Bài 61: Phép Mầu


Có những người quả quyết rằng họ có lúc thấy đôi mắt hay cánh tay của tượng ảnh Phật Bà hay Đức Mẹ nào đó “thoáng” di động trong khi họ quỳ cầu nguyện. Họ cho rằng Phật Bà hay Đức Mẹ đã ứng hiện như thế để báo cho họ biết rằng lời cầu nguyện của họ được nghe nhận.

Khi một người cuồng nhiệt tin tưởng, tập trung tâm thần chờ đợi và mong mỏi một hiện tượng gì đó xảy ra thì sau một thời gian tâm thức của họ dẫn ngũ quan họ đến một tình trạng tự kỹ ám thị đủ để tạo cho họ ấn tượng là chuyện đó “dường như” xảy ra.

Sự kiện tâm sinh lý nầy giải thích các câu chuyện trên. Điểm đáng chú ý là các sự “di động” trong những hiện tượng “phép mầu” loại nầy đều luôn luôn được diễn tả là “thoáng” qua mà thôi. Những sự “di động” nầy không bao giờ rõ ràng và lâu dài đủ để ai có thể nhìn thấy được chắc chắn hay ghi nhận lại hẳn hòi bằng máy quay phim.

Những hiện tượng nầy cũng có thể “chứng kiến” được bởi một đám đông tín đồ cùng một lúc.

Khi một đám đông người đứng chiêm ngưỡng say sưa đắm đuối trước một thần tượng của họ thì tiềm thức họ thường chia sẻ và chịu ảnh hưởng lẫn nhau bởi những cảm nghĩ, cảm tưởng và ấn tượng chung liên quan đến thần tượng đó.

Chỉ cần một người trong đám đông ấy tuyên bố rằng họ thấy cánh tay của bức tượng “thoáng” di động chẳng hạn thì điều đó tác động lên tâm thức của những người chung quanh mạnh mẽ và càng gợi thêm cho họ dễ “thấy” điều đó hơn.

Khi vài ba người trong đám đông ấy tuyên bố rằng họ có thấy sự di động nầy thì hầu như mọi người đều chấp nhận là điều đó có thật, và sẽ xảy ra. Bản tính tự nhiên của con người thích những chuyện ly kỳ, lạ lùng. Và nếu họ là người chủ động trong những chuyện ly kỳ, lạ lùng nầy thì còn hay hơn nữa. Hầu như mọi người trong đám đông lúc bấy giờ đều sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục chính họ, và người khác, là họ cũng “chứng kiến” được phép mầu nầy. Những người không thấy sự di động gì cả cũng sẽ nghi ngờ sự “thiếu sót” của mình, rồi sẽ dần dần tự thuyết phục chính họ là đã “dường như” có thấy chuyện ấy xảy ra. Những ai can đảm đủ để tuyên bố rằng họ không thấy gì hết sẽ bị gạt bỏ qua một bên. Chỉ có những mẩu chuyện xác nhận phép mầu nầy được kể đi kể lại, với chi tiết được thêm thắc một cách thích ứng. Không bao lâu, những mẩu chuyện và niềm tin nầy sẽ củng cố lẫn nhau và tạo thành một “sự thật” được xác nhận bởi tất cả mọi người.

Dĩ nhiên là không phải tất cả những trường hợp ảo ảnh tập thể như trên đều liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng.

Vài năm về trước trên báo ở một thành phố nọ đăng có một con cá sấu lớn của một sở thú vừa sút chuồng trốn thoát mất. Sở thú nầy nằm trên bờ một con sông thường ngày có nhiều thuyền bè giải trí qua lại. Trên sông vùng nầy xưa nay không hề có cá sấu. Trong mấy tuần lễ sau bài báo nầy, có hàng chục vụ người ta gọi cảnh sát quả quyết rằng họ thấy một con cá sấu đang bơi trên sông “ở đàng xa”. Có khi một nhóm 5, 7 người đều thấy chuyện nầy cùng một lúc. Hơn một tháng sau một nhân viên trong sở thú tình cờ nghe tiếng động lạ trong một nhà kho đang khóa cửa kín. Khi mở cửa kho ra, người ta thấy con sấu nầy đang ở trong đó, mạnh khỏe như thường tuy là rất đói bụng. Sau khi điều tra người ta mới biết rằng ngày con sấu trốn ra khỏi chuồng, nó bò vào trong nhà kho nầy. Một nhân viên sở thú hôm đó tình cờ đi ngang quyết định khóa cửa kho lại vì sợ trộm vào đánh cắp những dụng cụ chứa trong đó. Cửa kho đã bị khóa hơn một tháng, trong suốt thời gian đó con sấu bị nhốt bên trong nhưng không ai biết. Tin nầy được phổ biến ra trên báo địa phương. Lập tức từ đó trở đi không còn ai thấy con sấu nào bơi trên sông nữa cả.

Đây là những trường hợp mà lòng tin tạo ra ảo ảnh và ảo ảnh củng cố niềm tin.

No comments:

Post a Comment