Bài dưới đây để tóm lược tổng quát về quan niệm “một Phật Giáo phi tín ngưỡng, phi tôn giáo”.
Xin nhắc lại, tôi không coi tôi là một tín đồ Phật Giáo. Những gì tôi sắp trình bày dưới đây chỉ là quan điểm của riêng tôi.
Có một số nhóm phái tuy cũng mang cùng quan niệm nầy nhưng sự áp dụng và thực hành của họ chú trọng về mặt tâm linh nhiều hơn.
Thích Ca là một hoàng tử, ngày nọ nhìn thấy thế gian đầy đau khổ nên tâm trí rất ưu tư và bất an. Sau đó ông bỏ nhà ra đi tìm cách giải quyết mối ưu tư và bất an nầy.
Cứu cánh của Thích Ca rất giản dị và rõ ràng: Diệt Khổ.
Sau nhiều năm tu nghiệm, ông tìm ra một chân lý mà theo ông có thể giúp con người để diệt khổ.
Theo Thích Ca muốn diệt Khổ thì phải 1/ nhận ra những loại Khổ trên đời, rồi 2/ nhận ra nguyên nhân của các loại Khổ nầy, rồi 3/ nhận biết rằng con người sự Khổ có thể đoạn diệt được, và 4/ nhận biết cách thức để đoạn diệt sự Khổ.
Diệt Khổ là chân lý mà Thích Ca tìm ra và truyền dạy. Chân lý nầy được gọi là Tứ Diệu Đế như vừa kể trên.
Chấm hết.
Thích Ca không chủ trương và không dạy gì về “Tây Phương Cực Lạc” hay “đầu thai” hay “Luân Hồi” cả.
Quan niệm “giác ngộ” và “giải thoát” của Thích Ca chỉ để nói về “nhận ra được bản chất của sự Khổ trên đời nầy” và “đoạn diệt được sự Khổ”.
Lúc sinh thời khi đệ tử thắc mắc về “kiếp sau” hay những vấn đề siêu nhiên khác, Thích Ca không trả lời. Theo ông, những điều nầy không cần thiết mà còn làm Phật tử phân tâm trong việc suy nghiệm ra con đường “giác ngộ” và “giải thoát” vừa kể trên.
Thích Ca sống trong một xã hội của Ấn Độ hơn 2000 năm về trước lúc mà đại đa số đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi Ấn Độ Giáo cũng như vô số các tôn giáo đầy mê tín dị đoan khác. Dân trí rất thấp. Tất cả những lời dạy của ông đều là truyền miệng.
Mấy trăm năm sau khi ông chết, nghĩa là gần 10 thế hệ truyền miệng với nhau, các đệ tử mới bắt đầu ghi chép lại các lời dạy của ông. Mấy trăm năm là một thời gian quá dài trong hoàn cảnh xã hội thời đó để các lời dạy nầy có thể được ghi chép lại một cách trung thực. Qua thời gian, các lời dạy của Thích Ca càng lúc càng bị ô nhiễm, pha trộn, chế biến, thêm thắc với đủ loại tư tưởng khác cũng như các chi tiết mê tín dị đoạn bởi chính các tăng sư khi soạn thảo kinh sách.
Mức độ ô nhiễm của mê tín dị đoan trong Phật Giáo có thể thấy được ở hầu hết mọi tầng lớp trong mọi tông phái.
Chuyện “hoàng hậu nằm mơ thấy voi trắng 9 ngà húc vào người rồi thọ thai” hay “mới sinh ra bước 7 bước, trên mỗi bước hiện ra một hoa sen, tuyên bố ‘thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn’” là một thí dụ điển hình. Câu chuyện nầy được ghi chép trong vô số kinh sách Phật Giáo không phải như là một truyền thuyết mà như là lịch sử đã thật sự xảy ra. Hiện tượng tín đồ thần thánh hóa việc giáo chủ của họ được sinh ra (trinh nữ thọ thai hay giao cấu bởi thần tiên) nầy có thể thấy được trong hầu hết mọi tôn giáo khác, nhất là những tôn giáo bị khống chế bởi mê tín dị đoan.
Chuyện địa ngục có quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa tra tấn hành hạ những kẻ ác độc khi còn sống ở thế gian là một thí dụ thịnh hành khác trong vô số kinh sách. Sự kiện Mục Kiền Liên hiếu thảo với mẹ được tuyên dương trong kinh sách song song với cuộc hành trình xuống địa ngục cứu mẹ như là một chuyện có thật giúp phần phổ biến và bồi đắp hình ảnh địa ngục kể trên thêm.
Có thể nói rằng chỉ trong vòng khoảng gần một thế kỷ nay mới bắt đầu có ít sách vở được phổ biến viết rằng những câu chuyện tương tự như trên chỉ là truyền thuyết chớ không phải có thật. Một số (rất) ít các sư tăng cũng bắt đầu giảng giải rằng những truyền thuyết loại trên chỉ có giá trị tượng trưng chớ không có giá trị lịch sử. Đây là một hiện tượng đáng kể đánh dấu bước ngoặc lớn trong quá trình tiến hóa của Phật Giáo. Thời điểm mà hiện tượng nầy xảy ra trùng hợp với thời điểm mà kiến thức khoa học phổ thông và khả năng phân tích suy luận của con người trong xã hội nói chung đã tiến triển đến một mức độ mà một số đủ lớn hành giả không thể nào chấp nhận các chuyện hoang đường trên là có thật nữa.
Lấy chuyện Thích Ca ngồi thiền định dưới gốc Bồ Đề 49 ngày trước khi giác ngộ làm một thí dụ. Hầu hết tất cả kinh sách Phật trong hơn 2000 năm nay đều ghi chép lại việc Ma Vương hiện đến quyến rũ và hăm dọa Thích Ca. Phật tử được giảng dạy và tin rằng chuyện đó đã xảy ra thật. Có 2 trường hợp: 1/ Có thể là Thích Ca đã kể lại cho đệ tử nghe về những cám dỗ và sợ hãi đã xảy ra trong tâm tưởng ông trong 49 ngày ấy bằng một ngôn ngữ rất thực tế; tuy vậy khi các đệ tử soạn thảo kinh sách ra thì tự họ thêu dệt các chi tiết huyền hoặc vào. 2/ Cũng có thể là Thích Ca đã dùng những từ ngữ đầy màu sắc thích hợp thời bấy giờ để làm cho những đệ tử ông có thể hiểu được ông muốn nói gì; và sau đó thì họ lại tin là những câu chuyện màu sắc đó có thật. Dù gì đi nữa thì các tác giả của vô số kinh sách chính thức của Phật Giáo đã ghi chép lại các chuyện trên như là sự thật vì chính họ cũng đã được giảng dạy và tin như vậy. Như đã nói, chỉ đến gần đây thì ý tưởng cho rằng các câu chuyện trên chỉ có tính cách “truyền thuyết” hay “có giá trị tượng trưng” (thay vì là “sự thật”) mới được phổ biến.
Vài Phật tử khi đọc đến đây chắc sẽ nghĩ rằng thời nay chỉ có kẻ dốt nát và mê tín dị đoan mới tin là các truyền thuyết trên có thật, và chắc sẽ không khỏi thầm hãnh diện rằng họ không thuộc vào dạng nầy. Những người đó có thể không biết rằng đa số Phật tử hiện nay vẫn tin, hay ít nhất bán tín bán nghi, rằng các chuyện trên là “có thể có thật”. Mức độ “có thật” nầy cao hay thấp bao nhiêu tùy vào kiến thức phổ thông và khả năng phân tích, lý luận thực tế của từng người.
Những người đó cũng quên rằng có thể ngay chính họ cũng đang tin tưởng và thực hành một số điều mà Thích Ca là giáo chủ của họ khi sinh thời đã cương quyết và kiên trì tránh xa.
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment