Bài 47: Sư Sãi và Người Phu Quét Đường



Hỏi: Có người cho rằng anh có vẻ có nhiều vấn đề với sư sãi?
 
Đáp: Tôi có nhiều vấn đề với nhiều sư sãi, chớ không phải tất cả.
 
Hỏi: Khi đối thoại với một tu sĩ, anh xưng hô ra sao?
 
Đáp: Tôi gọi họ là “thầy”, và xưng “tôi”.
 
Hỏi: “Thầy” như là “thầy giáo”?
 
Đáp: Chữ “thầy” tôi dùng là nói tắt cho chữ “thầy tu” hay “thầy chùa”; vì đó là nghề nghiệp của họ. “Thầy chùa” để chỉ một thầy tu ở trong chùa.
 
Hỏi: Anh cho rằng tu hành là một nghề nghiệp?
 
Đáp: Nghề nghiệp và bổn phận của người phu quét đường là quét dọn sạch đường phố. Để bù lại công lao của họ, họ được trả lương và dùng tiền lương đó để sống. Nghề nghiệp và bổn phận của một thầy tu là học hỏi thấu đáo đạo pháp để giảng dạy trung thực lại cho Phật tử. Để bù lại công lao của họ, họ được Phật tử nuôi ăn cho ở (gọi theo sách vở là “cúng dường”) và kính trọng. Người phu quét đường không quét dọn sạch sẻ đường phố là không làm tròn trách nhiệm của họ, do đó không đáng được lảnh lương. Thầy tu không giảng dạy trung thực đạo pháp là không làm tròn bổn phận của họ, do đó không đáng được kính trọng.
 
Hỏi: Làm sao anh có thể so sánh quét đường với tu hành được?
 
Đáp: Mỗi công việc được xếp hàng quan trọng khác nhau trong xã hội, do đó họ được trả công khác nhau. Tuy vậy, mỗi người đều có trách nhiệm như nhau trong phạm vi nghề nghiệp của họ.
 
Hỏi: Anh cho rằng một thầy tu không làm tròn trách nhiệm giảng dạy đạo pháp thì không đáng kính trọng?
 
Đáp: Có thể họ đáng được kính trọng trong phương diện nào khác, nhưng không đáng được kính trọng như một thầy tu. Theo tôi thì những người không làm tròn bổn phận trong nghề nghiệp của mình như vậy chỉ đáng được coi là ăn bám.


No comments:

Post a Comment