Nguồn gốc về sự thành hình của kinh sách Phật Giáo Đại Thừa rất mù mờ.
Kinh sách đầu tiên của Đại Thừa bắt đầu xuất hiện về sau nầy, vào khoảng 300 đến 700 năm sau ngày Thích Ca qua đời, không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ đâu, không biết soạn giả là ai và soạn thảo vào thời kỳ nào. Kinh sách Đại Thừa ban đầu là vài bộ kinh ngắn rồi dần dà xuất hiện các bộ lớn hơn với văn phong không đồng nhất, và ngày nay cũng không còn nguyên bản trọn vẹn.
Một số kinh được lưu truyền đến ngày nay đã được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng qua nhiều thời kỳ khác nhau bởi nhiều dịch giả thuộc những tông phái khác nhau. Một số kinh bản chữ Hán khác không có nguồn gốc rõ ràng, mặc dù lấy danh là lời dạy của Thích Ca nhưng có lẽ đã được trước tác tại Trung Hoa trong những năm đầu Công Nguyên khi Phật Giáo vừa mới phát triển ở đó.
Bình luận về kinh sách Phật Giáo Đại Thừa:
Thời điểm thành hình trong lịch sử của Phật Giáo Đại Thừa cho thấy rõ ràng nội dung kinh sách của họ không phải là trực tiếp phát xuất từ lời Thích Ca dạy. Tất cả kinh sách Đại Thừa đều dựa lên sự nghe đi kể lại từ hàng chục thế hệ tăng sư sau khi Thích Ca qua đời.
Tính đa dạng và phong phú của kinh sách Đại Thừa cho thấy một sự dung nạp các tài liệu về Phật giáo một cách hỗn độn, không hệ thống và tiêu chuẩn rõ ràng. Kinh sách Đại Thừa còn có khi pha trộn các giáo thuyết khác thịnh hành trong thời bấy giờ: thí dụ như các yếu tố bùa chú hay quan niệm “thần tiên”, “thiên địa”, “âm dương”, “ngũ hành”, v.v. trong vài chi nhánh của Đại Thừa chính là do ảnh hưởng màu sắc của Đạo Giáo từ Trung Hoa.
Sự chia rẽ ra nhiều chi nhánh trong Phật Giáo Đại Thừa cũng cho thấy sự không thống nhất trong hệ thống tư tưởng, và do đó kinh sách, của họ. Sự khác biệt tương phản rõ rệt trong các thí dụ dưới đây không khỏi gây ra nỗi nghi ngờ thích đáng “rất có thể không có con đường của chi nhánh nào đang đi là thật sự của Thích Ca”.
Mật Tông là một chi nhánh Đại Thừa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên từ Ấn Độ nhưng sau nầy thịnh hành ở Trung Hoa. Kim Cang Thừa cũng là một chi nhánh Đại Thừa tương tự như Mật Tông nhưng chỉ thịnh hành ở Tây Tạng. (Lạt Ma Giáo hiện tại ở Tây Tạng là một dạng của Kim Cang Thừa). Mật Tông và Kim Cang Thừa không dùng chung và không chấp nhận tất cả kinh sách của lẫn nhau. Cả hai chi nhánh đều chú trọng vào việc bắt ấn, đọc bùa, trì chú và những pháp thuật huyền bí khác.
Thiền Tông là một chi nhánh Đại Thừa xuất hiện cũng vào khoảng thế kỷ thứ 6 hay 7 sau Công Nguyên. Chi nhánh nầy chú trọng vào phương pháp thiền định và tránh xa những việc bùa chú huyền bí của Mật Tông và Kim Cang. Xuất phát từ Thiền Tông là những “Tổ” Thiền với những “công án” cầu kỳ và ý niệm “giác ngộ tức thì”.
Các chi nhánh khác của Đại Thừa như Tịnh Độ Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiên Thai Tông, Trung Quán Tông, Duy Thức Tông cũng đều có kinh sách riêng của họ và hầu như không ai dùng hay chấp nhận tất cả kinh sách của ai khác.
No comments:
Post a Comment