Bài 43: Luân Hồi
Hỏi: Anh nghĩ gì về luật Luân Hồi?
Đáp: Lý thuyết Luân Hồi gắn liền với lý thuyết “đầu thai”. Như đã nói ở trên, tôi không có đủ kiến thức về các vấn đề nầy để khẳng định hay phủ nhận tất cả mọi trường hợp. Nói cách khác, tôi vẫn có nhiều nghi vấn chưa được giải đáp ổn thỏa. Phần lớn có lẽ là vì tôi chưa bao giờ bỏ công ra thật sự tìm tòi, nghiên cứu về hiện tượng nầy.
Hỏi: Những nghi vấn gì?
Đáp: Nghi vấn như đã nói ở trên nếu hiện tượng “đầu thai” có thật sự xảy ra hay không? Nếu có thì có xảy ra trong tất cả mọi trường hợp, cho tất cả mọi người hay không? Ngay cả nếu việc “đầu thai” có thật thì việc “luân hồi” có thật hay không? Nếu có thật thì nó áp dụng cho tất cả mọi người hay không? Nó làm việc ra sao? Mỗi người có sự lựa chọn trong việc đầu thai đi đâu hay không? v.v. và v.v.
Hỏi: Theo anh thấy thì sao?
Đáp: Tất cả những gì gọi là chứng minh của thuyết luân hồi cũng vậy, rất mơ hồ và không thể gọi là “bằng cớ không thể chối cãi được”. Tôi không thể nào dựa vào nó để làm nguyên tắc trong đời sống hàng ngày.
Hỏi: Theo anh thì “bằng cớ không thể chối cãi được” là gì?
Đáp: Là những bằng cớ có thể đứng vững trước một tòa án pháp lý dựa trên nguyên tắc xác định và công nhận một định luật bằng phương cách khoa học.
Hỏi: Nếu cho rằng các hiện tượng đó có thật thì anh giải thích ra sao?
Đáp: Các lý thuyết về “luân hồi”, “đầu thai”, “nghiệp quả”, v.v. đều liên quan và hoạt động chung với nhau. Có thể dùng năng lượng học, nhiệt động học, v.v. để giải thích các lý thuyết nầy (tuy nhiên cũng có thể dùng kiến thức trên để đưa ra các câu hỏi khác). Và nhiều khi tôi có cảm tưởng cách nhìn nầy có thể có phần đơn giản quá.
Hỏi: Xin anh nói rõ hơn?
Đáp: Thí dụ như định luật bảo toàn năng lượng cho thấy sự khả dĩ hiện hữu của linh hồn. Trong khi đó Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học tuy gián tiếp xác định việc sự sống thành tựu rồi tan biến nhưng cũng đặt ra câu hỏi là linh hồn làm sao có thể lấy năng lượng từ đâu để biến đổi từ một cá thể nầy trở thành một cá thể khác?
Hỏi: Xin anh nói rõ hơn về Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học?
Đáp: Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học nói “Mọi hệ thống (năng lượng) trong vũ trụ đều có khuynh hướng tự biến đổi từ trạng thái có trật tự cao xuống dần thành có trật tự thấp”. Con người còn sống là một hệ thống có trật tự cao; khi một người chết thì linh hồn tách rời khỏi thể xác: đó là một hệ thống có trật tự thấp hơn. Cái tử thi cũng là một hệ thống từ từ phân hủy và tan rã ra: trật tự cao biến đổi thành thấp.
Hỏi: Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học đưa đến câu hỏi gì?
Đáp: Thí dụ: 1/ Cái gọi là “linh hồn” là một hệ thống, giả dụ như có thể hiện hữu độc lập một phần nào, nhưng theo Định Luật Thứ Hai của nhiệt động học thì rồi cũng sẽ phải từ từ tiêu tan đi; và nếu như vậy thì linh hồn không vĩnh cửu hay sao? 2/ Khi linh hồn của một người biến đổi thành linh hồn của một cá thể khác, nó phải cần năng lượng để làm việc đó. Khi linh hồn “mới” muốn kết hợp vào một thân xác “mới”, đó là trường hợp một hệ thống có trật tự thấp đang biến đổi thành một hệ thống có trật tự cao; nó cũng cần năng lượng để làm việc đó. Vấn đề cần giải thích ở đây là những năng lượng cần thiết đó từ đâu mà có? 3/ Nếu từ bên ngoài thì điều gì tạo ra sự di chuyển năng lượng từ một hệ thống (vũ trụ) đến một hệ thống khác (cá thể) nầy? v.v.
Hỏi: Tại sao anh có cảm tưởng cách nhìn nầy có phần đơn giản quá?
Đáp: Nói chung là vì hầu như bất cứ sự kiện hay hiện tượng nào trên đời cũng có thể được giải thích (ít nhất là một phần nào) bằng một giả thuyết hay định luật nào đó. Ở đây tôi đang dùng những định luật khoa học có phạm vi rất tổng quát để cố giải thích cho những hiện tượng không kiểm chứng được.
Hỏi: Đối với anh thì chuyện “đầu thai” và “luân hồi” có quan trọng không?
Đáp: Không. Tôi sống cho kiếp sống hiện tại. Nếu thật sự có chuyện đầu thai thì tốt, còn không thì cũng không sao. Tôi không lo sợ về chuyện nhân quả, tôi cũng không quan tâm lắm đến chuyện luân hồi.
Hỏi: Tại sao anh nói “thật sự có chuyện đầu thai thì tốt”?
Đáp: Tại vì nếu vậy thì có sự sống còn tiếp diễn sau khi chết. Không phải chinh phục được cái chết là nỗi ước vọng lớn nhất của loài người hay sao? Tôi cũng chỉ là một thành viên của nhân loại, sự sống rất quý báu và tuyệt vời đối với tôi. Tuy nhiên tôi không vì thế mà tự dối gạt tôi với cái ảo tưởng của sự sống vĩnh cửu nếu tôn phục một thần linh nào đó.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment