Bài 90: Công Án Thiền

Công án đại loại là những câu chuyện ngắn thường diễn tả các sự việc, hành tác, ngôn ngữ, cử chỉ của các thiền sư dưới những hình thức rất nghịch lý, kỳ bí, khó hiểu.

Công án nói chung là để giảng dạy một đệ tử hay người đến tham vấn về một chân lý hay để đo lường xem họ đã thấu đạt chân lý đó bao nhiêu.

Công án là một loại biện chứng dùng ngôn ngữ và cấu trúc câu chuyện bất thường nhằm tạo sự sảng sốt, ngỡ ngàng để bắt buộc tri thức tìm ra câu giải đáp bên ngoài các nguyên lý hiểu biết thông thường.

Tương truyền rằng Phật Giáo Thiền Tông xưa nay có tổng cộng 1700 công án. Tuy vậy theo một nguồn sưu tập thì thật ra chỉ có khoảng hơn 500 công án; phần còn lại đều là trùng hợp, pha chế hoặc ngụy tạo.

Có một vài công án được nhiều người ngày nay biết đến, thí dụ như “Tiếng vỗ tay khi vỗ một bàn tay” hay “ngón tay chỉ mặt trăng” hay “Nếu gặp Phật hãy giết Phật”, “sư cõng cô gái qua suối”, v.v. Cấu trúc của các công án nầy khá khéo léo , nội dung tương đối rõ ràng dễ hiểu. Tuy vậy, những công án nầy bị lạm dụng thường xuyên, nhất là bởi những người mới vừa ngấp nghé đọc được vài quyển sách thiền. Chúng trở thành sáo ngữ nhàm chán, hiệu quả của chúng bị suy giảm trầm trọng.

Còn nhiều công án như “Hỏi Phật là gì, đáp ba cân mè” hay “Nếu gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi là gậy trúc thì trái nghịch” hay “Con chó có Phật tánh hay không?”, v.v. thì theo tôi chỉ là những câu chuyện nhạt nhẽo, gượng ép, xử dụng nghịch lý một cách quá đáng đến độ hầu như vô dụng. 

Vô dụng là vì nếu những tư tưởng triết lý mà các công án nầy đang cố gắng biện giải đã rất phức tạp thì những mẩu chuyện khúc mắc cùng cực một cách không cần thiết như vậy sẽ không giúp đỡ được gì mà còn người nghe dễ phân tâm hơn. Mục tiêu của Phật pháp ngay cả khi nó được diễn tả bằng các từ ngữ giản dị nhất vẫn còn quá khó khăn cho vô số hành giả có thể nhìn thấy, và thực hành, được thì những mẩu chuyện cầu kỳ nầy chỉ góp phần làm mù mịt thêm con đường họ đi. 

Nhiều công án không có câu trả lời nào nhất định. Tùy người trả lời là ai và trong hoàn cảnh nào mà một câu trả lời có thể đúng, và cũng có thể sai. Sự kiện nầy càng làm cho người tham khảo rối rắm và dễ lạc hướng thêm.

Những công án nầy do đó có thể là những bài tập thú vị về suy luận triết lý để thể thao trí não hơn là những dụng cụ hữu hiệu để đưa đến sự giác ngộ trong Phật pháp. Nói cách khác, nếu một phương cách truyền dạy mà đa số những người có trình độ thông minh trung bình không thể hiểu được thì đó không phải là một phương cách có ích lợi lắm. 

Có người cho rằng những công án cầu kỳ hầu như tối nghĩa như vậy giúp cho hành giả đập bỏ tất cả những tư duy, nhận thức thông thường sẵn có để đặt ra những nghi vấn mà quán xét khả năng trí tuệ của họ cũng như nghiền ngẫm về chân lý Phật pháp. (Có thiền sư dạy “Nghi lớn thì ngộ lớn” hay là “Hãy tận dụng 360 xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, vận dụng cả thân tâm, khởi thành một mối nghi”).

Tôi cũng chủ trương “luôn luôn nghi vấn”. Tuy nhiên tôi cho rằng dùng các công án tối nghĩa như trên để đề xướng chủ trương nầy là một phương cách vòng vo kém hiệu quả và phức tạp không cần thiết. Nếu những mẩu chuyện trên có thật đi nữa thì cũng chỉ để các thiền sư biểu dương các kiến thức siêu việt của họ hơn là để thật sự truyền dạy các kiến thức đó. 

Nhiều công án kể rằng khi một người sực nhận thức ra được ý nghĩa của câu chuyện thì “lập tức giác ngộ” hoặc có khi “lập tức đắc đạo”. Điều nầy dễ gây ra sự hiểu lầm là khi một người nhận hiểu được công án nào đó thì họ phát mở được trí tuệ/huệ có thể dẫn dắt đến sự giải thoát. Rất nhiều công án không liên quan gì đến các ý niệm diễn tả trong Tứ Diệu Đế của Thích Ca. Trong khi đó, theo Thích Ca thì sự giải thoát chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành các ý niệm nầy.  Do đó nếu theo Thích Ca thì làm sao các công án trên dẫn đến giác ngộ?

Thêm nữa, đa số các công án có vẻ đã được ghi chép lại bởi một người thứ ba về vài lời nói hay cử chỉ gì đó trao đổi giữa một thiền sư và một người thứ hai. Thắc mắc của tôi: 

1/ Làm sao ai biết rõ ràng được rằng người thứ hai đó có thật sự thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của các lời nói hay cử chỉ nầy hay không? Nếu điều ấy có xảy ra đi nữa thì nó cũng chỉ xảy ra trong đầu của người nầy. 

2/ Thế thì làm sao thiền sư trong cuộc biết chắc chắn rằng đối tượng có thấu hiểu hay không?  

3/ Nếu một người thứ ba có mặt ở đó để ghi chép lại thì họ cũng cần phải thấu hiểu được chuyện nầy và do đó người đó cũng cần phải “giác ngộ” hay “đắc đạo” giống như người thứ hai! Thế mà tại sao không bao giờ có công án nào đề cập đến người thứ ba nầy? 

Tôi do đó nghi ngờ rằng các công án nầy đã không thật sự xảy ra mà chỉ là những câu chuyện được tạo dựng lên với mục đích giáo dục hay diễn giải.

Tôi cho rằng nhiều (nhưng không phải tất cả) công án chỉ là những mẩu chuyện nói chung vô bổ ích và mất thì giờ. 

Công án không dạy cho ai những gì mà họ đã không biết rồi. Nếu một người đã suy nghiệm đủ về chân lý của họ và nếu tri thức họ đã đạt đến một trình độ triết lý nào đó rồi thì nhìn ở đâu, nghe cái gì cũng thấy câu hỏi, và câu trả lời.

Nếu một người có trí tuệ non kém, hay bản chất yếu hèn, hay có tập tính học từ chương, thì họ cũng sẽ chỉ lệ thuộc vào người khác để chỉ dạy cho câu trả lời là gì. Nhưng nếu đã vậy thì công án sẽ không còn có giá trị và ý nghĩa nữa vì nó sẽ chỉ trói cột tri thức của họ lại giống như sợi dây trói cột con trâu không cho nó tự do ăn cỏ bên ngoài phạm vi chiều dài của sợi dây đó.

Công án có thể có một “ích lợi” lớn: một người có thể đề cập đến chúng khi tranh luận về những đề tài triết lý để tỏ ra mình là một người hiểu biết cao siêu, và không ai có thể biết rằng họ hiểu biết cái gì bao nhiêu cả.

Có người sẽ nói vì tôi không có trình độ hiểu nổi các công án nên mới cho chúng là vô bổ ích và mất thì giờ. 

Vấn đề ở đây theo tôi không phải là hiểu hay giải được các công án cầu kỳ gút mắc của các thiền sư, hay ai đó, đưa ra. Theo tôi vấn đề ở đây là có khả năng nhận thấy rằng chúng có giá trị gì hơn là những mẩu chuyện giải trí qua ngày hay không. 

No comments:

Post a Comment