Theo định nghĩa, "phép mầu" là một sự kiện xảy ra trái ngược với kiến thức và kinh nghiệm hàng ngày của mọi người. Những chuyện đáng lẽ không thể nào xảy ra nhưng lại xảy ra, đó là phép mầu. Do đó, những chuyện nào thường ngày vẫn có thể xảy ra (mặc dù không nhiều lắm, mặc dù có khi không thể giải thích thỏa đáng được) thì không phải, và không nên gọi là "phép mầu".
Hiện tượng người bệnh tê liệt mà đi đứng trở lại không có gì huyền bí cả. Đó là vì:
- Thứ nhất, số người lành bệnh sau khi đến Lourdes (dựa trên số lượng nạng gỗ bỏ lại) rất nhỏ so với tổng số người đến cầu khẩn. Tỉ lệ nầy cũng chỉ tương đương với tỉ lệ của bệnh nhân tê liệt bình phục nhờ các phương pháp y khoa thông thường như vật lý trị liệu, giải phẩu, v.v.
- Thứ hai, hầu hết những người đến cầu khẩn ở Lourdes cũng đều đồng thời trị liệu bằng những phương pháp y khoa thông thường. (Có tín đồ nào khi bị bệnh - từ nhức đầu cho đến ung thư – mà chỉ hoàn toàn cầu nguyện chớ chẳng hề đi đến bác sĩ không?)
- Thứ ba, hiện tượng tâm lý gọi là “placebo effect” (mà trong trường hợp nầy tạm phỏng dịchlà “tự kỷ ám thị” ) có thể giúp bệnh nhân sau khi đến Lourdes được hồi phục nhanh chóng hơn bình thường.
Tóm lại, tất cả các cái gọi là “phép mầu” Đức Mẹ chữa bệnh ở Lourdes đều là những trường hợp mơ hồ, không rõ rệt. Các bệnh “được Đức Mẹ chữa khỏi” đều là những bệnh như ung thư, lao phổi, đau gan, đau thận, nhức đầu, đau nhức, tê liệt, v.v. tức là những loại bệnh mà có nhiều khi người ta có thể bình phục nhờ vào y khoa hay các phương cách trị liệu khác.
Nếu có ai bị mù (vì mất tròng mắt) hay bị cụt què (vì mất chân tay) mà được Đức Mẹ làm cho sáng mắt và mọc chân tay lại thì đó mới có thể gọi là phép mầu. Trong hơn 150 năm nay, việc nầy chưa bao giờ xảy ra. Có thể là vì từ đó giờ chưa bao giờ có tín đồ què cụt đáng để Đức Mẹ đoái hoài đến.
Và cũng có thể là vì không có Đức Mẹ cũng như không có phép mầu gì đã xảy ra bao giờ ở Lourdes cả.
No comments:
Post a Comment