Kinh sách Phật Giáo Tiểu Thừa nói chung có 3 tạng kinh chính: 1/ Những lời giảng dạy của Thích Ca hay của những Phật khác hay của những đệ tử chính của Thích Ca, 2/ Những điều lệ quy luật của tăng lữ, và 3/ Những diễn giảng từ lời dạy của Phật.
Nhiều sử gia đồng ý rằng 3 tạng kinh Phật đầu tiên được xem rằng "nguyên thủy" từ lời Thích Ca được soạn thảo bằng tiếng Pali (một dạng tiếng Phạn cổ - Sanskrit) vào thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên. Tuy vậy cũng có vài sử gia khác cho rằng các tạng kinh Phật đầu tiên thật ra ra đời giữa thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên và thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên.
Dưới đây là tóm lược quá trình thành hình của 3 tạng kinh đầu tiên của Phật Giáo Tiểu Thừa. Quá trình nầy nói chung được công nhận trong lịch sử Phật Giáo.
Đại Hội Tăng Lữ Thứ Nhất
Khoảng 3 tháng sau khi Thích Ca qua đời (khoảng năm 480 trước Công Nguyên), 500 đệ tử của ông họp nhau lại để thảo luận và xác định những gì Thích Ca đã giảng dạy cũng như bàn tính phương cách để gìn giữ những lời giảng dạy trên. Buổi họp nầy được gọi là Đại Hội Tăng Lữ Thứ Nhất.
Trong Đại Hội Thứ Nhất nầy, một học trò thân cận với Thích Ca nổi tiếng có trí nhớ giỏi là A-Nan được cử ra để đọc lên lại tất cả những lời dạy của Thích Ca mà ông đã nhớ. Những lời của A-Nan được Đại Hội suy nghiệm, bàn cãi trước khi được đồng ý cho là chính xác với lời Thích Ca đã dạy. Tất cả các lời kể lại của A-Nan đều bắt đầu bằng câu “Tôi đã nghe là…”; do đó tất cả các bài kinh về sau đều bắt đầu bằng câu nầy.
Đại Hội Thứ Nhất nầy cũng bàn luận và xác định những quy luật, nề nếp cần thiết cho giới tăng lữ.
Tất cả 500 đệ tử trong Đại Hội sau đó chia nhau để học thuộc lòng những gì mà họ đồng ý là lời của Thích Ca đã kể lại của A-Nan cũng như những quy luật, nề nếp cần thiết cho tăng lữ mà họ đã xác định. Họ tự cô lập khỏi thế giới bên ngoài để tránh bị phân tâm và đọc tụng lập đi lập lại những điều trên liên tục ngày đêm để khỏi quên.
Tuy vậy dù 500 đệ tử nầy có tinh tấn đến mấy thì thời gian cũng làm cho trí nhớ họ dần dần sai lệch đi. Từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, các tăng lữ bắt đầu bất đồng ý với nhau về những gì họ nhớ thuộc lòng. Theo một số tài liệu lịch sử, trong khoảng 150 năm sau Đại Hội Thứ Nhất có 2 Đại Hội tương tự khác được tổ chức vì nhu cầu cần phải khảo xét và chỉnh đốn lại những gì các tăng lữ cho là lời dạy của Thích Ca được gìn giữ trong trí nhớ của họ.
Đại Hội Tăng Lữ Thứ Ba
Khoảng năm 250 trước Công Nguyên, Đại Hội Tăng Lữ Thứ Ba xảy ra. Tại Đại Hội nầy, các tăng lữ bàn thảo và quyết định đúc kết ra 3 tạng kinh chính của Phật Giáo Nguyên Thủy.
Họ phối hợp tất cả những lời dạy của Thích Ca trong trí nhớ họ từ Đại Hội Thứ Nhất đến giờ (cộng thêm một số bài kinh nữa soạn ra trong Đại Hội Thứ Ba nầy) làm thành tạng kinh đầu tiên gọi là Kinh Tạng.
Họ cũng phối hợp tất cả những quy luật, nề nếp cần thiết cho tăng lữ trong trí nhớ họ từ Đại Hội Thứ Nhất đến giờ lại làm thành tạng kinh thứ hai gọi là Luật Tạng. Không những các quy luật, nề nếp được liệt kê ra mà lý do tại sao những quy luật, nề nếp nầy cần thiết cũng được giải thích trong tạng kinh trên.
Các tăng lữ cũng soạn ra tạng kinh thứ ba gọi là Luận Tạng gồm có những lời bàn luận, phân tích, diễn giải của lời Thích Ca dạy (tức là của Kinh Tạng). Tục truyền rằng chính Thích Ca vài ngày sau khi giác ngộ (nghĩa là lúc ông còn sống) đã bắt đầu soạn thảo ra nội dung của tạng kinh thứ ba nầy trong đầu ông; 7 năm sau đó ông diễn thuyết tạng kinh nầy cho một nhóm thần linh và một học trò người trần tục duy nhất. Người học trò nầy sau đó kể lại cho các học trò khác nghe và họ cùng nhau đọc tụng thuộc lòng những bài kinh trong tạng nầy cũng tương tự như họ đã học thuộc lòng 2 tạng kinh kia.
Cho đến thời điểm nầy và mấy trăm năm sau đó, mặc dù 3 tạng kinh trên đã được đúc kết ra riêng biệt nhưng chúng vẫn tiếp tục được học thuộc lòng và truyền miệng từ thế hệ nầy sang thế hệ sau.
Đại Hội Tăng Lữ Thứ Tư
Ở Đại Hội Thứ Tư, lần đầu tiên 3 tạng chính của Phật Giáo Nguyên Thủy trên được ghi chép xuống bằng chữ viết (lên lá khô).
Một số sử gia cho rằng Đại Hội Tăng Lữ Thứ Tư nầy xảy ra ở Tích Lan vào năm 20 trước Công Nguyên, tức là gần 500 năm sau khi Thích Ca qua đời. Có sử gia cũng cho rằng nó có thể đã xảy ra 4 hay 5 trăm năm sau Công Nguyên, tức là khoảng 800 đến 1000 năm sau khi Thích Ca qua đời.
Bình luận về kinh sách Phật Giáo Tiểu Thừa
Quá trình thành hình của bộ kinh đầu tiên và quan trọng nhất của Phật Giáo Tiểu Thừa có một sự kiện nổi bật. Đó là khoảng thời gian rất dài mà các tăng sư đã phải gìn giữ và truyền dạy lời của Thích Ca bằng cách chỉ dựa vào trí nhớ của họ.
(Một trong những lý do rất khả dĩ tại sao 500 đệ tử của Thích Ca lúc đó chỉ học thuộc lòng thay vì ghi chép lại những gì họ đồng ý trong Đại Hội Tăng Lữ Thứ Nhất là vì họ không biết chữ. Một giả định khó phản bác được là số người biết chữ trong toàn xã hội Ấn Độ 2500 năm về trước rất có thể rất rất ít.)
Theo lịch sử thì sau khi Thích Ca qua đời, lần đầu tiên mà những lời dạy của ông được ghi chép xuống bằng chữ nếu sớm nhất là gần 500 năm sau đó, và nếu trễ nhất cũng có thể là 900 hay 1000 năm sau đó. (Cần nhớ là ở thời điểm đó của nhân loại, mỗi đời người chỉ sống trung bình khoảng 40-50 năm mà thôi).
Toàn bộ 3 tạng kinh Phật nầy khi dịch ra các ngôn ngữ hiện nay dầy trung bình mấy ngàn trang giấy, trong đó chứa nhiều Quyển, nhiều Chương, nhiều Tập. Khi phải truyền khẩu nhau từ đời nầy sang đời khác qua 10 (hay có thể 20) thế hệ một số lượng văn chương câu chữ khổng lồ chứa đựng những tư tưởng phức tạp và mới lạ như thế là một điều cực kỳ khó khăn. Và do đó những nhầm lẫn, sai lạc chắc chắn không thể tránh khỏi.
(So sánh với một trò chơi trong Hướng Đạo: 1/ Xếp một hàng dài 15, 20 sói con, 2/ Sói trưởng đưa cho sói con đứng đầu đọc một mảnh giấy viết về một câu chuyện gì đó dài năm bảy câu, xong rồi lấy mảnh giấy lại, 3/ Sói con đầu tiên nầy kề tai kể lại toàn bộ câu chuyện cho sói con thứ 2 đứng kế sau, 4/ Rồi sói con thứ 2 kề tai kể cho sói con thứ 3, lần lượt như vậy cho đến hết hàng, 5/ Sói con cuối cùng sẽ phải kể lại lớn lên cho mọi người cùng nghe về câu chuyện đó. Kết quả là 100 lần như một, tất cả đều lăn ra cười khi so sánh lại và thấy câu chuyện cuối cùng khác hẳn với câu chuyện ban đầu trong mảnh giấy của Sói trưởng bao nhiêu.
Trò chơi nầy khi được dùng trong những khóa huấn luyện về truyền thông tin tức dữ kiện cho các giám đốc cao cấp của các công ty lớn cũng đi đến một kết quả tương tự.
Trong một khoảng thời gian không hơn 10 phút, với một câu chuyện giản dị không dài quá 10 câu, mà sự thiếu chính xác trầm trọng trong việc truyền miệng kể lại từ người nầy sang người khác còn không tránh được thì làm sao, như đã nói ở trên, những lầm lẫn sai lạc không xảy ra khi phải truyền khẩu một số lượng câu chữ khổng lồ chứa đựng những tư tưởng phức tạp qua nhiều thế hệ?)
Trong khoảng thời gian nầy, tư tưởng tín ngưỡng trong xã hội Ấn Độ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Ấn Độ Giáo cũng như bởi nhiều tôn giáo phụ khác. Sau 10 đến 20 thế hệ thì những ảnh hưởng nầy chắc chắn phải có tác động ít nhiều lên tư tưởng của những tăng sư Phật Giáo. Khi tư tưởng của một người bị ảnh hưởng thì những gì nằm trong trí nhớ của họ cũng có khuynh hướng bị ảnh hưởng tương tự.
Hơn nữa như đã nói, ngay sau khi Thích Ca qua đời đã có nhiều sự bất đồng ý giữa các đệ tử về cách diễn giảng những lời dạy của ông. Đó có thể là lý do tại sao lịch sử Phật Giáo cho thấy không chỉ có một cái gọi là “Luận Tạng” (những lời diễn giảng của các đệ tử thân cận của Thích Ca về lời dạy của ông) duy nhất. Thí dụ như hiện tại có một Luận Tạng bằng tiếng Sanskrit mà nội dung hoàn toàn khác hẳn với một Luận Tạng khác bằng tiếng Pali. Đồng thời cũng có một số các ấn bản cổ (tuy không toàn bộ) của các Luận Tạng khác nữa bằng các ngôn ngữ khác với những nội dung khác hẳn nữa.
Hơn thế nữa, ngoài 3 tạng kinh “nguyên thủy” của Phật Giáo Tiểu Thừa kể trên, vài sử gia còn đưa ra nhiều bằng chứng có vẻ cho thấy rằng còn có thể có các Tam Tạng Kinh “nguyên thủy” khác nữa đã thất lạc trong lịch sử.
No comments:
Post a Comment