Bài 44: Khoa Học và Lãnh Vực Siêu Hình
Hỏi: Việc anh dùng khoa học để giải thích các hiện tượng siêu hình trên có tương tự như những người dùng khoa học để giải thích, hỗ trợ những điều giảng dạy trong Kinh Thánh hay không?
Đáp: Hai chuyện nầy khác hẳn. Những người tự gọi là “khoa học gia” nầy cố gắng chứng minh những chuyện họ đã tin là có thật và muốn cho người khác thấy là họ đúng. Những chuyện như vũ trụ được tạo thành trong vòng 6 ngàn năm nay, khủng long đã hiện diện cùng thời với con người, lý thuyết tiến hóa của Darwin hoàn toàn sai, Đại Hồng Thủy có thật, dấu vết chiếc thuyền của Nô-En đã tìm được, tấm vải liệm ở Turin thật sự của Giê-Su, v.v. Họ bóp méo nguyên tắc khoa học (vô tình và cố ý), họ dùng bất cứ lý luận nào dù gượng ép bao nhiêu để đạt được những kết quả họ muốn đạt được. Nói cách khác, họ hoàn toàn chủ quan.
Hỏi: Còn anh?
Đáp: Tôi dùng những định luật khoa học để đưa ra vài giả thuyết có thể giải thích được phần nào những hiện tượng mà chính tôi cho là không kiểm chứng (và không chấp nhận hoàn toàn) được. Chính tôi cũng có những ngờ vực về các cách giải thích nầy. Tôi không có một mục đích nào để muốn đạt đến bằng mọi giá. Nói cách khác, tôi đứng ở một vị thế khách quan.
Hỏi: Tại sao anh cần đưa ra giả thuyết để cố gắng giải thích những hiện tượng nầy?
Đáp: Tại vì ngay cả nếu những hiện tượng đó thật sự xảy ra (điều nầy vẫn còn chưa xác định được) thì tôi cũng không vừa lòng với các cách giải thích mà tôn giáo đem lại. Cha mẹ dạy con cái về những chuyện ma quỷ, thần thánh, Phật Chúa, v.v. bằng cách lập lại những gì mà cha mẹ họ đã dạy khi họ còn là trẻ con. Đa số người ta chấp nhận những chuyện nầy mà không hề tự tìm hiểu xem chúng có hữu lý hay không. Trừ một số người ngoại lệ, trong đó có tôi.
Hỏi: Thế thì anh tự tìm hiểu ra được điều gì?
Đáp: Không gì nhiều lắm, nhưng đủ để càng ngày tôi càng nghi ngờ hơn về nhiều điều giảng dạy trong tôn giáo.
Hỏi: Anh không vừa lòng điều gì với các cách giải thích của tôn giáo?
Đáp: Cách giải thích của Thiên Chúa Giáo (với quan niệm tôn thờ Chúa Trời sẽ được cứu rỗi, ngược lại sẽ bị tiêu diệt) thì quá đơn giản và ấu trĩ để tôi có thể chấp nhận được. Cách giải thích của Phật Giáo (với quan niệm duyên nghiệp, quả báo, luân hồi, v.v.) thì tuy “tiến bộ” hơn nhưng lại quá trừu tượng đến độ nhiều người diễn giảng chúng nhiều cách khác nhau; và nhiều cách diễn giảng nầy dẫn thẳng đến những thực hành mà tôi chỉ có thể gọi là mê tín dị đoan.
Hỏi: Anh nghĩ cách giải thích bằng những giả thuyết của anh có làm thay đổi quan điểm của ai về tín ngưỡng không?
Đáp: Không. Trừ của tôi.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment