Bài 49: Ma Quỷ


Tôi “tin” (nói đúng ra là tôi “nghi ngờ”) rằng ngoài các loại năng lượng mà chúng ta quen thuộc còn có thể có những dạng năng lượng khác đôi khi gây ra những giao động trong khoảng không gian chúng ta đang sống và một số người chúng ta có thể cảm nhận được bằng cách nầy hay cách khác. Đây hoàn toàn chỉ là một giả thuyết mà tôi thâu nhận nhằm cố giải thích về những hiện tượng mà tôi nghe tường thuật lại.
 
Theo giả thuyết mà tôi "tin", cái gọi là "linh hồn" là một dạng năng lượng mà có những trường hợp có thể thoát ra khỏi thân xác của một người sau khi họ qua đời và tồn tại trong trạng thái độc lập một thời gian. Khoảng thời gian nầy có thể rất ngắn, hay rất dài. Những khối năng lượng nầy có thể còn chứa đựng những đặc tính cá thể của người đó, có thể không. Tôi không biết.


Hỏi: Anh nghĩ có ai không tin chuyện ma quỷ không?

Đáp: Khái niệm “ma, quỷ” hiện diện với con người trong hầu như bất cứ dân tộc, quốc gia, nền văn hóa trong bất cứ thời đại nào. Ngay từ thời tiền sử, dựa theo bằng chứng thu thập được, khái niệm “ma, quỷ” đã có mặt và phổ biến. Trong bất cứ tôn giáo nào cũng có khái niệm nầy, ngay cả Thiên Chúa Giáo (ngược lại với cách hiểu biết của nhiều người là “Thiên Chúa Giáo không tin và dạy rằng không có ma quỷ”).

Hỏi: Anh nghĩ từ đâu mà mỗi người có khái niệm nầy?

Đáp: Cũng như nhiều kiến thức khác, khái niệm ma quỷ được truyền dạy cho hầu hết mỗi người chúng ta từ những mẩu chuyện kể lại bởi gia đình, bạn bè khi chúng ta còn là trẻ con. Một thí dụ thông thường nhất như là khi người mẹ dỗ con ngủ với những câu tương tự như “không ngủ thì ông kẹ cắn à!” thì bà đã đưa vào tiềm thức  đứa bé khái niệm ma quỷ (cùng ấn tượng sợ hãi). Những ấn tượng sợ hãi đó thường gắn liền với mỗi người suốt đời họ.

Hỏi: Anh cho là đó là lý do hầu như ai cũng “sinh ra” với khái niệm ma quỷ và ấn tượng sợ hãi?

Đáp: Đúng vậy. Hầu hết chúng ta dù cố gắng suy nghĩ và nhớ ngược lại trong đời mình cách mấy cũng không thể nào xác định được lần đầu tiên chúng ta nghe biết về vấn đề ma quỷ. Lý do là vì nó thường được truyền dạy cho mỗi người từ lúc còn sơ sinh từ những người chăm nom nuôi nấng họ.
Khi lớn lên một chút, lúc một đứa trẻ giao du với hàng xóm, bạn bè thì những câu chuyện ma quỷ từ một gia đình, từ một thế hệ được trao đổi sang gia đình và thế hệ khác.

Hỏi: Anh nghĩ tại sao người ta sợ ma nhưng thích nghe kể chuyện ma?

Đáp: Tôi nghĩ lý do đó cũng tương tự như lý do tại sao ở các hội chợ người ta thích chơi những trò chơi cực kỳ nguy hiểm, thích ngồi trên những chiếc đu chạy với tốc độ hãi hùng ngoặc ngoẹo leo lên rơi xuống những độ cao choáng váng.

Hỏi: Để kích thích thần kinh cực độ?

Đáp: Đúng vậy. Một yếu tố quan trọng để họ thích thú làm việc nầy là vì họ biết rằng khi qua khỏi những cảm giác kinh hoàng tạm thời đó thì họ sẽ vẫn được an toàn.   

Hỏi: Anh cho rằng phần nhiều những chuyện ma quỷ đều có nguồn gốc “nhân tạo”?

Đáp: Đúng vậy. Có nhiều sự kiện cho thấy rằng khái niệm “linh hồn”, và từ đó “ma quỷ”, rất có thể đã xuất phát từ sự hiểu biết và nhận xét thô sơ của người ta trong thời xa xưa khi kiến thức khoa học còn hạn hẹp.

Hỏi: Thí dụ?

Đáp: Một thí dụ là ngay từ xa xưa người ta đã cho rằng 1/ linh hồn nằm bên trong thân xác mỗi người, 2/ linh hồn là những vật thể mơ hồ, sương khói, và 3/ ở những xứ lạnh người ta nhận thấy hơi thở từ mũi của họ có dạng sương trắng mờ. Những dữ kiện trên có thể đã đưa đến việc chữ “linh hồn” trong một số ngôn ngữ như Latin (“spititus”) hay Hy Lạp (“pneuma”) đều có nghĩa gốc là “hơi thở”. Ngay cả những người viết ra Kinh Thánh cũng có vẻ chịu ảnh hưởng nầy, họ diễn tả Chúa Trời thổi hơi thở vào tượng đất sét để ban sự sống cho Adam.

Hỏi: Theo anh thì có nhiều cách giải thích các hiện tượng ma quỷ?

Đáp: Đúng vậy. Đại đa số các trường hợp ma quỷ đều là do ấn tượng của người trong cuộc. Tôi biết có người đó đến ở một căn nhà lạ một mình, giữa đêm khuya ông ấy giật bật khỏi giấc ngủ vì có ai đang rên rỉ, cào cấu bên ngoài vách và gõ lộp cộp trên nóc nhà. Ông ấy cực kỳ sợ hãi chỉ nằm trùm mền chịu đựng không dám bước ra khỏi phòng. Khi trời sáng thì các tiếng động đó vẫn tiếp diễn. Tuy vậy, vì trời đã sáng nên ông có can đảm đi ra ngoài sân. Ông thấy trời đang gió mạnh (có lẽ bắt đầu từ nửa đêm sau khi ông đi ngủ) làm một cánh cửa sổ quên kài then kêu kót két nghe giống tiếng người rên, vài cành cây sát bên nhà đang đong đưa cọ vào vách, và những trái thông vẫn còn đang rơi lộp độp trên nóc nhà. Những hình ảnh ma quỷ kinh hãi đêm qua tự dưng biến mất dưới ánh sáng mặt trời mặc dù cùng một hiện tượng vẫn còn đang tiếp diễn.

Hỏi: Nhưng có nhiều trường hợp khác rõ rệt ngay trước mắt người ta.

Đáp: Có một hiện tượng tâm lý mà tiếng Anh gọi là “pareidolia” để diễn tả khuynh hướng của người ta thường hay gán đặt những ý nghĩa “quan trọng” lên những hình ảnh và tiếng động “bình thường”. Một thí dụ thông thường là nếu nhìn lên những đám mây trắng trên trời một lúc lâu đủ thì phần đông chúng ta có thể nhận ra những hình ảnh như con thỏ, con chim, mặt người, v.v. Một thí dụ nữa là nhiều người cho rằng khi lắng tai nghe thì họ có thể nhận ra được tiếng người nói lẫn trong tiếng nhiễu xạ (white noise) của một băng tần radio hay tivi nào đó. Hiện tượng tâm lý nầy thường được phóng đại lên trên ấn tượng của một người khi họ đang ở trong những khung cảnh “thích hợp”.

Hỏi: Anh muốn nói là một loại “tự kỷ ám thị”?

Đáp: Có thể nói như vậy. Thí dụ như khi nhìn ra bãi cây rậm trong bóng tối trong một đêm sương lạnh, sự kết hợp giữa bóng lá rung rinh dưới ánh trăng lờ mờ cùng hơi sương lãng đãng có thể làm người ta dễ dàng hình tượng ra một bóng trắng chập chờn sau những bụi cây.

Hỏi: Còn cách giải thích nào khác nữa về các hiện tượng ma quỷ?

Đáp: Nhiều người kể lại chuyện thấy thoáng bên ngoài góc mắt của họ một cái bóng di chuyển nhưng khi họ quay qua thì không thấy ai cả.  Hiện tượng nầy có thể được giải thích bằng việc những hình ảnh thu nhận từ các góc cạnh vừa ngoài tầm nhãn trường (peripheral vision) của một người có khi bị méo mó và không chính xác. Khi thần kinh đang căng thẳng hay mắt đang bị mỏi mệt thì sự kiện nầy càng dễ dàng xảy ra vì những tín hiệu từ mắt có thể được não bộ “phiên dịch” một cách rất lệch lạc.

Hỏi: Ngoài những lý do tâm sinh lý ở trên thì còn cách giải thích nào khác không?

Đáp: Chẳng hạn như khi các thềm lục địa di chuyển sẽ tạo ra các thay đổi khác thường trong địa từ trường trong những vùng lân cận. Khi địa từ trường thay đổi cường độ, nhiều bằng chứng cho thấy một số thú vật có thể cảm nhận được (thí dụ như thú rừng “di tản” ra khỏi vùng động đất trước khi biến cố đó xảy ra). Có người nhạy cảm hơn người khác trong phương diện nầy; có một số người có khi vì lý do gì đó trở thành nhạy cảm hơn bình thường. Sự nhạy cảm bất thường nầy có thể làm người ta “nghe” và “thấy” những hình ảnh và âm thanh lạ lùng đáng sợ hãi.

Hỏi: Còn gì nữa?

Đáp: Chẳng hạn như hình ảnh và tiếng động con người nghe thấy bình thường chỉ nằm trong một phạm vi nhỏ của toàn khoảng ánh sáng và âm thanh xảy ra trong thiên nhiên. Ngũ giác của con người không thể nghe thấy những ánh sáng và âm thanh với tần số cực nhỏ hay cực lớn. Một số các thú vật khác có thể. Đó là tại sao người ta nói “chó sủa ma” trong khi thật ra con chó chỉ phản ứng với những tiếng động tự nhiên chỉ có thính giác nhạy bén của nó nghe được. Tương tự như trường hợp trên, thỉnh thoảng có những người vì lý do gì đó mà họ trở thành tạm thời nhạy cảm hơn bình thường do đó khi bước vào một căn nhà hoang chẳng hạn họ có thể có những cảm giác kỳ lạ như tự nhiên bị hồi hộp, hay cực kỳ buồn thảm, hay rợn tóc gáy, hay cảm tưởng đang bị theo dõi hay chạm nhẹ vào da, v.v.

Hỏi: Thế còn cách giải thích về linh hồn là những khối năng lượng hiện hữu độc lập mang đặc tính cá thể của mỗi người lúc còn sống thì sao?

Đáp: Tuy tâm sinh lý và vật lý có thể giải thích đại đa số những trường hợp ma quỷ người ta kể lại, có một số trường hợp mà chúng không thể giải thích thỏa đáng được. Đó là khi có lẽ tôi phải dùng đến cái giả thuyết linh hồn kể trên. Như đã nói, giả thuyết nầy không hoàn toàn kiểm chứng được và do đó chỉ có thể dùng để tạm thời lấp đầy một khoảng trống trong những cách giải thích về ma quỷ mà không cần phải tận dụng đến những khái niệm thiêng liêng, huyền bí cung cấp bởi tôn giáo.

No comments:

Post a Comment