Bài 53: Tượng Phật Chúa Khóc hay Chảy Máu


Theo sự hiểu biết của tôi, trong hàng ngàn trường hợp tượng Phật Bà hay tượng Đức Mẹ khóc hay chảy máu chỉ có một trường hợp là không xác định được. Phần còn lại đều là giả mạo hoặc lầm lẫn. Và một trường hợp không xác định được trên thường là vì chủ nhân của các pho tượng đó không cho phép ai áp dụng phương pháp khảo nghiệm khoa học để kiểm nhận rõ ràng hiện tượng đó có thật hay không. 

Ngay từ thế kỷ 15, 16 đã có những tài liệu viết về hiện tượng tượng Đức Mẹ khóc hay chảy máu. Vào những năm 1970 đến 1990 có rất nhiều hiện tượng tương tự ở những lãnh địa Công Giáo và Chính Thống Giáo trên toàn thế giới kể cả Á Châu và Phi Châu.

Một điều tôi phải công nhận là Giáo Hội Công Giáo đưa ra những tiêu chuẩn kiểm nghiệm rất nghiêm khắc về vấn đề nầy. Họ điều tra tất cả các trường hợp đáng kể và từ đó đến giờ chỉ chính thức công nhận vài trường hợp trong hàng ngàn trường hợp họ đã kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các trường hợp mà Giáo Hội được công nhận thật sự là “phép mầu” cũng được bảo vệ một cách rất triệt để: họ không cho phép ai khác ngoài người của họ kiểm nghiệm. Cách kiểm nghiệm của họ cũng không phải luôn luôn là những phương pháp kiểm nghiệm khoa học được công nhận và thường dùng ở khác lãnh vực khác như khảo cổ hay hình sự. (Đội điều tra hình sự trong phim tập TV được nhiều người ưa chuộng NCIS – Naval Criminal Investigative Services - không bao giờ có cơ hội trổ tài của họ lên những pho tượng nầy!)

Lý do chính là vì Giáo Hội cũng cần có một số phép mầu để củng cố vị thế của họ. Họ không thể để những “phép mầu” lan tràn mọi nơi không kiểm soát được, nhất là những “phép mầu” được ngụy tạo một cách thô sơ do bất cứ ai ở những địa phương xa lạ nào đó. Điều cần nhận biết là những “phép mầu” dạng nầy nếu xảy ra trong lãnh phận nào thì đem đến ưu thế vô biên cho uy tín tôn giáo cũng như điều kiện kinh tế cho lãnh phận ấy. Những hiện tượng được công nhận bởi Giáo Hội đều nằm trong những lãnh phận có liên minh mật thiết và được “ưu đãi” bởi Giáo Hội.

Có ít trường hợp tượng Phật Bà khóc hay chảy máu được tường thuật hơn trường hợp Đức Mẹ. Rất hiếm có trường hợp Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su khóc. Có thể vì quan niệm thông thường trong đầu người ta là đàn bà dễ động lòng khóc hơn đàn ông chăng?

Ở Việt Nam, những trường hợp tượng Phật Bà (hay bà Thánh Mẫu, Công Chúa, v.v.) thường xảy ra ở  những vùng thôn quê xa xôi. Thường không có tổ chức tôn giáo nào chính thức đến kiểm nghiệm hay công nhận các hiện tượng nầy cả. Thường thì nghe theo lời đồn đãi, nhiều người sẽ đổ xô tấp nập đến những địa phương nầy để cúng bái, cầu khẩn cho sức khỏe, tiền tài, gia cảnh của họ. Số người sùng mộ thường bùng cao lên trong một lúc rồi xẹp xuống khá mau chóng. Phần lớn các hiện tượng “hiển linh” nầy đi vào sự quên lảng của đại đa số quần chúng, kể cả tín đồ, sau một thời gian ngắn. 

Rất nhiều người suốt đời hăm hở chực chờ để đi “hành hương” từ hiện tượng linh thiêng nầy đến hiện tượng linh thiêng khác. Đây là một cách thông dụng để nhu cầu tâm linh của họ được “giải trí”, không khác gì người ta thỉnh thoảng cần đi xem hát, xem kịch để mua vui.

No comments:

Post a Comment