Bài 86: Tóm Lược Những Bài "Phật Giáo Không Tín Ngưỡng Không Tôn Giáo" và "Kinh Sách Phật Giáo" vừa rồi

Hỏi: Vậy thì làm sao biết cái gì là tinh túy của Phật Giáo (tức là lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca)?
 
Đáp:  Cách hiểu và hành đạo của mỗi tông phái trong Phật Giáo đều khác nhau ít nhiều. Tuy vậy, hầu như tất cả tông phái chính đều truyền giảng một số triết lý chung và giống nhau. Nếu lựa chọn ra những triết lý chung và giống nhau nầy thì có thể cho chúng là lời dạy nguyên thủy thật sự của Thích Ca.
 
Hỏi: Các tông phái có những triết lý gì “chung” hay “giống nhau”?
 
Đáp: Chỉ có Tứ Diệu Đế, trong đó có 37 Phẩm Trợ Đạo, là được truyền dạy bởi hầu hết mọi tông phái Phật Giáo với nội dung giống nhau. Những quan niệm liên quan trực tiếp với Tứ Diệu Đế như “vô ngã”, “vô thường”, “duyên khởi”, “giác ngộ” cũng vậy. (Tuy nhiên, vài quan niệm nầy có khi được diễn giảng dưới những màu sắc huyền bí; thí dụ như nhiều kinh sách cho là khi “giác ngộ” thì sẽ “nhìn thấy được quá khứ, tương lai và muôn vạn thế giới khác”.)
 
Hỏi: Còn những triết lý hay quan niệm khác?
 
Đáp: Mỗi tông phái hiểu và giảng dạy về chúng một cách khác nhau và nhiều khi trái ngược hẳn nhau. Vì vậy có thể nghi ngờ rằng các triết lý hay quan niệm nầy, cũng như những phương cách tu và hành đạo dựa trên chúng, đã được chế biế sau nầy bởi các tăng sư. Thí dụ như tất cả những gì liên quan đến cầu khẩn tình duyên gia đạo mua may bán đắt, cứu độ, giải hạn, cầu an, cúng sao, trì chú, khoán bùa, bắt ấn, v.v.
 
Hỏi: Tương tự cho những quan niệm như “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “luân hồi”?
 
Đáp: Đúng vậy. Vì 2 lý do: 1/ trong Tứ Diệu Đế và các quan niệm liên quan trực tiếp với Tứ Diệu Đế hoàn toàn không có gì nói về “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “luân hồi”; và 2/ lúc sinh tiền Thích Ca không bao giờ giảng dạy hay trả lời các câu hỏi về các vấn đề nầy. Do đó có thể kết luận một cách thích đáng rằng chúng rất có thể không phải là khái niệm nguyên thủy thật sự của Thích Ca.

No comments:

Post a Comment