Bài 56: Cầu Khẩn


Hỏi: Anh nghĩ gì về những chuyện cầu nguyện, thí dụ như xin Phật Chúa cho tai qua nạn khỏi hay được may mắn trong việc làm ăn, tình duyên?
 
Đáp: Cầu nguyện mang đến hy vọng, nhất là trong những lúc vô vọng. Mặc dù chỉ là ảo tưởng.

Hỏi: Tại sao anh nghĩ cầu nguyện chỉ là ảo tưởng?

Đáp: Tại vì trên thực tế, nói chung thì việc cầu xin mua mau bán đắt hay tai qua nạn khỏi không có hiệu quả.

Hỏi: Tại sao anh nói không có hiệu quả? Thí dụ?

Đáp: Thí dụ, có biết bao nhiêu người biết bao nhiêu lần trong đời họ mỗi khi mua vé số đều vái “ông Địa cho con trúng thì con sẽ cúng nải chuối”? Và có bao nhiêu lần họ trúng?

Hỏi: Tôi muốn nói về cầu xin những chuyện quan trọng hơn.

Đáp: Thì lấy việc đi biển chẳng hạn, khi một chiếc tàu gặp giông bão dữ dội thì mọi hành khách đều cầu nguyện Trời, Phật, Chúa phù hộ cho họ. Thế thì tại sao có chiếc tàu qua khỏi giông bão, tại sao có chiếc tàu khác chìm? Trong một chiếc tàu chìm thì mọi người đều cầu nguyện, thế thì tại sao có người được vớt hay bơi đến bờ còn có người chết đuối? Nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì tại sao chỉ linh ứng với một số chiếc tàu mà không linh ứng với tất cả những chiếc tàu khác? Nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì tại sao chỉ linh ứng với một số người mà không linh ứng với tất cả những người khác?

Hỏi: Có thể vì nhiều lý do khác liên quan đến số mạng hay nghiệp phước của mỗi người chăng?

Đáp: Nếu đã tin là số mạng hay nghiệp phước của mỗi người sẽ "quyết định" việc người đó sẽ chết chìm trong một vụ đắm tàu hay không thì  tại sao còn cầu khẩn Phật Chúa làm gì? Những người cầu khẩn nầy hoặc là đang mâu thuẩn với chính họ hoặc là rất tự tôn.

Hỏi: Tại sao tự tôn?

Đáp: Tự tôn là vì tuy tin rằng luật nhân quả dựa trên phước nghiệp áp dụng rành rọt cho tất cả mọi sinh linh như vậy rồi nhưng họ vẫn nghĩ là Phật Trời sẽ ra tay can thiệp, sửa đổi luật nầy chỉ vì lời cầu xin của họ. 

Hỏi: Luật nhân quả và quan niệm phước nghiệp chỉ áp dụng cho tín đồ Phật Giáo, không áp dụng cho Thiên Chúa Giáo.

Đáp: Tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng tự tôn là vì họ tuy tin rằng Chúa Trời đã biết rõ mọi việc quá khứ, tương lai và đã an định tất cả những gì phải xảy ra cho mỗi người rồi nhưng cho rằng Chúa Trời cũng sẽ thay đổi ý của Ngài chỉ vì lời cầu xin của họ.

Hỏi: Nhưng nếu họ thật sự chân thành hối lỗi về những điều ác trong quá khứ của họ thì sao?

Đáp: Đó là lối suy luận của Thiên Chúa Giáo: dù đã phạm tội lỗi gì ghê gớm cách mấy đi nữa nhưng nếu chân thành hối lỗi trước  Thiên Chúa thì sẽ được tha thứ. Tôi không chấp nhận nổi lối suy luận nầy (và tôi tin rằng chính lối suy luận nầy đã hấp dẫn rất nhiều người gia nhập Thiên Chúa Giáo).  Tuy vậy, ngay cả nếu bỏ chuyện đó qua một bên thì vấn đề vẫn là: khi tất cả mọi người đều cầu nguyện nhưng tại sao có người được việc, có người không? Nếu cho là có Phật Chúa hay đấng thiêng liêng nào đó thì tại sao có người cầu khẩn và được cứu độ, tại sao có người bị bỏ rơi?

Hỏi: Có thể vì có người cầu nguyện thành khẩn hơn người khác chăng?

Đáp: Đó là cách suy nghĩ rất kiêu ngạo khi một người dám cho rằng họ cầu nguyện thành khẩn hơn người khác. Tôi biết có người còn cho rằng lời cầu nguyện của họ linh nghiệm vì họ tin tưởng và thờ cúng thành khẩn hơn người khác. Đó là tại sao tôi cho rằng cầu xin Phật Chúa ban cho điều tốt lành hay cứu độ tai qua nạn khỏi là một hành động vừa tự tôn vừa tự ti cùng một lúc.

No comments:

Post a Comment