Tôi không có gì chống đối việc sử dụng lý thuyết Phật Giáo vào đời sống hàng ngày. Nhân sinh quan của bản thân tôi chịu ảnh hưởng lớn bởi triết lý Phật Giáo. Tôi chỉ có nhiều vấn đề với cách thức nhiều người áp dụng lý thuyết Phật Giáo vào đời sống. Như đã nói, trong Phật Giáo hiện tại có vô số tăng sư giảng dạy tín đồ những phương cách tín ngưỡng mà tôi chỉ có thể gọi là mê tín dị đoan với mục đích không gì hơn là để lường gạt, bóc lột. Và có vô số Phật tử vô ý thức tiếp tay truyền bá các mê tín dị đoan nầy.
Hỏi: Phật tử vô ý thức ra sao?
Đáp: Có một dạng Phật tử vì không có trình độ học vấn và hiểu biết nên ai nói sao họ nghe vậy. Vì hoàn cảnh không phép nên họ không có đủ khả năng kiến thức và lý luận để xác định được giá trị của những lời “giảng dạy” từ giới sư tăng và sự “hướng dẫn” của các Phật tử khác. Tôi không có vấn đề gì mấy đối với những người nầy.
Hỏi: Còn dạng khác?
Đáp: Một dạng Phật tử khác có trình độ học vấn và kiến thức đầy đủ. Đáng lẽ họ có thể nhận định được rằng những phương cách tín ngưỡng trên chỉ là mê tín dị đoan, những hành vi trên của sư sãi chỉ là lường gạt, bóc lột. Tuy vậy họ hoặc là 1/ không thể lột gỡ được những thành kiến hạn hẹp trong đầu họ, hoặc là 2/ lựa chọn cố ý để không phản ứng gì cả. Tôi có vấn đề với những người nầy.
Hỏi: Anh nghĩ tại sao những người nầy không có phản ứng gì về việc đó?
Đáp: Vì một số lý do. Thứ nhất, họ không có thói quen phê bình chỉ trích sư sãi. Rất có thể vì cha mẹ họ đã dạy họ từ nhỏ là “các bậc tu hành đều đáng kính trọng”, “sư sãi đại diện cho Phật để dạy Phật pháp”, v.v. Cái mà cha mẹ họ quên dạy là sư sãi cũng chỉ là những con người có đủ tham sân si và sai trái. Lớn lên khi họ bất ngờ nghe thấy ai phê bình, chỉ trích những sai trái của tăng sư thì họ cảm thấy “sốc” và phản ứng tự vệ thúc đẩy họ chống đối lại người đó lập tức không cần suy nghĩ.
Hỏi: Lý do kế đó?
Đáp: Nhiều người dễ bị lóa mắt trước hình ảnh thanh thoát (cùng các tước vị cao cả) của những vị tăng sư mặc áo cà sa cổ kính trong khung cảnh trang nghiêm (và có khi lộng lẫy, vĩ đại) của những chùa miếu, thiền viện. Vì bị lóa mắt nên họ thu nhận tất cả những gì các sư tăng đưa ra mà không hề tự vấn rằng nó có hữu lý hay không. Vì bị lóa mắt nên họ sao chép các bài viết, học thuộc lòng các lời thuyết giảng của các hòa thượng, đại đức rồi đi đăng dán, rao bày như những món hàng tuyệt mỹ mà không kiểm nghiệm xem thực chất của chúng là gì.
Hỏi: Kế đó?
Đáp: Nhiều người còn lo sợ rằng phê phán sư sãi là "có tội" với Phật pháp. Quan điểm "tội phước" và sự sợ hãi từ đó của họ không cho phép họ phê bình, chỉ trích những gì đáng phê bình, chỉ trích. Theo họ dù biết rằng "thầy" ham muốn tiền bạc nhưng nếu họ cứ dâng cúng tiền bạc cho "thầy" thì họ vẫn sẽ "có phước" như thường. Họ không thấy rằng làm như vậy là họ gián tiếp bôi trét bùn nhơ lên nền tảng Phật Giáo.
Hỏi: Lý do kế?
Đáp: Họ dùng lý lẽ "tùy duyên cứu độ" như là một lý do (tuy nhiên phần đông chỉ là một cái cớ) để dung dưỡng những điều tàn tệ trong Phật Giáo. Tôi đã nói nhiều về vấn đề "tùy duyên cứu độ" nầy trước đây rồi.
Hỏi: Lý do kế nữa?
Đáp: Cái quan niệm sai lầm là "đạo nào cũng tốt giống nhau" hình như đã ăn sâu vào cách suy nghĩ của vô số người. Theo họ thì “có đạo” dù bất cứ dưới đường hướng nào cũng tốt hơn là không có đạo. Quan niệm nầy đào tạo ra những kẻ tự cao, tự đại cho rằng những người vô tôn giáo không có luân lý, đạo đức do đó lý lẽ của họ không đáng để nghe đến. Kể cả những lý lẽ liên quan đến các vấn đề hư thối thực tế trong Phật Giáo.
Hỏi: Kế đó?
Đáp: Có người quan niệm rằng phê bình, chỉ trích không phải là việc làm của họ: Họ quên rằng Phật pháp là một triết lý dựa trên thực hành. Nếu chỉ đọc leo lẻo những câu kinh kệ một cách từ chương mà không áp dụng vào đời sống thì nguyên cái Phật pháp ấy cũng chỉ là vô dụng. Thấy chuyện tồi tệ xảy ra tràn ngập trong cái gọi là đạo của họ mà im hơi lặng tiếng không dám mở miệng ra can thiệp thì đang đi ngược lại cái pháp đó. Không lên tiếng tức là gián tiếp dung dưỡng và quảng bá những chuyện tồi tệ trong Phật Giáo. Thấy người khác phê bình chỉ trích mà cho họ là vô luân lý, vô đạo đức là gián tiếp xem các chuyện tồi tệ đó là hay tốt.
Hỏi: Và?
Đáp: Và có nhiều người sợ mếch lòng người khác.
Đáp: Và có nhiều người sợ mếch lòng người khác.
Hỏi: Nhưng nếu anh không làm gì hết thì tại sao anh nghĩ rằng Phật tử cần phải một điều làm gì đó?
Đáp: Tôi không phải là một Phật tử. Tôi là người ngoại cuộc. Nếu một đống rác lớn nằm giữa sân một cái chùa và Phật tử không ai bận tâm làm gì hết mà còn góp phần bỏ thêm rác vào cho cái đống rác càng ngày càng lớn ra thì đó là vấn đề của Phật tử. Tôi chỉ có thể bình luận về cái đống rác, còn nhiệm vụ hốt rác là của Phật tử chớ không phải của tôi.
Hỏi: Theo anh thì họ nên làm gì?
Đáp: Khi họ thấy cần thiết thì họ sẽ biết họ nên làm gì. Mỗi người có một vị thế khác nhau, nếu họ thấy cần thiết thì họ sẽ làm những gì thích hợp trong hoàn cảnh của họ.
No comments:
Post a Comment