Hỏi: Người ta thường nói vì khoa học "hữu hạn" nên không thể giải thích được cái "vô hạn" của tôn giáo. Anh nghĩ sao?
Đáp: Mỗi khi chữ "khoa học" được nhắc đến trong bài bình luận nào về tôn giáo thì tín đồ vội vã đem lý lẽ “hữu hạn vs vô hạn” ra để ngụy biện cho việc họ không thể dùng cách suy luận trong đời sống hàng ngày để giải thích về cái gọi là "đức tin" của họ. Đây thật ra chỉ là một ngữ thuật khéo léo để làm cho cái lý lẽ trên nghe xôm tụ nhưng thực chất của nó thì rỗng tuếch.
Hỏi: Xin anh cho thêm chi tiết.
Đáp: Tín đồ gán đặt rằng “khoa học là hữu hạn” để cho thấy khoa học không thể giải thích được mọi sự việc trong vũ trụ. Trong khi đó họ tuyên bố rằng “tôn giáo là vô hạn” vì tôn giáo có thể "giải thích" những vấn đề cao siêu hơn trong những lãnh vực huyền bí vô tận mà trí óc con người không thể xác định được. Vấn đề cần thấy ở đây là tôn giáo không "giải thích" được gì cả. Tôn giáo chỉ trùm một tấm chăn với nhãn hiệu "thiêng liêng và huyền bí" lên tất cả những gì nó không giải thích được rồi dạy tín đồ hãy chấp nhận rằng đó là một phạm trù đặc biệt mà lý trí và cách suy luận bình thường không áp dụng được.
Hỏi: Tại sao anh cho lý lẽ kia chỉ là một ngữ thuật?
Đáp: Tại vì họ dựa trên định nghĩa và cách dùng chữ của họ để xây dựng lý lẽ trên. Tôi cũng có thể dùng chữ "hữu hạn" và "vô hạn" một cách khác và cho rằng thật ra thì tôn giáo "hữu hạn" trong khi khoa học "vô hạn".
Hỏi: Bằng cách nào?
Đáp: Khoa học ngay từ đầu đã tự xác định đường hướng của nó là dựa vào hiện tượng để đưa ra giả thuyết rồi cải tiến giả thuyết đó dần cho đến khi có thể áp dụng vào mọi hiện tượng cùng loại trong cùng một môi trường. Bằng cách đó những bí ẩn của vũ trụ có thể được giải mã dần dần từng cái một. Khoa học cũng xác định vũ trụ là vô hạn, do đó khoa học cứ tiến triển không bao giờ ngừng lại và không có biên giới.
Hỏi: Xin anh cho thí dụ.
Đáp: Thí dụ như khi Newton thấy quả táo rơi, ông đặt ra giả thuyết về sức hút của trái đất. Giả thuyết nầy dần dần được hoàn cải để áp dụng cho mọi vật thể trong không gian. Sau đó, thí nghiệm cho thấy các quy luật của Newton chỉ có giá trị cho thế giới vĩ mô và không đúng trong môi trường vi mô: các vật thể cực nhỏ chịu ảnh hưởng bởi các lực khác như điện từ trường nhiều hơn bởi trọng lực. Từ đó các giả thuyết khác được đưa ra để dần dần dẫn đến các quy luật khác áp dụng cho điện tử, nguyên tử, phân tử. Rồi sau đó nữa thì người ta thấy những quy luật nầy cũng không thỏa mãn được một số hiện tượng khác, từ đó vật lý lượng tử ra đời. Và cứ như vậy mà tiếp diễn, khoa học không bao giờ dừng lại.
Hỏi: Do đó?
Đáp: Vì khoa học không bao giờ ngừng tiến triển và không có biên giới, tôi có thể cho rằng khoa học "vô hạn".
Hỏi: Còn tôn giáo?
Đáp: Thí dụ như tín đồ Thiên Chúa Giáo dựa tất cả niềm tin và đời sống của họ lên một quyển sách soạn thảo đã hơn 2000 năm truyền dạy những điều không thay đổi (và không hoàn hảo) của một thượng đế (cũng không hoàn hảo) mà mọi sự việc đều chấm dứt ở đó. Đối với tôi, cả hệ thống lý thuyết của Thiên Chúa Giáo không có gì để phát triển nữa, và không có lối thoát ra khỏi cái ranh giới của họ tự đặt ra cho họ nên do đó có thể được coi là rất "hữu hạn".
Hỏi: Như vậy anh cho rằng tùy cách nhìn của mỗi người mà tôn giáo và khoa học có thể "hữu hạn" hay "vô hạn"?
Đáp: Đúng vậy. Điều đó cho thấy cái lý lẽ "hữu hạn vs vô hạn" trên do các tín đồ đặt ra chỉ có giá trị cho họ và với họ. Cái "vô hạn" duy nhất mà tôi nhận thấy trong tôn giáo là sự biến hóa muôn hình vạn trạng trong những cách tín đồ diễn giảng kinh sách và giáo lý ra để áp dụng vào đời sống cho thích hợp với nhu cầu, hoàn cảnh và cách biện luận của họ.
Hỏi: Anh có quan tâm đến việc khoa học bị coi là “hữu hạn” hay không?
Đáp: Khoa học có đường hướng và mục đích của khoa học. Sự kiện một nhóm người gọi nó là “hữu hạn” hay “vô hạn” chẳng có ảnh hưởng gì cả đến đường hướng và mục đích nầy. Tuy nhiên, theo tôi thì như thường lệ các tín đồ rất độc đoán và thiên vị trong lý lẽ "hữu hạn vs vô hạn" của họ.
Hỏi: Độc đoán và thiên vị ra sao?
Đáp: Tín đồ cho rằng những đức tin của tín ngưỡng là "vô hạn" và đời sống hàng ngày là "hữu hạn". Họ cũng cho rằng các cách lý luận "hữu hạn" không thể nào áp dụng được trong lãnh vực "vô hạn". Tuy vậy, họ không ngần ngại đem những gì "vô hạn" áp dụng thường xuyên vào đời sống "hữu hạn" hàng ngày.
Hỏi: Thí dụ?
Đáp: Thí dụ như Kinh Thánh được tín đồ dùng như là căn bản của kiến thức và đạo đức cần phải áp dụng lên tất cả mọi người trong xã hội. Tôi không cần quan tâm đến việc một nhóm người tin rằng vũ trụ được một thần linh tạo ra 6000 năm về trước hay phương pháp định tuổi vật hóa thạch dùng carbon chỉ là sản phẩm ngụy tạo; tuy nhiên tôi không chấp nhận việc họ muốn đem các đức tin vô nghĩa nầy vào dạy cho trẻ con trường công lập như là những kiến thức phổ thông thường thức. Tôi không cần quan tâm đến việc một nhóm người cho rằng đồng tính luyến ái là dơ bẫn và tội lỗi, ngừa thai là tương đương với sát nhân; tuy nhiên tôi không chấp nhận việc họ muốn dựa trên các đức tin thủ cựu và nông cạn này để làm thành những đạo luật của quốc gia.
Hỏi: Anh đang nói về Thiên Chúa Giáo, còn Phật Giáo thì sao?
Đáp: Vấn đề của tôi với Phật Giáo thì khác hẳn. Tôi không có gì chống đối việc sử dụng lý thuyết Phật Giáo vào đời sống hàng ngày. Nhân sinh quan của bản thân tôi chịu ảnh hưởng lớn bởi triết lý Phật Giáo. Tôi chỉ có nhiều vấn đề với cách thức nhiều người áp dụng lý thuyết Phật Giáo vào đời sống. Như đã nói, trong Phật Giáo hiện tại có vô số tăng sư giảng dạy tín đồ những phương cách tín ngưỡng mà tôi chỉ có thể gọi là mê tín dị đoan với mục đích không gì hơn là để lường gạt, bóc lột. Và có vô số Phật tử vô ý thức tiếp tay truyền bá các mê tín dị đoan nầy.
Hỏi: Thế thì thật ra anh không có vấn đề gì lắm với Phật Giáo về việc “hữu hạn vs vô hạn” nầy?
Đáp: Có thể nói là vậy. Cũng cần nói thêm là lối lý luận “hữu hạn vs vô hạn” nầy chỉ thường được sử dụng bởi tín đồ Thiên Chúa Giáo, nhất là trong các cuộc tranh luận về “tôn giáo vs khoa học”. Tuy nhiên tôi đã gặp người tự xưng là thâm hiểu triết lý Phật Giáo nhưng cũng phơ phẩy nó như là một kiến thức đắc ý.
No comments:
Post a Comment