêu diệt được tôn giáo.

Bài 33: Lóa mắt


Có nhiều người dễ bị lóa mắt vì những tước vị của người khác trong vấn đề ý tưởng và lý luận. 

Rất thường khi, chỉ cần tác giả của một bài viết về tôn giáo ký tên là Hòa Thượng ABC hay Linh Mục XYZ là sẽ có những người cho rằng bài viết nầy có giá trị đáng kể. Bất kỳ nếu cách lý luận hay dữ kiện trong bài nầy có vững vàng hay chính xác hay không. Bất kỳ họ có hiểu bài viết đó nói gì hay không.

Họ có khuynh hướng cho rằng nếu họ không hiểu cách lý luận hay chi tiết trong bài nầy thì chẳng qua là vì họ không có đủ trình độ kiến thức để thấu đạt ý của tác giả. Hơn thế nữa, nếu ai khác không hiểu cách lý luận hay chi tiết trong bài nầy thì họ cho rằng người đó không có đủ trình độ kiến thức để thấu đạt ý của tác giả.

Và họ sao chép, trích đăng bài nầy lại cho những người quen biết xem. Đồng thời họ không quên kính cẩn kèm theo tên tác giả - Hòa Thượng ABC hay Linh Mục XYZ - vào bên dưới, như một dấu ấn bảo đảm chất lượng của một món hàng mà chỉ những người sành điệu như họ biết thưởng thức.


Bài 32: Nếu Muốn An Toàn Hơn


Có một lối lý luận mà tôi rất thường nghe từ một số người Công Giáo khi bàn cãi về giá trị của Kinh Thánh, sự hiện hữu của Chúa Trời, v.v.

Những người Công Giáo nầy cho rằng làm theo những lời truyền dạy của Kinh Thánh ("nếu tôn vinh Thiên Chúa thì khi chết sẽ lên Thiên Đàng, nếu không thì sẽ sa vào hỏa ngục đời đời") thì sẽ có lợi và an toàn hơn là phủ nhận chúng. Lý do là vì nếu lỡ như chẳng có Chúa Trời hay Thiên Đàng gì hết chờ đợi con chiên sau khi chết thì họ cũng chẳng mất mát gì lắm; chớ còn nếu không mà lỡ khi chết đi và lời Kinh Thánh có thật rồi phải bị đứng bên ngoài cổng Thiên Đàng nhìn người khác được nhận vào thì sẽ tức tối và hối hận lắm.

Tôi nghĩ cách lý luận nầy cũng có cái lý của nó. 

Tôi đề nghị với tín đồ Công Giáo rằng nếu muốn an toàn hơn nữa thì họ cũng nên tôn vinh luôn vô số các giáo chủ, thần linh và thượng đế khác như Alah, Brahman, Sai Ba Ba, Thanh Hải Vô Thượng Sư, v.v. vì những tôn giáo nầy cũng hứa hẹn các thiên đàng dành riêng cho tín đồ của họ. Nếu lỡ lời truyền dạy trong các kinh sách khác có thật thì sao? Kinh Thánh có gì hay hơn các kinh sách đó?

Theo tôi biết, cho đến nay chưa có tín đồ Công Giáo nào cho lời đề nghị của tôi là có lý.