Một khái niệm thịnh hành nhất trong Phật Giáo mà Thích Ca đã tránh đề cập đến khi còn sinh tiền là “Tây Phương Cực Lạc” (hay “Niết Bàn”).
Đại đa số Phật tử tin rằng nếu họ siêng năng tụng kinh, làm việc phước thì sau khi chết họ sẽ được vào Tây Phương Cực Lạc. Cái cứu cánh và chân lý “đoạn diệt Khổ” của Thích Ca đã bị hoán chuyển ra thành cứu cánh và chân lý “chinh phục sự Chết”. Bản năng sinh tồn tự nhiên của con người từ khai thiên lập địa luôn luôn thu hút người ta tìm đủ mọi cách để tự thuyết phục rằng họ không hoàn toàn bị hũy diệt sau khi chết. Điều nầy có thể thấy trong hầu như tất cả tôn giáo. Phật tử do đó đã thay đổi chủ đích “làm sao để đoạn diệt Khổ ở đời nầy” ra thành “làm sao được vào Tây Phương Cực Lạc sau khi chết” một cách dễ dàng và thoải mái.
(Khái niệm “thiện” liên quan mật thiết với khái niệm “Tây Phương Cực Lạc” trong Phật Giáo, cũng như trong nhiều tôn giáo khác. Làm thiện sẽ được vào Tây Phương Cực Lạc, làm ác sẽ bị trở lại đầu thai trong vòng đau khổ của thế gian; hay tệ hơn nữa sẽ bị đày đọa ở những cõi địa ngục u tối. Khái niệm “thiện” được mọi người đều công nhận là “tốt”, là “nên làm”, là “nên xảy ra”. Khái niệm “Tây Phương Cực Lạc” do đó được vô tình củng cố thêm. Tâm thức của con người có khuynh hướng đồng hóa những sự việc liên quan hay tương tự với nhau. Vì công nhận “thiện” là “tốt”, người ta chấp nhận những lời dạy trong kinh sách về Tây Phương Cực Lạc một cách sẵn sàng hơn.)
Hai khái niệm thịnh hành khác trong Phật Giáo nhưng không nằm trong cứu cánh của Thích Ca là “Luân Hồi” và “đầu thai”. Nếu chấp nhận là Thích Ca lúc sinh tiền tránh không trả lời các câu hỏi về vấn đề siêu nhiên thì cũng cần chấp nhận rằng ông cũng đã không giảng dạy về quan niệm “Luân Hồi” và “đầu thai”. Trong Tứ Diệu Đế không có chi tiết nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, đề cập về các quan niệm nầy.
Khi đã chú trọng vào “làm sao để đến Tây Phương Cực Lạc sau khi chết” hay “kiếp sau sẽ là gì”, người ta dễ bị phân tâm và không còn chú trọng đến “làm sao để đoạn diệt Khổ ở đời nầy” nữa. Đây là lý do chính tại sao Thích Ca không trả lời những câu hỏi về siêu nhiên của đệ tử khi ông còn sống. Lý do thứ hai có thể là vì trả lời xác nhận cũng như trả lời phủ nhận đều không hoàn toàn cả: xác nhận thế giới siêu nhiên là chỉ dựa vào sự mong mỏi và sự sợ hãi của tâm thức khi phản ứng theo bản năng sinh tồn; phủ nhận thế giới siêu nhiên là chỉ dựa trên nhận thức hạn hẹp và thiếu sót của ngũ quan.Và cũng rất có thể là vì ông không biết câu trả lời vì ngôn ngữ nhân loại không đủ để diễn tả những gì tâm thức và ngũ quan họ cho đến bây giờ chưa thể cảm nhận được. Nhưng điều nầy cho thấy rằng ông ít nhất đã thành thật với chính mình, và với học trò của ông.
Có người còn cho rằng ngay cả quan niệm thịnh hành “nghiệp phước” và “nhân quả” cũng không nằm trong những gì Thích Ca lúc sinh tiền đã dạy. Tuy trong Bát Chánh Đạo có dạy hành giả phải chú trọng vào “chánh nghiệp” nhưng vẫn có thể tranh luận rằng quan niệm “nghiệp” của Thích Ca chỉ có ý nghĩa thực tế chớ không phải huyền bí như Phật tử ngày nay nghĩ. “Thực tế” thí dụ như “ăn ở hiền lành với mọi người thì thường dễ tạo ra một môi trường sống hiền lành trong đó nhiều người cũng sẽ ăn ở hiền lành với những người khác chung quanh, kể cả với mình”. Tuy vậy, quan niệm “nghiệp” thực tế nầy rất có thể cũng đã bị biến đổi với thời gian trở thành siêu nhiên. Và quan niệm “nhân quả” cũng có thể được tranh luận tương tự.
Quan niệm “nghiệp phước” và “nhân quả” trong Phật Giáo hiện hành còn được biến cải để bao gồm thêm những nguyên nhân và hệ quả không liên quan đến nhau. Thí dụ ở trên (“ăn ở hiền lành với người khác sẽ được người khác ăn ở hiền lành với mình”) là một niềm tin mà nguyên nhân và hệ quả có liên quan với nhau. Quan niệm “tụng kinh để được phước” là một niềm tin mà nguyên nhân không có gì liên quan với hệ quả. Tin rằng hành động “tụng kinh” dẫn đến kết quả “được chuyện tốt lành xảy ra cho họ trong tương lai” cũng tương đồng với tin rằng đọc một câu chú hay đốt một lá bùa gì đó sẽ làm thay đổi những gì xảy ra trong cuộc đời của mình hay của một người khác. (Và cũng tương đồng với việc tin rằng những câu viết bâng quơ trong quẻ số ngày đầu năm có thể tiên đoán những gì sẽ xảy ra trong suốt 12 tháng sau đó, cũng như vô số các mê tín dị đoan khác xảy ra thường trực trong các chùa chiềng hiện nay). Tương tự, Tứ Diệu Đế không hề nói gì, trực tiếp hay gián tiếp, về các vấn đề nầy.
Tại sao có người coi quan niệm trình bày ở đây là một “Phật Giáo không tín ngưỡng, không tôn giáo”?
Chữ “tín ngưỡng” ở đây cần hiểu là liên quan đến những gì được coi là thuộc về thế giới siêu hình, thiêng liêng, huyền bí. Không nhìn nhận “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai”, “Luân Hồi”, “nghiệp phước”, “nhân quả”, v.v. là không có tín ngưỡng.
Khi đã không còn nhìn nhận “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai” và “Luân Hồi” thì không còn gì để mong đợi trong “kiếp sau” nữa. Sự mong mỏi được đạt Niết Bàn hay đến Tây Phương Cực Lạc là một cái Tham vĩ đại án ngữ trước mắt của hành giả. Cũng giống như một người đứng áp mặt sát vào một bức tường; bức tường sẽ trở thành quá lớn, chu vi của nó nằm hẳn bên ngoài phạm vi của nhãn quang nên người đó sẽ không còn nhận thấy là có bức tường trước mặt họ nữa. Khi bước lùi lại xa khỏi bức tường đó thì nó không còn lớn đủ để che hết tầm nhìn của hành giả nữa. Khi không còn nhìn nhận “Tây Phương Cực Lạc”, “đầu thai” và “Luân Hồi” thì tâm thức của hành giả sẽ chỉ chú trọng vào một mục tiêu duy nhất có thể đạt được trong đời sống hiện tại: Diệt Khổ.
Không còn lo nghĩ về “nhân quả”, “phước nghiệp” thì khi làm điều thiện sẽ không còn vì “để có phước” (và để “việc tốt lành sẽ xảy ra cho mình”, để “kiếp sau được đầu thai thành người sang tốt”, để “khi chết được vào Tây Phương Cực Lạc”, v.v.) nữa. Tất cả những điều trên cũng là một cái Tham lớn. Như tôi đã có lần nói: Đạo đức thật sự là đạo đức xuất phát từ trách nhiệm tự nguyện của tri thức cá nhân. Nếu bị ép buộc dù trực tiếp (thí dụ: “làm điều ác sẽ tạo ra nghiệp chướng đời sau”) hay gián tiếp (thí dụ: “làm việc thiện sẽ gặp việc thiện trả lại”) thì cái gọi là “đạo đức” đó chỉ là những trao đổi với mục tiêu vụ lợi và do đó vô ý nghĩa. Ngoài “vô ý nghĩa”, quan điểm trên còn tạo ra một ngả rẽ tách rời hành giả ra khỏi con đường Tứ Diệu Đế.
Nếu không còn các yếu tố thiêng liêng, huyền bí trên thì người ta không còn phải lo sợ vô cớ không cần thiết nữa. Niết Bàn hay Địa Ngục sẽ chỉ là những chuyện kể cho vui tai. Chỉ có đời sống hiện tại là có ý nghĩa, bắt đầu từ lúc nó bắt đầu và chấm dứt bằng sự Chết. Tự nhiên và hiển nhiên. Nếu đã chấp nhận được sự Chết là một điều hiển nhiên thì hành giả sẽ không còn phải mong lo tìm kiếm cách để che đậy cái sự thật đó bằng những ảo ảnh vô tưởng nữa. Tuy không ai có thể chinh phục được sự Chết, nhưng nếu nhìn nhận sự Chết là một phần tự nhiên của đời sống thì rất có thể hành giả sẽ chinh phục được sự sợ hãi về cái Chết.
(Nếu đã chấp nhận, và hằng nhớ mỗi giây phút trong đời, rằng sự Chết sẽ xảy đến cho bất cứ ai bất cứ lúc nào thì tự nhiên mỗi hơi thở sẽ rất ngọt ngào, mỗi cử động bình thường của cơ thể sẽ là mỗi nỗi sung sướng, mỗi buổi sáng thức dậy sẽ đẹp tuyệt vời, mỗi ngày trôi qua trong đời là một kỳ quan đáng tận hưởng, và mỗi muộn phiền lo lắng trong cuộc sống hàng ngày tự dưng sẽ trở thành không còn đáng để muộn phiền lo lắng nữa. Và đó, theo tôi là một phần lớn của Cực Lạc.)
Chữ “tôn giáo” ở đây cần được hiểu là “tôn giáo bị chi phối và điều hành bởi các tổ chức của tăng lữ”.
“Không tôn giáo” có nghĩa là không bị chi phối bởi tổ chức tăng lữ và do đó không bị ảnh hưởng bởi niềm tin sẵn có của họ. Mỗi tông phái có một lối tu riêng; mỗi tông phái đều cho lối tu của họ là hay nhất, mau lẹ nhất, “thật” nhất. Nhiều chùa, nhiều sư tăng pha trộn lý thuyết và thực hành của nhiều tông phái với nhau, kể cả những mê tín dị đoan thu gặt từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Mỗi “thầy” dạy và muốn đệ tử đi theo con đường của họ, và Phật tử rối mù làm theo như những con nộm vô thức. Nếu không còn bị chi phối bởi kinh sách và lời giảng giải của tổ chức tăng lữ hay Thầy nầy Tổ nọ, thì hành giả sẽ có dịp tự suy ngẫm để may ra có thể nhận thấy tại sao những con đường sẵn có mà họ đang đi theo không dẫn họ đến đâu cả.
Nói tóm lại, quan niệm “Phật Giáo không tín ngưỡng, không tôn giáo” chú tâm vào cái cốt tủy của Phật pháp là Tứ Diệu Đế và gạt bỏ những chi tiết rườm rà không cần thiết khác. Đối với hành giả mang quan niệm nầy, triết lý Phật Giáo tự nhiên giản dị và dễ hiểu hơn nhiều.
Giản dị và dễ hiểu không có nghĩa là dễ thực hành.
Và chắc chắn là không có nghĩa rằng ai cũng nhận thấy.
No comments:
Post a Comment