Bài 68: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan


Hỏi: Anh nói nhân sinh quan và vũ trụ quan của anh chịu ảnh hưởng bởi triết lý Phật Giáo. Thế thì theo anh triết lý Phật Giáo là gì cũng như nhân sinh quan và vũ trụ quan của anh là gì?

Các hệ thống tôn giáo và nền tín ngưỡng chúng ta có ngày nay là sự tích lũy của các sản phẩm văn hóa và lịch sử. Con người tạo dựng lên những hệ thống tôn giáo và nền tín ngưỡng nầy từ ngàn xưa để đáp ứng với nỗi băn khoăn tối trọng của họ, và trong quá trình nầy họ đã trở thành nô lệ của chúng.

Nỗi băn khoăn tối trọng của con người là “Nếu sự chết không thể tránh được thì ý nghĩa và mục đích của sự sống là gì?”

Nỗi băn khoăn nầy vẫn chưa và có lẽ không bao giờ giải tỏa được. Tuy nhiên, kiến thức và môi trường sống của con người đã thay đổi rất nhiều trong vài thế kỷ gần đây; do đó các hệ thống tôn giáo và nền tín ngưỡng xưa cũ trên cũng cần nên thay đổi một cách thích ứng. 

Một trong những triết lý cơ bản của Phật Giáo cho rằng “tất cả mọi sự vật đều thay đổi, không có gì trường tồn”. Nếu còn tiếp tục bám víu vào những công thức cổ hủ của Phật Giáo mà cho rằng một tôn giáo không bao giờ thay đổi là đi ngược lại với triết lý nầy. Bám víu vào các hệ thống tín ngưỡng là đi lạc hướng ra khỏi con đường Phật pháp.

Mục tiêu của Phật pháp là nghi vấn. Trách nhiệm của mỗi Phật tử là nghi vấn và tiếp tục nghi vấn. Nghi vấn ở đây không có nghĩa là “hoang mang không biết làm gì” hay là ngu dốt. Nghi vấn ở đây có nghĩa là không chấp nhận vô điều kiện bất cứ điều gì trước khi chất vấn, khảo nghiệm tận tường.

Trong lãnh vực tâm linh chỉ có một sự thật duy nhất, đó là “Mỗi người chúng ta sinh ra một mình và sẽ chết một mình” và “Sự chết chắc chắn sẽ xảy ra bất cứ lúc nào đến bất cứ người nào”. Bám víu vào bất cứ hệ thống tín ngưỡng nào cũng không thể làm thay đổi được sự thật đó. Nhận thức và chấp nhận được sự thật nầy là điều kiện tối cần thiết của con đường giải thoát.

Đặt niềm tin vô điều kiện vào một hệ thống tín ngưỡng (hay một tăng sư) là trốn tránh trách nhiệm với chính mình bằng cách ẩn núp sao bức màn che chở của những quan niệm và thành kiến sẵn có.

Một trong những nguyên tắc thiền cổ điển liên quan đến 3 phần tử: mối tự tin, sự nghi vấn, và lòng dũng cảm. Tự tin rằng mỗi người có đủ khả năng và can đảm dùng những mối nghi vấn để tự dẫn họ đến sự tỉnh thức.

Tôi chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi triết lý Phật Giáo, đồng thời tôi không chấp nhận một số khái niệm cơ bản của Phật Giáo. Thí dụ như tôi xem Phước Nghiệp, Nhân Quả, Luân Hồi, Giải Thoát chỉ là những vấn đề thứ yếu. Tôi không chú trọng vào việc chúng có thật hay không (mặc dù theo tôi thì không có bằng chứng thực tế nào cho thấy chúng có thật). Chúng có thể cung cấp câu trả lời cho câu hỏi “chuyện gì xảy ra sau khi chết?” Tuy vậy, các câu trả lời loại nầy chỉ làm bế tắc quá trình nghi vấn cần thiết để đưa con người nhận thức được và chấp nhận sự thật.

Tôi cho rằng Thích Ca không phải là một nhân vật có huyền phép gì cả. Sự giác ngộ của ông không đem đến cho ông phép thần thông hay quyền lực siêu phàm gì cả. Khi giảng giải về sự giác ngộ cho các đệ tử, ông chỉ nói về sự tỉnh thức sau khi khám phá ra niềm tự do toàn hảo của trái tim và lý trí khỏi sự tham muốn. Do đó ông cho rằng không những ông mà bất cứ ai khác khi hiểu nhận được sự thật thì cũng có thể đạt đến sự giác ngộ nầy.

Tôi cho rằng sau nầy khi triết lý và phương cách dẫn đến sự giác ngộ của Thích Ca được hệ thống hóa thành cái gọi là Phật Giáo thì sự giác ngộ bị các đệ tử thần thánh hóa bằng cách thêu dệt những chi tiết huyền bí vào mọi lãnh vực của cuộc đời của ông. Khi Phật Giáo càng phát triển với thời gian thì đủ mọi khái niệm huyễn hoặc như Niết Bàn, Địa Ngục, Tây Phương Cực Lạc, ma quỷ, đầu thai, luân hồi, nhân quả, phù phép, thần chú, v.v. được những người xem là thông hiểu Phật pháp pha chế và tạo dựng thêm ra.

Tôi cho rằng thần thánh hóa ý niệm và phương cách giác ngộ của Thích Ca xuất phát từ lòng tham lam và ngu muội của con người. Và từ đó, những người tự gọi là Phật tử đã tiêu hủy cây cầu chính yếu trên con đường dẫn đến mục tiêu giải thoát tối hậu mà Thích Ca đã chỉ dẫn.

Theo lịch sử, Thích Ca luôn luôn từ chối trả lời các câu hỏi về thế giới siêu nhiên và khẳng định rằng ông chỉ giảng dạy về phương cách nhận diện và đoạn trừ đau khổ. Thích Ca cũng đề xướng rằng “Mỗi người cần phải theo đuổi sự phán đoán của mình cho đến hết khả năng của mình và không chấp nhận điều gì trừ khi nó được biện chứng rõ rệt”.Và “Mỗi người chịu trách nhiệm với chính họ về sự giác ngộ của mình”.

Tôi cho rằng triết lý mà Thích Ca đề xướng mang tính chất “bất khả tri”. “Bất khả tri” ở đây không có nghĩa là “con người không có đủ khả năng để nhận biết hay xác định được sự hiện hữu, hay không, của thượng đế”. Tính chất “bất khả tri” trong triết lý của Thích Ca xác định sự “Tôi không biết” và khuyến khích hành giả luôn luôn chất vấn và khảo nghiệm mọi vấn đề trong mọi lãnh vực của sự sống. Thái độ nầy cho phép hành giả chấp nhận sự hiện diện của những bí ẩn trong vũ trụ đồng thời tập trung để tìm hiểu và tận hưởng cuộc sống trong thực tế hiện tại.

Những triết lý nguyên thủy đề xướng bởi Thích Ca nầy đã bị tiêu hủy đi khi cái gọi là Phật Giáo được thành hình và càng ngày càng hệ thống hóa. 

Cái gọi là Phật Giáo hiện nay và những lý thuyết cũng như thực hành trong nền tín ngưỡng nầy là những chòi lá mà Phật tử dừng chân lại trú ẩn giữa đường mưa gió. Những chòi lá nầy êm ấm và tiện nghi đủ để hành giả quên hẳn mục đích của họ và không thấy rằng con đường duy nhất đi đến mục đích đó vẫn còn xa lắm.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment