Bài 80: Vài Lời về Kinh Sách Phật Giáo


Xin nói rõ là ở đây tôi không giảng dạy về Phật Pháp. Tôi chỉ phân tích và bình luận dựa trên những dữ kiện có sẵn trong lịch sử Phật Giáo mà thôi.

Câu đầu tiên trong kinh A Di Đà là “Sự thật tôi đã nghe như vầy…”  Câu đó cho thấy là ngay kinh A Di Đà cũng nói rằng "đây chỉ là lời của ai đó kể lại mà thôi” chớ không phải “từ chính Thích Ca đã nói ra những lời nầy”. Vì vậy tôi không đồng ý với những người cho là "Phật Thích Ca giảng dạy kinh A Di Đà".

Như đã nói, Thích Ca chết vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên nhưng đến thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên thì bản kinh tiếng Pali (một dạng tiếng Phạn cổ - Sanskrit) đầu tiên mới thành hình (nhiều sử gia còn cho rằng bản kinh Phật đầu tiên thật ra thành hình mấy trăm năm sau đó nữa). Tuy không ai có thể chứng minh được Thích Ca đã thật sự dạy những gì nhưng dựa vào những dữ kiện trên thì những điều sau đây có thể được suy luận ra: 

1/ Những tư tưởng về sự sống và chết của Thích Ca rất mới lạ đối với quan điểm thời bấy giờ do đó có nhiều người không hiểu rõ ông muốn nói gì. 

2/ Đa số người ta vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Ấn Độ Giáo kể cả những quan niệm "đầu thai" và "luân hồi" của đạo nầy. 

3/ Do đó qua ít nhất 400 năm truyền khẩu thì các tăng sư đã vô tình làm ô  nhiễm lời Thích Ca dạy với nhiều niềm tin và quan niệm của Ấn Độ Giáo lẫn các tôn giáo khác thời bấy giờ.

(Có người sẽ nói rằng "đây chỉ là một suy luận của anh, làm sao biết chắc là đúng?". Đúng vậy. Nhưng nếu dựa lên những sự kiện sẵn có ở trên thì một người với khả năng suy nghĩ bình thường sẽ cho rằng sự suy luận nầy khả dĩ và hợp lý hơn nhiều so với lời tuyên bố rằng những kinh sách Phật chính là lời thật sự của Thích Ca.)

Cũng cần nói thêm là theo tôi thì sự kiện kinh sách hiện hành có thật sự là lời của Thích Ca hay không cũng không quan trọng lắm. Sự chính xác và trung thực của lời Thích Ca dạy chỉ có giá trị lịch sử và tôn giáo chớ không nhất thiết là có giá trị triết lý đối với tôi. Nói cách khác, ngay cả nếu Thích Ca còn sống và phát biểu một điều gì đó thì tôi vẫn sẽ suy xét và chiêm nghiệm kỹ càng. Nếu một triết lý (dù là của chính Thích Ca) mà không thích hợp với nhân sinh quan của tôi thì tôi cũng không đồng ý và không xử dụng. Và điều nầy theo tôi thì không những đúng theo "tinh thần Lý Tiểu Long" mà còn theo chủ trương của Thích Ca "áp dụng triết lý vào đời sống thực hành thay vì gắn bó với kinh sách một cách từ chương và mê muội".

Nói tóm lại, tôi chủ trương rằng người đọc kinh Phật cần phải luôn để tâm nhớ rằng tất cả kinh sách hiện hành chỉ là những bản sao đi chép lại của những lời truyền khẩu 400 năm sau khi Thích Ca qua đời. Do đó không ai có thể quả quyết là "Phật dạy rằng..." về bất cứ điều gì cả.

Nói qua thêm về Tứ Diệu Đế. Sở dĩ tôi cho rằng chỉ có Tứ Diệu Đế có thể là cốt tủy của Phật Pháp vì tôi dựa vào suy luận sau đây: 1/ Có nhiều tông phái Phật Giáo khác nhau từ hơn 2000 năm nay, 2/ Mỗi tông phái có những kinh sách riêng khác nhau và có khi có những quan điểm tương phản hẳn với nhau, 3/ Có tông phái không nhìn nhận kinh sách của các tông phái khác, 4/ Tuy vậy tất cả kinh sách của tất cả tông phái đều dạy về Tứ Diệu Đế giống nhau như một tiền đề cơ bản đầu tiên của Phật Pháp.

Sẽ nói thêm về kinh sách Phật Giáo vào những bài khác.

No comments:

Post a Comment