Bài 67: Ảo Tưởng của Lòng Tham Lam và Sự Ngu Muội


Hỏi: Có người cho là anh quá khắc khe với những người tin có các đấng thiêng liêng phù hộ, cứu độ họ. Ngay cả nếu việc đó không có thật đi nữa thì niềm tin đó cũng giúp họ xoa dịu được đôi chút khổ đau. Điều đó không hại ai cả. Anh nghĩ sao?

Đáp: Thứ nhất, mỗi người đều có quyền tự do tin những gì họ muốn tin. Tôi không can dự vào chuyện đó. Những gì tôi viết chỉ phản ảnh việc tôi khắc khe với chính tôi về vấn đề nầy. Tôi cho rằng sự mong mỏi, và từ đó niềm tin tưởng, rằng có các đấng thiêng liêng cứu độ hay phù hộ xuất phát từ lòng tham lam và sự ngu muội của con người. Tôi không cho phép tôi tự lừa dối tôi với cái ảo tưởng đó. Nếu ai muốn làm chuyện đó, hay cảm thấy rằng tôi khắc khe với họ thì đó là vấn đề của họ, không phải của tôi.

Hỏi: Và thứ hai?

Đáp: Thứ hai, tôi đồng ý ảo tưởng đó có thể giúp người ta xoa dịu được đôi chút khổ đau và đem lại hy vọng. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng sự tham lam và ngu muội đó để bóc lột người khác. Và nhiều người vì sự tham lam và ngu muội đó dung dưỡng để người khác bóc lột họ, và bóc lột những người khác. Tôi chỉ muốn nói lên sự tệ hại phát xuất từ cái ảo tưởng nầy. Tôi không cho phép người khác lừa dối tôi. Tương tự, nếu ai để chuyện đó xảy ra cho họ, hay cảm thấy rằng tôi khắc khe với họ vì họ để chuyện đó xảy ra cho họ thì đó là vấn đề của họ, không phải của tôi.

Hỏi: Xin anh nói rõ thêm tại sao anh cho là “tham lam”?

Đáp: Muốn trường tồn sau khi chết là tham lam. Muốn có một huyền lực đặc biệt bảo bọc, che chở trong đời sống hàng ngày là tham lam.

Hỏi: Và tại sao là “ngu muội”?

Đáp: Vì tham lam nên tự lừa dối mình bằng những ảo tưởng vô căn cứ là ngu muội. Gạt bỏ khả năng suy luận hằng ngày để cho phép mình nghe theo những hứa hẹn hảo huyền là ngu muội. Tin rằng tất cả những gì trong kinh sách và từ tu sĩ là chân lý của vũ trụ và sự sống là ngu muội. Vì tham lam nên để người khác lường gạt, bốc lột là ngu muội. Vì tham lam (vì sợ tội, sợ không “thiện”) nên dung dưỡng những lường gạt, bốc lột nầy là ngu muội.

Hỏi: Anh muốn nói về tất cả tôn giáo?

Đáp: Những gì tôi nói ở trên về “ngu muội” có thể áp dụng cho tất cả tôn giáo. Về “tham lam”, tôi chỉ chú trọng về Phật Giáo.

Hỏi: Tại sao chỉ có Phật Giáo?

Đáp: Triết lý Phật Giáo cho rằng tu mà còn trông ngóng Tây Phương Cực Lạc, mà còn cầu khẩn Phật Trời cứu độ là còn động vọng, hay tham lam. (Đại đa số những người cho mình là Phật tử không nhận thức được điều nầy. Và rất nhiều người tuy biết nhưng vẫn không thể cưỡng lại sự cám dỗ mãnh liệt của nó.)

Hỏi: Còn Thiên Chúa Giáo thì sao?

Đáp: Triết lý Thiên Chúa Giáo dạy và đòi hỏi tín đồ phải quỳ lụy, thần phục thượng đế của họ với mục đích tối hậu là được vào thiên đàng vỉnh viển đời sau. Nói cách khác, trong trường hợp nầy, cái mà triết lý Phật Giáo cho là “tham lam” thì Thiên Chúa Giáo cho là “chân lý”.

Hỏi: Anh không tin vào việc nầy, như vậy có nghĩa là anh không còn tham lam và ngu muội?

Đáp: Dĩ nhiên là không. Ai cũng có những tham lam và ngu muội của họ, nếu không trong lãnh vực nầy thì cũng trong lãnh vực khác.

Hỏi: Tôi hiểu được tại sao anh không muốn thấy người ta lường gạt, bóc lột người khác. Nhưng nếu ảo tưởng đó có thể xoa dịu đau khổ và đem lại hy vọng thì tại sao anh không muốn cho chính anh?

Đáp: Như những người ghiền thuốc phiện, nhiều người chọn lựa sống trong ảo ảnh và dùng ảo ảnh để tạm thời xoa dịu đau khổ. Họ cho rằng đây là sự chọn lựa độc lập và sáng suốt của họ, họ không hề chịu ảnh hưởng của ai cả, họ không hề bị tẩy não bởi gia đình họ từ ấu thơ, v.v. Họ cảm thấy hạnh phúc khi áp dụng ảo ảnh vào đời sống thực tế bất kể rằng đời sống thực tế không hề thể hiện những ảo ảnh nầy. Tôi không phải là một trong những người đó.

Hỏi: Còn anh làm gì để có hy vọng và xoa dịu đau khổ?

Đáp: Một trong những sự kiện thực tế, thực sự nhưng lạnh lùng (đến độ tàn nhẫn) của vũ trụ là “sự sống của mỗi cá thể chỉ xảy ra và hiện hữu một lần mà thôi”. Nếu một người hiểu và chấp nhận được điều đó rồi thì họ sẽ nhìn sự sống và đời sống một cách khác hẳn. Một trong những sự thay đổi đó là họ sẽ quý trọng từng giây phút, từng sự vật đơn giản nhất trong đời sống chung quanh họ. Đồng thời, họ sẽ không còn bị bận tâm bởi những sự việc đã từng thường làm họ bận tâm. Quan điểm đó sẽ mang lại một sức mạnh và một cơ bản trong triết lý sống của họ mà không cần lệ thuộc vào những đấng thiêng liêng tưởng tượng nữa.

Hỏi: Anh cho rằng anh là một trong những người đó?

Đáp: Tôi nghĩ đó là mục tiêu tôi đang hướng đến.

Bài 66: Vài Lời về Đạt Lai Lạt Ma

“Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói, Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động, Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen, Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách, Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh, Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh." … và … "Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật." (Đạt Lai Lạt Ma)


Đạt Lai Lạt Ma là một người hiểu biết sâu rộng và một nhà ngoại giao khôn khéo. Nói chung tôi không có vấn đề gì về lời ăn tiếng nói và hoạt động của ông.

Nếu thay thế chữ “số mệnh” bằng chữ “phong cách” trong đoạn ông nói ở trên “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói, Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời nói sẽ biến thành Hành động, Hãy hành xử cẩn thận vì Hành động sẽ biến thành Thói quen, Hãy chú trọng Thói quen vì chúng hình thành Nhân cách, Hãy chú trọng Nhân cách vì nó hình thành Số mệnh, Và Số mệnh của anh sẽ là Cuộc đời của anh” thì đoạn nầy sẽ không khác những gì dạy trong các cuốn sách Công Dân Giáo Dục ngày xưa.

Sự khôn khéo của ông thể hiện qua những câu phát biểu không mang nặng hình sắc tôn giáo tương tự như trên. Vì vậy mặc dù không phải ai cũng chấp  nhận lý thuyết và thực hành của Phật Giáo Tây Tạng nhưng ít khi nào người ta có thể phản đối những gì ông nói.

Câu “Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật” cũng vậy, là một thông điệp thuộc dạng “không đề cao tôn giáo” rất êm tai cũng như rất chính xác. Tuy nhiên theo tôi, trừ phi ý nghĩa của chữ “Sự Thật” được xác định rõ ràng thì thông điệp nầy hầu như không có giá trị thực tế gì cả.

Nhất là khi nói về tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng cho mình là Sự Thật. Đối với tín đồ thì tôn giáo của họ chính là Sự Thật. Do đó đối với tín đồ thì câu trên sẽ chỉ là “Không có tôn giáo nào cao trọng hơn tôn giáo của tôi”.

Và ngay cả nếu chữ “Sự Thật” đã được xác định thì cũng cần phải có sự tương đồng về ý tưởng giữa người nghe và người phát biểu. “Sự thật có biên giới”. Sự thật của một người không hẳn là sự thật của những người khác.


Bài 65: Vài Lời về Phật Giáo Tây Tạng


Phật Giáo Tây Tạng xuất phát từ cùng nguồn gốc với chi nhánh Mật Tông ở Việt Nam và Trung Hoa. Nhiều hành giả Thiền Tông cho rằng những phương thức bùa chú, phù phép trong Mật Tông nếu không là mê tín dị đoan thì cũng là sai lạc so với đường hướng giải thoát của Phật pháp. Hành giả Mật Tông trong khi đó cho rằng con đường họ đi tuy dựa lên nền tảng huyền bí nhưng thật ra triết lý và phương pháp hành trì của Mật tông cơ bản vẫn xây dựng theo tiến trình Giới-Ðịnh-Tuệ như tất cả mọi đường lối tu tập khác của Phật Giáo.

Phật Giáo Tây Tạng chú trọng nặng về huyền thuật. Những giai thoại về số mệnh tiền định và đầu thai của các thượng sư (Lạt Ma) của họ rất quan trọng và rất phổ biến. Bản tính tự nhiên của con người ai cũng dễ bị thu hút vào những chuyện lạ lùng huyền bí. Vì vậy đối với người ngoài thì những giai thoại nầy rất ly kỳ hấp dẫn và được nhiều người ngưỡng mộ.

Tôi không xác định hay phủ nhận mọi tình tiết trong các giai thoại loại nầy. Như đã nói, tôi không có đủ thời gian và phương tiện để nghiên cứu hay điều tra cặn kẻ về từng trường hợp để có thể phê bình vào chi tiết.

Tuy vậy, chủ trương chung của tôi là một hiện tượng càng huyền bí (và ly kỳ hấp dẫn) thì tôi càng nên cẩn thận trước khi chấp nhận nó. Trong công việc giao dịch làm ăn hàng ngày có câu "Nếu cái gì hay đẹp ngoài sức tưởng tượng thì nó thường chỉ là tưởng tượng". Có lẽ những người quan niệm "không nên dùng lý trí để xét đoán lãnh vực tín ngưỡng" sẽ không áp dụng câu nầy ở đây.

Trở lại một chút về sự khác biệt giữa Thiền Tông và Mật Tông, Phật Giáo là một tôn giáo chủ hòa do đó không có sự xung khắc trực diện giữa những cơ sở tổ chức (chùa chiềng) của 2 tông phái nầy. Thật ra có nhiều tu sĩ pha trộn lý thuyết của cả Thiền Tông và Mật Tông vào trong phương cách hành giảng của họ. Tuy vậy, sự khác biệt cơ bản giữa 2 tông phái lớn trong Phật giáo nầy luôn luôn được thể hiện rõ ràng và cho thấy rằng “con đường giải thoát” của Phật Giáo cũng chỉ là những gì mỗi cá nhân, hay mỗi nhóm Phật tử, diễn giải và đề xướng là "sự thật”.

Bài 64: Những câu hỏi không có câu trả lời


Tôi có một vài câu hỏi mà chưa ai bao giờ trả lời thỏa đáng cả.  

Nhân loại đã chứng kiến bao nhiêu tôn giáo và nền tín ngưỡng khác nhau. Tất cả những tôn giáo và nền tín ngưỡng nầy tôn thờ nhiều thượng đế khác nhau, diễn giải về vũ trụ nhiều cách khác nhau và đều quả quyết rằng chỉ có chân lý của họ là tuyệt đối và tối thượng. Vô số những tôn giáo và niềm tín ngưỡng nầy đã thành hình, thịnh vượng rồi tàn lụi. Những tôn giáo mà chúng ta hiện có ngày nay chỉ mới hiện diện trong khoảng vài ngàn năm nay mà thôi. Chỉ là một cái chớp mắt trong lịch sử con người.  

Các câu hỏi của tôi là:  

1/ Dựa vào dữ kiện trên, làm sao tín đồ của bất cứ tôn giáo nào có thể tin rằng niềm tín ngưỡng của họ là “thật”?  

2/ Và nếu họ cho là niềm tín ngưỡng của họ là “thật” hay “đúng” thì có phải họ cũng cho những niềm tín ngưỡng, những tôn giáo khác đều là “giả” và “sai”?  

3/ Nếu chỉ có thể có một tôn giáo “thật” và “đúng”, và chỉ một mà thôi, và nếu tất cả tôn giáo đều giành phần họ là “thật” và “đúng” thì chẳng phải là gần như chắc chắn tất cả đều “giả” và “sai” hay sao?  

Bài 63: Người Vô Thần trong Chiến Hào


Nhiều tín đồ nhắc đến câu “Không có kẻ vô thần nào ở dưới chiến hào cả” (“There are no atheists in foxholes”) khi thảo luận về “đức tin”.

Ý họ muốn nói là trong những hoàn cảnh hiểm nghèo, vô vọng thì con người mới thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và từ đó mới cầu khẩn Thượng Đế cứu giúp và mới tin là có Thượng Đế.

Câu nầy thật ra rất đúng đối với rất nhiều người. 

Tuy nhiên, câu trên không thể nào dùng để chứng minh rằng ý niệm “vô thần” là sai lầm hay người vô thần là nông cạn, yếu đuối cả.

Câu trên chỉ diễn tả một bản chất yếu đuối tự nhiên của con người. Khi đứng trước hiểm nguy, bản năng sinh tồn trong con người làm cho họ cần và muốn được bảo vệ, cứu giúp. Trong những trường hợp vô vọng, họ có khuynh hướng nghĩ đến cá thể siêu nhiên nào đó có quyền lực vô cùng vĩ đại hơn họ. 

Thật ra, câu trên chứng tỏ rằng ý niệm “Thượng Đế” (và từ đó, sự thành hình của tôn giáo) phát xuất từ sự sợ hãi mà ra.

Hitler đã từng nói với Giám Mục Michael von Faulhaber ở Bavaria (1936) rằng: “Người ta không thể hiện hữu không có niềm tin vào Thượng Đế. Các binh sĩ nằm bốn, năm ngày chịu đựng hỏa pháo nặng nề cần một sự chống chỏi bằng tôn giáo”.

“Một sự chống chỏi bằng tôn giáo”. Điều nầy cho thấy Hitler là một người rất tinh khôn khi đưa ra và dùng nhận xét trên trong việc quản lý tinh thần binh sĩ. Tuy nhiên, một niềm tin xuất phát từ sự sợ hãi chỉ là một dụng cụ được tạo ra do nhu cầu cần thiết. Nó không phải là một niềm tin xuất phát chân chính từ trái tim, nó không phải từ lý tưởng tâm linh cao quý. Một số người vô thần ví đức tin trong tôn giáo như là một cái nạng (để chống chỏi); nếu sự ví von đó có thích hợp thì có lẽ đây là một trường hợp mà nó có thể áp dụng xác thực nhất. Các tín đồ đáng lẽ không nên quảng bá sự so sánh đức tin của họ với một cái nạng (vì chính họ đang vô tình làm điều nầy khi nêu ra câu “không có kẻ vô thần trong chiến hào”).

Hơn nữa, câu trên không đúng với tất cả mọi người. Có rất nhiều trường hợp những tín đồ sùng đạo suốt đời cho đến một ngày nào đó lâm cảnh đau khổ cùng cực chợt tỉnh ngộ ra rằng nếu thật sự có Thượng Đế yêu thương bảo bọc họ như đã hứa hẹn thì họ đã chẳng nằm trong cảnh ngộ đó. Có những chiến binh sống sót sau các trận chiến kinh hoàng chợt thấy rằng không có Thượng Đế từ bi toàn năng nào lại có thể để cảnh chết chóc thê thảm chung quanh họ xảy ra. Những người nầy từ đó quẳng bỏ đi cái ảo tưởng về Thượng Đế mà họ đã ôm ấp suốt đời họ.

Khi nào có ai đưa ra câu “Không có kẻ vô thần nào ở dưới chiến hào cả” để tranh luận cho ý niệm “đức tin” thì có lẽ họ cần nên được nhắc rằng “Có những người không cần phải nằm dưới chiến hào mà vẫn suốt đời luôn luôn co ro kinh sợ”

Bài 62: Cầu Nguyện


Hỏi: Có câu nói “không có kẻ vô thần nào ở trong chiến hào cả”. Anh nghĩ sao? 

Đáp: Rất có thể đúng. Tôi có thể tưởng tượng được nỗi sợ hãi khủng khiếp của những người nằm trong chiến hào chịu đựng đạn pháo kích nổ tới tấp chung quanh họ.

Hỏi: Anh nghĩ nếu anh nằm trong hoàn cảnh đó thì anh cũng sẽ cầu Trời khẩn Phật hay không?

Đáp: Tôi không biết. Tôi chưa ở trong tình thế kinh khiếp cực độ như vậy. Tuy nhiên, nếu vì sợ hãi cùng cực mà tôi ngả qua cầu khẩn Trời Phật trong lúc đó để xin cứu mạng thì chẳng qua đó là vì phản xạ sinh tồn tự nhiên. Có thể trong lúc sợ hãi tột độ thì trí óc tôi cũng sẽ lý luận rằng “Nếu cầu khẩn có hiệu nghiệm dù xác suất nhỏ cách mấy cũng còn hơn không. Cứ cầu khẩn đi, không có hại gì cả”. Đây là lối lý luận của nhiều tín đồ, Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo.

Hỏi: Nếu sống sót thì sau đó anh sẽ nghĩ gì?

Đáp: Tôi nghĩ là tôi sẽ hỗ thẹn với chính tôi.

Hỏi: Tại sao?

Đáp: Tại vì 1/ Tôi đã làm một điều trái ngược lại với nguyên tắc và quan điểm sống của tôi, và 2/ Tôi biết điều tôi làm là vô ích.

Hỏi: Tại sao vô ích?

Đáp: Vô ích là vì nếu tôi chết thì rõ ràng là không ai cứu tôi cả. Còn nếu tôi sống sót thì tôi biết tôi cũng sẽ kết luận rằng đó rất có thể chỉ là một điều ngẫu nhiên mà thôi, bất kể xác xuất sống chết có chênh lệch bao nhiêu đi nữa. Qua cơn sợ hãi tột độ thì con người thường suy luận một cách chính chắn hơn. Và tôi biết rằng dù gì đi nữa thì tôi cũng không thể dựa vào sự kiện đó để tin là Trời Phật đã có cứu mạng tôi hay không.

Bài 61: Phép Mầu


Có những người quả quyết rằng họ có lúc thấy đôi mắt hay cánh tay của tượng ảnh Phật Bà hay Đức Mẹ nào đó “thoáng” di động trong khi họ quỳ cầu nguyện. Họ cho rằng Phật Bà hay Đức Mẹ đã ứng hiện như thế để báo cho họ biết rằng lời cầu nguyện của họ được nghe nhận.

Khi một người cuồng nhiệt tin tưởng, tập trung tâm thần chờ đợi và mong mỏi một hiện tượng gì đó xảy ra thì sau một thời gian tâm thức của họ dẫn ngũ quan họ đến một tình trạng tự kỹ ám thị đủ để tạo cho họ ấn tượng là chuyện đó “dường như” xảy ra.

Sự kiện tâm sinh lý nầy giải thích các câu chuyện trên. Điểm đáng chú ý là các sự “di động” trong những hiện tượng “phép mầu” loại nầy đều luôn luôn được diễn tả là “thoáng” qua mà thôi. Những sự “di động” nầy không bao giờ rõ ràng và lâu dài đủ để ai có thể nhìn thấy được chắc chắn hay ghi nhận lại hẳn hòi bằng máy quay phim.

Những hiện tượng nầy cũng có thể “chứng kiến” được bởi một đám đông tín đồ cùng một lúc.

Khi một đám đông người đứng chiêm ngưỡng say sưa đắm đuối trước một thần tượng của họ thì tiềm thức họ thường chia sẻ và chịu ảnh hưởng lẫn nhau bởi những cảm nghĩ, cảm tưởng và ấn tượng chung liên quan đến thần tượng đó.

Chỉ cần một người trong đám đông ấy tuyên bố rằng họ thấy cánh tay của bức tượng “thoáng” di động chẳng hạn thì điều đó tác động lên tâm thức của những người chung quanh mạnh mẽ và càng gợi thêm cho họ dễ “thấy” điều đó hơn.

Khi vài ba người trong đám đông ấy tuyên bố rằng họ có thấy sự di động nầy thì hầu như mọi người đều chấp nhận là điều đó có thật, và sẽ xảy ra. Bản tính tự nhiên của con người thích những chuyện ly kỳ, lạ lùng. Và nếu họ là người chủ động trong những chuyện ly kỳ, lạ lùng nầy thì còn hay hơn nữa. Hầu như mọi người trong đám đông lúc bấy giờ đều sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục chính họ, và người khác, là họ cũng “chứng kiến” được phép mầu nầy. Những người không thấy sự di động gì cả cũng sẽ nghi ngờ sự “thiếu sót” của mình, rồi sẽ dần dần tự thuyết phục chính họ là đã “dường như” có thấy chuyện ấy xảy ra. Những ai can đảm đủ để tuyên bố rằng họ không thấy gì hết sẽ bị gạt bỏ qua một bên. Chỉ có những mẩu chuyện xác nhận phép mầu nầy được kể đi kể lại, với chi tiết được thêm thắc một cách thích ứng. Không bao lâu, những mẩu chuyện và niềm tin nầy sẽ củng cố lẫn nhau và tạo thành một “sự thật” được xác nhận bởi tất cả mọi người.

Dĩ nhiên là không phải tất cả những trường hợp ảo ảnh tập thể như trên đều liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng.

Vài năm về trước trên báo ở một thành phố nọ đăng có một con cá sấu lớn của một sở thú vừa sút chuồng trốn thoát mất. Sở thú nầy nằm trên bờ một con sông thường ngày có nhiều thuyền bè giải trí qua lại. Trên sông vùng nầy xưa nay không hề có cá sấu. Trong mấy tuần lễ sau bài báo nầy, có hàng chục vụ người ta gọi cảnh sát quả quyết rằng họ thấy một con cá sấu đang bơi trên sông “ở đàng xa”. Có khi một nhóm 5, 7 người đều thấy chuyện nầy cùng một lúc. Hơn một tháng sau một nhân viên trong sở thú tình cờ nghe tiếng động lạ trong một nhà kho đang khóa cửa kín. Khi mở cửa kho ra, người ta thấy con sấu nầy đang ở trong đó, mạnh khỏe như thường tuy là rất đói bụng. Sau khi điều tra người ta mới biết rằng ngày con sấu trốn ra khỏi chuồng, nó bò vào trong nhà kho nầy. Một nhân viên sở thú hôm đó tình cờ đi ngang quyết định khóa cửa kho lại vì sợ trộm vào đánh cắp những dụng cụ chứa trong đó. Cửa kho đã bị khóa hơn một tháng, trong suốt thời gian đó con sấu bị nhốt bên trong nhưng không ai biết. Tin nầy được phổ biến ra trên báo địa phương. Lập tức từ đó trở đi không còn ai thấy con sấu nào bơi trên sông nữa cả.

Đây là những trường hợp mà lòng tin tạo ra ảo ảnh và ảo ảnh củng cố niềm tin.

Bài 60: Tiêu chuẩn kiểm nghiệm của Giáo Hội về "phép mầu"


Đối với Giáo Hội, nếu một người đến cầu nguyện ở Lourdes và sau đó họ khỏi bệnh và sự khỏi bệnh đó "không thể giải thích được bằng những kiến thức hiện đại " (cộng thêm một số giáo luật nữa) thì đó là “phép mầu” do Đức Mẹ tạo ra. Nhận xét của tôi về vấn đề nầy như sau: 

- Thứ nhất, Giáo Hội dùng kiến thức khoa học để quyết định điều kiện "không thể giải thích được bằng những kiến thức hiện đại" nầy có thỏa hay không. Điều kiện nầy rất nghiêm khắc và rất khó để thỏa được. Theo tôi đây là một chi tiết khá lý thú.
 
- Thứ hai, họ không nghĩ rằng những gì ngày nay khoa học không giải thích được rất có thể sẽ được giải thích (cũng bằng khoa học) trong tương lai. Lịch sử đã chứng minh điều nầy vô số lần.

- Thứ ba, từ căn bản đây là một lối lý luận được xếp loại vào "ngụy biện" trong Luận Lý Học ("vì sự kiện A xảy ra trước sự kiện B nên A là nguyên nhân của B"). Ngay cả nếu thật sự "không thể giải thích được" tại sao một người được khỏi bệnh, sự kiện người đó đã có cầu nguyện Đức Mẹ trước đó cũng vẫn không đủ để kết luận là “Đức Mẹ đã ban phép mầu làm người đó khỏi bệnh”. Có nhiều lý do khác có thể làm một người hết bệnh. Có thể vì thuốc men hay những phương pháp chữa trị y khoa của người ấy lúc trước có tác dụng chậm nên sau khi cầu xin mới hiệu nghiệm. Có thể vì lúc trước chẩn đoán sai lầm nên người ấy thật ra không mang bệnh nan y như họ nghĩ. Có thể vì họ thay đổi môi trường sinh sống (bớt uống rượu, hút thuốc, ăn uống đàng hoàng hơn, v.v.) nên tạo ra sự thay đổi trong các tác động tâm sinh lý của riêng họ và làm tăng cường sức đề kháng trong cơ thể họ. 

Đó là chưa kể trường hợp là nếu đã công nhận có thế giới vô hình thì tại sao Giáo Hội không nghĩ rằng cũng có thể là nhờ một thần linh hay ma quỷ gì khác không liên quan gì đến Đức Mẹ đã làm cho họ hết bệnh!?

Bài 59: Lourdes (tiếp theo)


Theo định nghĩa, "phép mầu" là một sự kiện xảy ra trái ngược với kiến thức và kinh nghiệm hàng ngày của mọi người. Những chuyện đáng lẽ không thể nào xảy ra nhưng lại xảy ra, đó là phép mầu. Do đó, những chuyện nào thường ngày vẫn có thể xảy ra (mặc dù không nhiều lắm, mặc dù có khi không thể giải thích thỏa đáng được) thì không phải, và không nên gọi là "phép mầu". 

Hiện tượng người bệnh tê liệt mà đi đứng trở lại không có gì huyền bí cả. Đó là vì:

- Thứ nhất, số người lành bệnh sau khi đến Lourdes (dựa trên số lượng nạng gỗ bỏ lại) rất nhỏ so với tổng số người đến cầu khẩn. Tỉ lệ nầy cũng chỉ tương đương với tỉ lệ của bệnh nhân tê liệt bình phục nhờ các phương pháp y khoa thông thường như vật lý trị liệu, giải phẩu, v.v.

- Thứ hai, hầu hết những người đến cầu khẩn ở Lourdes cũng đều đồng thời trị liệu bằng những phương pháp y khoa thông thường. (Có tín đồ nào khi bị bệnh - từ nhức đầu cho đến ung thư – mà chỉ hoàn toàn cầu nguyện chớ chẳng hề đi đến bác sĩ không?)

- Thứ ba, hiện tượng tâm lý gọi là “placebo effect” (mà trong trường hợp nầy tạm phỏng dịchlà “tự kỷ ám thị” ) có thể giúp bệnh nhân sau khi đến Lourdes được hồi phục nhanh chóng hơn bình thường.

Tóm lại, tất cả các cái gọi là “phép mầu” Đức Mẹ chữa bệnh ở Lourdes đều là những trường hợp mơ hồ, không rõ rệt. Các bệnh “được Đức Mẹ chữa khỏi” đều là những bệnh như ung thư, lao phổi, đau gan, đau thận, nhức đầu, đau nhức, tê liệt, v.v. tức là những loại bệnh mà có nhiều khi người ta có thể bình phục nhờ vào y khoa hay các phương cách trị liệu khác.


Và cũng có thể là vì không có Đức Mẹ cũng như không có phép mầu gì đã xảy ra bao giờ ở Lourdes cả.

Bài 58: Lourdes


Phép lạ được định nghĩa xảy ra khi một bệnh nhân qua một quá trình cầu nguyện, hay đến thăm một thánh tích, hay sờ một thánh vật, hay uống nước thánh, v.v. và được khỏi bệnh trong khi bác sĩ y khoa không thể giải thích được lý do.

Một trong những hiện tượng phép lạ chữa lành bệnh nổi tiếng nhất thế giới là hiện tượng Đức Mẹ hiện ra ở Lourdes, một tỉnh nhỏ dưới chân núi Pyrenees. Năm 1858, khi Lourdes còn là một khu nghèo khổ của miền tây nam nước Pháp, một cô bé 14 tuổi tên là Bernadette Soubirous (mà sau nầy đã được Tòa Thánh phong là Thánh Bernadette) kể lại là Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ cô tìm được nguồn nước thánh trong một hang động gần đó. 

Mặc dù từ đó đến giờ đã có vô số người hành hương lũ lượt đến xin chữa bệnh bằng nước trong hang nầy, không có trường hợp nào được giới y khoa kiểm chứng và chấp nhận hoàn toàn. Trong số khoảng 6 triệu người hằng năm đến xin chữa bệnh, sau hơn 150 năm chỉ có 66 trường hợp được Tòa Thánh chính thức công nhận là “không thể giải thích được” và do đó là “phép lạ”. Điều nầy có nghĩa là khoảng gần 14 triệu người đến cầu xin Đức Mẹ thì chỉ có một người được khỏi bệnh. Nói cách khác, tỉ lệ nầy là khoảng 0.000007%, một tỉ lệ có thể được coi là gần như zero.

Nếu Đức Mẹ có thật, đã hiện ra thật, và thật sự ban phát phép mầu thì tại sao tỉ lệ người được chữa lành bệnh mà Tòa Thánh chính thức công nhận lại cực kỳ nhỏ đến độ vô nghĩa như vậy?

Trong một cuộc điều tra và phân tích dữ kiện gần đây, người ta thấy rằng tổng số tai nạn giao thông chết người trong các cuộc du hành của khách hành hương từ khắp thế giới trên đường đi đến Lourdes mỗi năm còn nhiều gấp mấy lần hơn so với số phép mầu của Đức Mẹ đã ban bố để cứu mạng họ.

Ngay chính Bernadette là người mang bệnh lao xương từ nhiều năm cũng đã chết vì bệnh nầy lúc 35 tuổi. Điều nầy cho thấy Đức Mẹ, nếu đã có hiện ra cho cô thấy, cũng đã chẳng trị cô khỏi bệnh hay cứu mạng cô.

Hơn nữa, là tất cả những trường hợp lành bệnh ở đây đều có thể được giải thích bằng lý do khoa học. Có thể là vì những phương pháp trị liệu y khoa có tác dụng chậm nên chỉ bắt đầu hiệu nghiệm sau khi bệnh nhân đã ngưng chữa trị. Cũng có thể là vì chẫn bệnh sai ngay từ ban đầu, hay là vì tự kỷ ám thị, v.v. mà những chứng bệnh (thường là trong nội tạng, thí dụ như ung thư) có vẻ như được chữa khỏi. Nhiều trường hợp tự lành bệnh tương tự cũng đã xảy ra đến những bệnh nhân khác trên thế giới không hề biết gì đến hiện tượng Đức Mẹ ở Lourdes nầy. 

Khi nói về bệnh tật làm hạn chế khả năng đi đứng, rất nhiều người tường thuật là mặc dù trước đây họ cần phải chống gậy nạng, sau khi đến viếng Lourdes họ có thể bỏ gậy nạng ra mà tự đi đứng được. Có vô số những cây gậy nạng đã được bỏ lại Lourdes như là bằng cớ của sự lành bệnh của họ. Một nhận xét đáng lý thú là chưa hề có một chân giả hay tay giả nào được bỏ lại cả! Có nghĩa là chưa bao giờ có trường hợp một người bị cụt tay hay cụt chân đã được ơn Đức Mẹ làm cho tay hay chân của họ mọc trở lại cả. 

Nếu Đức Mẹ có thật, đã hiện ra thật, và thật sự ban phát phép mầu thì tại sao chưa bao giờ một người cụt tay cụt chân nào trong 150 năm nay được Đức Mẹ đoái hoài đến?

Bài 57: Cầu Khẩn (tiếp theo)


Hỏi: Nhưng có rất nhiều thí dụ cho thấy nếu cầu nguyện với tấm lòng thành khẩn thì rất linh ứng. 

Đáp: Đó là một thí dụ nữa về hiện tượng “thu thập dữ kiện một cách thiên vị”.  Lúc nào cũng có 4 trường hợp: 1/ một người cầu nguyện và thành công, 2/ một người cầu nguyện nhưng vẫn không thành công, 3/ một người không cầu nguyện nhưng vẫn thành công, và 4/ một người không cầu nguyện và không thành công. Nếu tất cả các điều kiện chung quanh một sự việc đều giống nhau thì xác suất xảy ra của 4 trường hợp nầy tương đối ngang ngửa nhau. Tuy vậy, những người tin vào việc cầu khẩn thường chỉ chú trọng, nhận thấy, ghi nhớ và phổ biến lại những  gì có vẻ tương ứng với niềm tin của họ mà thôi (trường hợp 1). Vì những trường hợp khác (2, 3 và 4) không nằm trong cách nhìn của họ nên họ thường không chú trọng, nhận thấy, ghi nhớ hay phổ biến lại. Do đó chỉ có những mẩu chuyện hỗ trợ quan niệm "cầu nguyện có hiệu quả" được truyền đi dạy lại với nhau từ đời nầy sang đời khác.

Hỏi: Nhưng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về người ta cầu nguyện Đức Mẹ hay Phật Bà rồi được trúng vé số. Chắc chắn và rõ ràng như vậy.

Đáp: Những chuyện đó có thật. Nhưng xảy ra trong một thời gian dài và liên quan đến nhiều vụ xổ số khác nhau. Nên nhớ rằng: 1/ Mỗi vụ xổ số hầu như đều có người trúng độc đắc, và 2/ vô số (hầu hết) người mua số đều vái van đấng thiêng liêng nào đó giúp đỡ họ trúng số. Do đó tỉ lệ mà một người van vái rồi trúng độc đắc rất lớn, hầu như mỗi vụ xổ số đều xảy ra. Những người nầy kể lại thân nhân họ “Đức Mẹ linh thiêng lắm, tôi cầu nguyện và Đức Mẹ cho tôi trúng độc đắc”. Thân nhân họ sẽ tin họ 100% vì rõ ràng là người đó có trúng độc đắc. Thân nhân tiếp tục đồn đãi ra rộng hơn. Nhiều lần như vậy. Thế là ai cũng tin hết. Tuy nhiên họ quên rằng mỗi vụ vé số cũng có hàng triệu người khác van vái giống như vậy mà không ai trúng độc đắc cả.

Hỏi: Vẫn có nhiều người tin chắc chắn rằng cá nhân họ được phù hộ bởi một đấng thiêng liêng đặc biệt như Phật Bà hay Đức Mẹ hay Phật Di Lặc hay Thánh Phao Lồ, v.v. trong suốt đời họ.

Đáp: Nếu họ làm một thí nghiệm nhỏ thì họ có thể biết chắc là đấng thiêng liêng đặc biệt đó có thật sự phù hộ trong đời họ hay không.

Hỏi: Thí nghiệm ra sao?

Đáp: Rất giản dị: chỉ cần giữ một quyển sổ ghi chép tất cả mỗi lần họ cầu xin đấng thiêng liêng nầy về bất cứ việc gì mà xác xuất thành công bằng với hoặc không lớn hơn xác xuất thất bại. Sau đó họ cũng cần ghi chú rõ thêm là lời cầu xin của họ có hiệu nghiệm hay không. Thật ra thì những người tin vào việc cầu khẩn cũng đều nên ghi sổ lại tương tự tất cả mỗi lần họ cầu xin bất cứ đấng thiêng liêng nào. Sau một khoảng thời gian ngắn thì họ có thể so sánh lại và tự kết luận rằng cầu khẩn có đem lại kết quả họ mong muốn hay không.

Hỏi: Tại sao chỉ ghi chú khi cầu xin những việc gì mà xác xuất thành công bằng với hoặc không lớn hơn xác xuất thất bại?

Đáp: Tại vì trong các trường hợp đó mới có thể chứng minh rằng lời cầu nguyện của họ linh ứng. Những việc mà xác xuất thành công lớn hơn xác xuất thất bại thì số lần điều họ cầu xin xảy ra sẽ đương nhiên có khuynh hướng lớn hơn số lần không xảy ra.

Bài 56: Cầu Khẩn


Hỏi: Anh nghĩ gì về những chuyện cầu nguyện, thí dụ như xin Phật Chúa cho tai qua nạn khỏi hay được may mắn trong việc làm ăn, tình duyên?
 
Đáp: Cầu nguyện mang đến hy vọng, nhất là trong những lúc vô vọng. Mặc dù chỉ là ảo tưởng.

Hỏi: Tại sao anh nghĩ cầu nguyện chỉ là ảo tưởng?

Đáp: Tại vì trên thực tế, nói chung thì việc cầu xin mua mau bán đắt hay tai qua nạn khỏi không có hiệu quả.

Hỏi: Tại sao anh nói không có hiệu quả? Thí dụ?

Đáp: Thí dụ, có biết bao nhiêu người biết bao nhiêu lần trong đời họ mỗi khi mua vé số đều vái “ông Địa cho con trúng thì con sẽ cúng nải chuối”? Và có bao nhiêu lần họ trúng?

Hỏi: Tôi muốn nói về cầu xin những chuyện quan trọng hơn.

Đáp: Thì lấy việc đi biển chẳng hạn, khi một chiếc tàu gặp giông bão dữ dội thì mọi hành khách đều cầu nguyện Trời, Phật, Chúa phù hộ cho họ. Thế thì tại sao có chiếc tàu qua khỏi giông bão, tại sao có chiếc tàu khác chìm? Trong một chiếc tàu chìm thì mọi người đều cầu nguyện, thế thì tại sao có người được vớt hay bơi đến bờ còn có người chết đuối? Nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì tại sao chỉ linh ứng với một số chiếc tàu mà không linh ứng với tất cả những chiếc tàu khác? Nếu việc cầu nguyện có linh ứng thì tại sao chỉ linh ứng với một số người mà không linh ứng với tất cả những người khác?

Hỏi: Có thể vì nhiều lý do khác liên quan đến số mạng hay nghiệp phước của mỗi người chăng?

Đáp: Nếu đã tin là số mạng hay nghiệp phước của mỗi người sẽ "quyết định" việc người đó sẽ chết chìm trong một vụ đắm tàu hay không thì  tại sao còn cầu khẩn Phật Chúa làm gì? Những người cầu khẩn nầy hoặc là đang mâu thuẩn với chính họ hoặc là rất tự tôn.

Hỏi: Tại sao tự tôn?

Đáp: Tự tôn là vì tuy tin rằng luật nhân quả dựa trên phước nghiệp áp dụng rành rọt cho tất cả mọi sinh linh như vậy rồi nhưng họ vẫn nghĩ là Phật Trời sẽ ra tay can thiệp, sửa đổi luật nầy chỉ vì lời cầu xin của họ. 

Hỏi: Luật nhân quả và quan niệm phước nghiệp chỉ áp dụng cho tín đồ Phật Giáo, không áp dụng cho Thiên Chúa Giáo.

Đáp: Tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng tự tôn là vì họ tuy tin rằng Chúa Trời đã biết rõ mọi việc quá khứ, tương lai và đã an định tất cả những gì phải xảy ra cho mỗi người rồi nhưng cho rằng Chúa Trời cũng sẽ thay đổi ý của Ngài chỉ vì lời cầu xin của họ.

Hỏi: Nhưng nếu họ thật sự chân thành hối lỗi về những điều ác trong quá khứ của họ thì sao?

Đáp: Đó là lối suy luận của Thiên Chúa Giáo: dù đã phạm tội lỗi gì ghê gớm cách mấy đi nữa nhưng nếu chân thành hối lỗi trước  Thiên Chúa thì sẽ được tha thứ. Tôi không chấp nhận nổi lối suy luận nầy (và tôi tin rằng chính lối suy luận nầy đã hấp dẫn rất nhiều người gia nhập Thiên Chúa Giáo).  Tuy vậy, ngay cả nếu bỏ chuyện đó qua một bên thì vấn đề vẫn là: khi tất cả mọi người đều cầu nguyện nhưng tại sao có người được việc, có người không? Nếu cho là có Phật Chúa hay đấng thiêng liêng nào đó thì tại sao có người cầu khẩn và được cứu độ, tại sao có người bị bỏ rơi?

Hỏi: Có thể vì có người cầu nguyện thành khẩn hơn người khác chăng?

Đáp: Đó là cách suy nghĩ rất kiêu ngạo khi một người dám cho rằng họ cầu nguyện thành khẩn hơn người khác. Tôi biết có người còn cho rằng lời cầu nguyện của họ linh nghiệm vì họ tin tưởng và thờ cúng thành khẩn hơn người khác. Đó là tại sao tôi cho rằng cầu xin Phật Chúa ban cho điều tốt lành hay cứu độ tai qua nạn khỏi là một hành động vừa tự tôn vừa tự ti cùng một lúc.

Bài 55: Tượng Phật Chúa Khóc hay Chảy Máu (tiếp theo)


Những cuộc điều tra cho thấy việc tạo dựng ra các “phép mầu” giả mạo loại nầy không khó khăn gì cả. Có 2 phương pháp thường được dùng.

Phương pháp thứ nhất rất thô sơ và giản dị: người ta lén bôi máu, nước mắt hay dầu lên mặt pho tượng ban đêm hay trong lúc vắng người. Phương pháp nầy thường rất dễ bị phát giác và các trường hợp “phép mầu” nầy do đó thường không tồn tại lâu dài lắm.

Phương pháp thứ hai tinh vi hơn nhưng hầu như ai khéo tay một chút đều cũng làm được. Các tượng Đức Mẹ hay Phật Bà thường làm bằng thạch cao hay sứ mỏng, rỗng ruột và được bao bọc bởi một lớp men hay sơn bên ngoài. Các chất lỏng như nước, dầu thường có thể thấm qua lớp thạch cao hay sứ mỏng nầy khá dễ dàng. Tuy vậy lớp sơn men bên ngoài pho tượng không thấm nước. Do đó nếu người ta bơm một chất lỏng vào trong lòng pho tượng qua một lỗ nhỏ trên đầu chẳng hạn thì lớp sơn men sẽ giữ chất lỏng nầy nằm bên trong một thời gian rất lâu. Nếu có ai tạo ra một vết trầy rất nhỏ xuyên qua lớp sơn men ở khóe mắt của pho tượng chẳng hạn, chất lỏng bên trong sẽ tươm ra từ từ gây ấn tượng một pho tượng đang khóc. Phương pháp nầy cũng có thể áp dụng rất thành công cho những pho tượng bằng gỗ hay nhiều chất thấm nước tương tự.

Việc ngụy tạo các phép mầu loại nầy hiện diện khắp nơi. Có nhiều trường hợp các tu sĩ bề ngoài đầy đức độ, đạo hạnh cũng đã bị bắt gặp quả tang là thủ phạm các vụ ngụy tạo phép mầu và bị trừng phạt bởi Giáo Hội lẫn pháp luật.

Tuy vậy vô số người vẫn không thể cưỡng nổi sự cám dỗ khi những hiện tượng “thiêng liêng” được đồn đãi đến tai họ. Họ không thể nào thấy được sự kiện giản dị rằng tại sao những đấng thiêng liêng như Phật Bà hay Đức Mẹ (nếu hiện hữu) đã xuất thế lên trời từ ngàn năm trước mà ngày nay thỉnh thoảng lại còn giáng thân xuống trong một số pho tượng thô sơ để nhỏ vài giọt nước mắt vớ vẩn để làm gì? Nếu có một thông điệp cần gởi cho nhân loại thì tại sao họ không hiện ra với hào quang chói lòa ngay giữa công trường chính của thủ đô những cường quốc lớn mạnh nhất để rao giảng mà lại chọn một phương pháp mơ hồ, ấm ớ như vậy?

Ngày nào còn những tín đồ tin vào những chuyện nầy thì ngày đó vẫn còn những tượng Phật Chúa chảy máu hay nước mắt. Cũng không khác gì lúc nào còn người mua một loại hàng gì trong chợ thì sẽ vẫn còn người bán loại hàng ấy.

Bài 54: Tượng Phật Chúa Khóc hay Chảy Máu (tiếp theo)


Nhiều trường hợp mà Giáo Hội không công nhận là "phép mầu" thật ra có thể giải thích được bằng khoa học tự nhiên.

Có thể là vì tùy vị trí của pho tượng và góc cạnh của khuôn mặt mà dưới những điều kiện thời tiết thuận lợi thì hơi sương tình cờ đọng trên má của pho tượng. Có thể là vì ánh sáng phản chiếu trên má. Có thể là vì có một vết nứt nhỏ gần mắt nên chất dầu thiên nhiên bên trong sớ gỗ của pho tượng ngày nào đó ứa ra. v.v.

Trong nhiều trường hợp khác, các cuộc điều tra của Giáo Hội đều dẫn đến một kết luận giản dị là: “ngụy tạo”.

Có 2 lý do tại sao những hiện tượng “phép mầu” ngụy tạo xảy ra tràn lan khắp thế giới. Thứ nhất, vì vụ lợi. Thứ hai, vì cuồng tín. Trong nhiều trường hợp, vì sự trộn lẫn giữa 2 lý do trên.

Thứ nhất, như đã nói, mỗi khi có một “phép mầu” bất cứ dạng nào xảy ra ở một địa phương thì điều kiện kinh tế của địa phương ấy sẽ được phát triển thập phần một cách rất nhanh chóng.

Ở những nơi nổi tiếng từ chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc cho đến hang Đức Mẹ ở Lourdes ở miền nam nước Pháp, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du ngoạn, địa ốc, chuyên chở, sản xuất và phân phối đồ lưu niệm, hương đèn, lễ vật cúng bái, v.v. trong các địa phưong nầy đã trở thành những kỹ nghệ có trị giá vĩ đại mang đến sự thịnh vượng vô biên của một số cá nhân cũng như toàn dân trong vùng. Sự việc nầy cũng hoàn toàn đúng cho bất cứ "phép mầu" lớn nhỏ nào xảy ra ở bất cứ địa phương nào.

Để tăng gia lợi nhuận, có những phương cách cúng bái kỳ lạ được sáng chế ra bởi những người điều hành các cơ sở tín ngưỡng nầy. Lấy thí dụ ở Chùa Bà núi Sam, Châu Đốc: số lượng người làm ăn phát đạt trở lại cúng heo quay trả lễ Bà hàng ngày rất cao; số lượng heo được dâng lên cúng Bà do đó nhiều vô kể. Khách thập phương thường từ xa đến nên họ phải mua những con heo đã quay sẳn để bán từ dưới chân núi. Người cúng bái ra vào tấp nập, chen chúc nhau giữa bầu không khí mịt mù khói bốc ra từ hàng ngàn cây nhang và giấy tiền vàng bạc đang cháy. Mỗi người đặt con heo của mình cúng lên một băng gỗ trước điện thờ tượng Bà, thắp nhang cúng vái xong rồi đi ra khỏi sảnh điện để nhường chỗ cho người khác. Con heo quay của họ nằm lại ở đó. Trước khi các nén nhang của họ có đủ thời gian kịp để tàn thì ban trị sự đem con heo của họ vào bên trong để chỗ trống cho người khác đặt con heo khác lên băng đó. Con heo đem vào trong được mang ngược trở xuống chân núi để bán lại cho khách thập phương khác. Có những con heo quay được bán đi bán lại hàng chục lần trong cùng một ngày. Đến cuối ngày, hay hôm sau, các con heo cũ sẽ được bán lần cuối cùng cho thầu thức ăn mua về để cung cấp lại cho các quán ăn khắp xứ.  Nhiều khách đến cúng Bà biết về chuyện nầy, nhưng họ phần đông không phiền hà gì cả. Lý do là vì "ai cũng làm như vậy".

Để bảo vệ nguồn lợi tức quý giá nầy, những người buôn bán địa phương thường tích cực cổ động và truyền bá những câu chuyện linh hiển của Bà và những thí dụ về khách đến cầu khẩn được thành công ra sao, bất kể chính họ có thật sự tin những chuyện nầy hay không. (Thật ra thì hầu hết người địa phương rất tin tưởng việc cầu khẩn Bà. Chính họ cũng cúng bái thường xuyên và nhận thấy công việc buôn bán làm ăn của họ rất phát đạt vì số khách hàng càng lúc càng đông. Sự cộng hưởng hỗ trợ dây chuyền nầy có tác dụng làm cho chùa Bà càng lúc càng nổi tiếng linh thiêng và phồn thịnh).

Sự cuồng tín là lý do chính thứ hai dẫn đến việc ngụy tạo phép mầu. Có những người vì quá sức mê muội trong sự tin tưởng của họ, họ cố ý giàn cảnh tạo dựng ra những "phép mầu" để thu hút nhiều người khác thêm vào con đường của họ.

Những người nầy suy luận rằng việc làm giả mạo của họ là đúng, và cần thiết. Họ nghĩ rằng có niềm tín ngưỡng như họ là một điều cao cả. Họ cho rằng họ nên, và cần, làm bất cứ điều gì để truyền bá niềm tín ngưỡng nầy. Họ tin rằng đây là một lối để phục vụ đấng thiêng liêng của họ.

Cũng có không ít người tự thú rằng tình yêu Thiên Chúa của họ tuy không đồng loại nhưng cũng cuồng nhiệt như tình yêu trai gái. Trường hợp  nầy cũng xảy ra trong các tôn giáo khác. Nhất là những người vừa mới tìm gặp niềm tin tín ngưỡng, họ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc đến nỗi muốn chia sẻ với mọi người.

Với bất cứ giá nào. Kể cả lừa gạt.

Bài 53: Tượng Phật Chúa Khóc hay Chảy Máu


Theo sự hiểu biết của tôi, trong hàng ngàn trường hợp tượng Phật Bà hay tượng Đức Mẹ khóc hay chảy máu chỉ có một trường hợp là không xác định được. Phần còn lại đều là giả mạo hoặc lầm lẫn. Và một trường hợp không xác định được trên thường là vì chủ nhân của các pho tượng đó không cho phép ai áp dụng phương pháp khảo nghiệm khoa học để kiểm nhận rõ ràng hiện tượng đó có thật hay không. 

Ngay từ thế kỷ 15, 16 đã có những tài liệu viết về hiện tượng tượng Đức Mẹ khóc hay chảy máu. Vào những năm 1970 đến 1990 có rất nhiều hiện tượng tương tự ở những lãnh địa Công Giáo và Chính Thống Giáo trên toàn thế giới kể cả Á Châu và Phi Châu.

Một điều tôi phải công nhận là Giáo Hội Công Giáo đưa ra những tiêu chuẩn kiểm nghiệm rất nghiêm khắc về vấn đề nầy. Họ điều tra tất cả các trường hợp đáng kể và từ đó đến giờ chỉ chính thức công nhận vài trường hợp trong hàng ngàn trường hợp họ đã kiểm nghiệm.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các trường hợp mà Giáo Hội được công nhận thật sự là “phép mầu” cũng được bảo vệ một cách rất triệt để: họ không cho phép ai khác ngoài người của họ kiểm nghiệm. Cách kiểm nghiệm của họ cũng không phải luôn luôn là những phương pháp kiểm nghiệm khoa học được công nhận và thường dùng ở khác lãnh vực khác như khảo cổ hay hình sự. (Đội điều tra hình sự trong phim tập TV được nhiều người ưa chuộng NCIS – Naval Criminal Investigative Services - không bao giờ có cơ hội trổ tài của họ lên những pho tượng nầy!)

Lý do chính là vì Giáo Hội cũng cần có một số phép mầu để củng cố vị thế của họ. Họ không thể để những “phép mầu” lan tràn mọi nơi không kiểm soát được, nhất là những “phép mầu” được ngụy tạo một cách thô sơ do bất cứ ai ở những địa phương xa lạ nào đó. Điều cần nhận biết là những “phép mầu” dạng nầy nếu xảy ra trong lãnh phận nào thì đem đến ưu thế vô biên cho uy tín tôn giáo cũng như điều kiện kinh tế cho lãnh phận ấy. Những hiện tượng được công nhận bởi Giáo Hội đều nằm trong những lãnh phận có liên minh mật thiết và được “ưu đãi” bởi Giáo Hội.

Có ít trường hợp tượng Phật Bà khóc hay chảy máu được tường thuật hơn trường hợp Đức Mẹ. Rất hiếm có trường hợp Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su khóc. Có thể vì quan niệm thông thường trong đầu người ta là đàn bà dễ động lòng khóc hơn đàn ông chăng?

Ở Việt Nam, những trường hợp tượng Phật Bà (hay bà Thánh Mẫu, Công Chúa, v.v.) thường xảy ra ở  những vùng thôn quê xa xôi. Thường không có tổ chức tôn giáo nào chính thức đến kiểm nghiệm hay công nhận các hiện tượng nầy cả. Thường thì nghe theo lời đồn đãi, nhiều người sẽ đổ xô tấp nập đến những địa phương nầy để cúng bái, cầu khẩn cho sức khỏe, tiền tài, gia cảnh của họ. Số người sùng mộ thường bùng cao lên trong một lúc rồi xẹp xuống khá mau chóng. Phần lớn các hiện tượng “hiển linh” nầy đi vào sự quên lảng của đại đa số quần chúng, kể cả tín đồ, sau một thời gian ngắn. 

Rất nhiều người suốt đời hăm hở chực chờ để đi “hành hương” từ hiện tượng linh thiêng nầy đến hiện tượng linh thiêng khác. Đây là một cách thông dụng để nhu cầu tâm linh của họ được “giải trí”, không khác gì người ta thỉnh thoảng cần đi xem hát, xem kịch để mua vui.

Bài 52: Phật Chúa Hiện Thân (tiếp theo)


Hỏi: Còn vô số các thí dụ như Phật Bà hiện ra trên một gốc cây, Chúa Giê Su hiện ra trên bức tường loang lỗ đàng sau một giáo đường bỏ hoang, v.v.  thì sao?

Đáp: Tất cả đó chỉ là những trường hợp người ta gán đặt những ý nghĩa “quan trọng” lên những hình ảnh “bình thường” (hiện tượng tâm lý “pareidolia”) như đã đề cập ở trên. Họ diễn dịch các vết sẹo trên vỏ cây hay những vệt rong rêu trên bức tường cũ ra thành những hình ảnh mà trong đầu họ muốn thấy. Hiện tượng nầy cũng giống như nhìn lên những đám mây trên trên đủ lâu thì sẽ thấy những hình thú vật hay mặt người, v.v.

Hỏi: Còn các câu chuyện như tượng Đức Mẹ khóc ra máu, tượng Phật Bà tỏa hương thơm trong những ngày rằm, v.v. thì sao?

Đáp: Hầu hết tất cả chỉ là giàn cảnh giả tạo để vụ lợi. Ngay cả Giáo Hội Công Giáo cũng ngăn cấm tín đồ truyền bá những câu chuyện nầy. Ngay cả Giáo Hội cũng điều tra và cho hầu hết các việc nầy là "không có bằng chứng thích đáng" hay "mê tín dị đoan". Tuy nhiên trong khi đó thì chính Giáo Hội cũng tự họ công nhận một số "phép mầu" tương tự khác mà nhiều người khác cho rằng "không có bằng chứng thích đáng" hay "mê tín dị đoan".

Hỏi: Anh nói "hầu hết là giàn cảnh giả tạo". Thế còn phần còn lại thì sao?

Đáp: Phần còn lại có thể dùng hiện tượng tâm lý pareidolia như đã nói ở trên để giải thích.

Hỏi: Anh nói  nhiều người khác cho rằng các phép mầu mà Giáo Hội Công Giáo công nhận là "không có bằng chứng thích đáng" hay "mê tín dị đoan". Họ là ai?

Đáp: Là vô số những người không thuộc vào Công Giáo, kể cả các tín đồ Thiên Chúa Giáo khác như Tin Lành chẳng hạn.

Bài 51: Phật Chúa Hiện Thân


Hỏi: Có nhiều câu chuyện kể lại Đức Mẹ, Phật Bà, Phật Thích Ca, Chúa Giê Su, v.v. hiện thân ra trước tín đồ. Anh nghĩ sao?

Đáp: Cũng tương tự như các trường hợp ma quỷ hiện hình ở trên, đại đa số các hiện tượng “thiêng liêng” loại nầy trong tôn giáo đều có thể giải thích được bằng tâm sinh lý và vật lý học.

Hỏi: Anh cho rằng Phật Chúa hay thần thánh cũng giống như ma quỷ à?

Đáp: Đúng vậy. “Ma quỷ” hay “thần thánh” hay “Phật Chúa” có khác nhau chăng là ở ấn tượng “lành, dữ” hay “thiện, ác” trong đầu những người tin vào những chuyện nầy mà thôi. Ngoài ra thì bản chất của ma quỷ hay thần thánh hay Phật Chúa không khác nhau gì cả.

Hỏi: Xin anh giải thích thêm.

Đáp: Theo người ta tin thì ma quỷ hay thần thánh hay Phật Chúa đều thuộc về thế giới siêu hình. Nếu theo người ta kể thì khi thấy ma quỷ hay thấy Phật Chúa chỉ là khi ngũ quan của họ cảm nhận được thế giới siêu hình đó. Tôi đã trình bày những cách giải thích khả hữu cho trường hợp thấy ma quỷ. Những cách giải thích nầy do đó cũng áp dụng được cho trường hợp người ta cho rằng họ thấy thánh thần, Phật Chúa.

Hỏi: Nói cách khác, anh cho rằng phần lớn các hiện tượng thiêng liêng loại nầy trong tôn giáo đều hoặc được tạo dựng từ ấn tượng trong đầu của nhân chứng hoặc từ những tác động của môi trường thiên nhiên?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Từ đâu đưa anh đến nhận định như vậy?

Đáp: Thí dụ: Hầu hết tất cả các câu chuyện kể lại việc “hiện thân linh hiển” của Phật Bà, Đức Mẹ, v.v. đều chỉ xảy ra ở những vùng quê xa xôi cho những đứa trẻ con, những nông dân, những mục đồng, v.v. Tại sao như vậy? Tại vì những người nầy nói chung đã tin tưởng cuồng nhiệt vào những việc nầy. Khi có môi trường tâm sinh vật lý thuận lợi thì sự tin tưởng cuồng nhiệt đó sẽ sẵn sàng và dễ dàng tạo ra những ấn tượng thích ứng trong đầu họ. Những người nầy không có đủ trình độ học vấn hay kiến thức để nhận định được việc đó.  

Hỏi: Nhưng tại sao có vô số người có trình độ học vấn và hiểu biết cao cũng tin tưởng và xác nhận những phép mầu trên?

Đáp: Thứ nhất, những người nầy cũng là những tín đồ đã cuồng nhiệt tin tưởng vào những chuyện nầy. Thứ hai, và quan trọng hơn nữa là họ muốn tin tưởng rằng họ đang chứng kiến phép mầu. Thứ ba, con người không khác gì cừu. Chỉ cần một con cừu đầu đàn dẫn đường là đa số những con cừu trong bầy ngoan ngoản đi theo. Bầy cừu đi trước càng đông thì những con cừu ở phía càng dễ dàng nối đuôi theo không cần suy nghĩ.

Hỏi: Tại sao anh cho rằng các chuyện “hiện thân” của Phật Chúa thánh thần đều là sản phẩm tưởng tượng của tín đồ?

Đáp: Tại vì tôi không bao giờ nghe chuyện Phật Bà hay Đức Mẹ hay Chúa Giê Su hiện ra trước mặt những người vô tôn giáo, vô tín ngưỡng cả. Tại vì các đấng thiêng liêng nầy không bao giờ hiện ra trước mặt một đám đông trong một khung cảnh sáng sủa, một môi trường quang minh khi mà người ta có thể chụp ảnh, quay phim rõ ràng để giữ lại làm bằng chứng cho một phép mầu huyền diệu như vậy cả. Nếu thật sự là một khám phá vĩ đại khi thế giới vật chất bắt liên lạc được với thế giới phi vật chất như thế thì tại sao không có một tài liệu khoa học độc lập (nghĩa là không do tín đồ chủ xướng) nào tường trình lại chuyện đó?

Hỏi: Nhưng người ta sẽ giải thích rằng các đấng thiêng liêng chỉ hiện thân ra cho những tín đồ có lòng thành tín nhất thấy được mà thôi.

Đáp: Đó chính là điều tôi đã nói: “Chỉ có các tín đồ với lòng thành tín nhất mới có thể thấy Phật Bà hay Đức Mẹ hay Chúa Giê Su, v.v. hiện thân ra mà thôi”. Nếu đó không chỉ là sản phẩm tưởng tượng riêng của họ thì còn là gì khác?

Hỏi: Nhiều người sẽ bất bình khi anh cho rằng Phật Chúa cũng giống như ma quỷ.

Đáp: Thế thì như đã nói, ngoài những ấn tượng như “tốt, xấu”, “thiện, ác”, “sáng, tối”, “cao, thấp”, v.v. mà con người đặt ra trong đầu họ thì hiện thân của Phật Chúa và hiện thân của ma quỷ khác nhau ở chỗ nào? Và nếu giả dụ như họ có thật sự thấy được những hình ảnh mà họ cho là Phật Bà hay Đức Mẹ thì điều gì bảo đảm rằng cái họ đang thấy không phải là ma quỷ?

Bài 50: Con Vụ


Nhìn con vụ đang quay. Đó là một sự “thăng bằng” tạm thời giữa lực ly tâm, trọng lực, lực ma sát, lực cản của không khí, v.v.

Và vũ trụ, là sự “thăng bằng” tạm thời giữa sự di chuyển của tất cả các thiên hà, thái dương hệ, tinh tú, hành tinh, vệ tinh, v.v. từ lúc bị bắn ra mọi hướng sau khi “Big Bang” và lực hút đẩy lẫn nhau giữa những thiên thể nầy.

Sự thăng bằng của con vụ chỉ tồn tại khoảng một phút. Sự thăng bằng của vũ trụ có thể tồn tại tỉ tỉ tỉ năm của địa cầu.

Hình ảnh của vũ trụ mà chúng ta hiện thấy chỉ tương đương với một khuôn ảnh trong một cuộn phim ciné dài.

Trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi của một khuôn ảnh nầy, một số điều kiện sinh hóa vật lý ngẫu nhiên xảy ra trên một thiên thể gọi là địa cầu tạo ra một môi trường tạm thời thuận lợi đủ để cái gọi là sự sống xảy ra. Môi trường thuận lợi nầy cũng chỉ là một sự thăng bằng tạm thời giữa vô số trường hợp có thể xảy ra trên địa cầu. Môi trường thuận lợi cho sự sống nầy có thể chỉ tồn tại vài tỉ năm, một tích tắc so với chu kỳ sống của vũ trụ. Trong một khoảng rất nhỏ đâu đó của cái tích tắc ấy, con người trở thành hiện hữu cùng với những “nền văn minh” của họ.

Vũ trụ thay đổi hình dạng và kích thước không ngừng. Tất cả thiên thể đã, đang và đều tiếp tục di chuyển với những vận tốc trong những khoảng không gian mà con người không thể tưởng tượng và cảm nhận được.

Sự di chuyển nầy làm thay đổi tất cả các điều kiện sinh hóa vật lý trên mọi thiên thể, kể cả địa cầu. Do đó cái môi trường sống tạm thời trên địa cầu sẽ trở thành không còn thuận lợi nữa. Sự sống trên địa cầu rồi sẽ bị tiêu diệt.

Đâu đó trong vũ trụ trên những thiên thể nào đó có lẽ lúc nào cũng có những môi trường thích hợp cho sự sống đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra rồi bị tiêu diệt giống như vậy. Và kèm theo đó là những sự sống, những nền văn minh cũng xảy ra như một tia chớp lóe lên trong đêm tối, rồi biến mất.

Nếu có một sinh vật giả tưởng chưa từng thấy con vụ đang quay bao giờ thì hình ảnh một vật thể đứng thăng bằng trên một đầu nhọn như thế có vẻ trái ngược với mọi kinh nghiệm tự nhiên thường ngày, và do đó rất lạ lùng.

Nếu đời sống của sinh vật nầy cực kỳ ngắn ngủi đến độ tất cả nền văn minh của toàn chủng loại của chúng chỉ tồn tại trong vài giây đồng hồ, chúng có lẽ sẽ nghĩ rằng con vụ là một vật thể đã, đang và sẽ luôn luôn nằm ở trạng thái kỳ diệu nầy.

Tương tự, khi  nhìn ra vũ trụ con người  chỉ thấy sự huyền diệu bất tận trong khoảng không gian và thời gian bất tận của vũ trụ. Họ cho rằng vũ trụ đã, đang và sẽ hiện hữu mãi mãi.

Con người có khả năng suy luận và hiểu biết; và trí tưởng tượng. Họ nhận thấy trạng thái kỳ diệu của vũ trụ, và sự sống, mà họ đang chứng kiến vượt xa qua khỏi sức cảm nhận của họ. Họ cho rằng phải có một sinh vật có khả năng hiểu biết và quyền thế siêu phàm hơn họ vô kể tạo dựng ra và điều hành những sự việc nầy.

Vốn là một loài thú sống theo bầy, con người quen thuộc với khái niệm “con thú đầu đàn”. Họ tưởng tượng ra một con thú đầu đàn cho họ và đặt tên là Thượng Đế.

Họ hãnh diện cho rằng Thượng Đế của họ bất tận. Họ không thể thấy rằng những cái bất tận đối với họ chỉ là một cái chớp mắt so với những diễn biến trong vũ trụ.

Con vụ đang quay đứng thăng bằng một cách kỳ diệu và vĩnh viễn đối với con người.


Bài 49: Ma Quỷ


Tôi “tin” (nói đúng ra là tôi “nghi ngờ”) rằng ngoài các loại năng lượng mà chúng ta quen thuộc còn có thể có những dạng năng lượng khác đôi khi gây ra những giao động trong khoảng không gian chúng ta đang sống và một số người chúng ta có thể cảm nhận được bằng cách nầy hay cách khác. Đây hoàn toàn chỉ là một giả thuyết mà tôi thâu nhận nhằm cố giải thích về những hiện tượng mà tôi nghe tường thuật lại.
 
Theo giả thuyết mà tôi "tin", cái gọi là "linh hồn" là một dạng năng lượng mà có những trường hợp có thể thoát ra khỏi thân xác của một người sau khi họ qua đời và tồn tại trong trạng thái độc lập một thời gian. Khoảng thời gian nầy có thể rất ngắn, hay rất dài. Những khối năng lượng nầy có thể còn chứa đựng những đặc tính cá thể của người đó, có thể không. Tôi không biết.


Hỏi: Anh nghĩ có ai không tin chuyện ma quỷ không?

Đáp: Khái niệm “ma, quỷ” hiện diện với con người trong hầu như bất cứ dân tộc, quốc gia, nền văn hóa trong bất cứ thời đại nào. Ngay từ thời tiền sử, dựa theo bằng chứng thu thập được, khái niệm “ma, quỷ” đã có mặt và phổ biến. Trong bất cứ tôn giáo nào cũng có khái niệm nầy, ngay cả Thiên Chúa Giáo (ngược lại với cách hiểu biết của nhiều người là “Thiên Chúa Giáo không tin và dạy rằng không có ma quỷ”).

Hỏi: Anh nghĩ từ đâu mà mỗi người có khái niệm nầy?

Đáp: Cũng như nhiều kiến thức khác, khái niệm ma quỷ được truyền dạy cho hầu hết mỗi người chúng ta từ những mẩu chuyện kể lại bởi gia đình, bạn bè khi chúng ta còn là trẻ con. Một thí dụ thông thường nhất như là khi người mẹ dỗ con ngủ với những câu tương tự như “không ngủ thì ông kẹ cắn à!” thì bà đã đưa vào tiềm thức  đứa bé khái niệm ma quỷ (cùng ấn tượng sợ hãi). Những ấn tượng sợ hãi đó thường gắn liền với mỗi người suốt đời họ.

Hỏi: Anh cho là đó là lý do hầu như ai cũng “sinh ra” với khái niệm ma quỷ và ấn tượng sợ hãi?

Đáp: Đúng vậy. Hầu hết chúng ta dù cố gắng suy nghĩ và nhớ ngược lại trong đời mình cách mấy cũng không thể nào xác định được lần đầu tiên chúng ta nghe biết về vấn đề ma quỷ. Lý do là vì nó thường được truyền dạy cho mỗi người từ lúc còn sơ sinh từ những người chăm nom nuôi nấng họ.
Khi lớn lên một chút, lúc một đứa trẻ giao du với hàng xóm, bạn bè thì những câu chuyện ma quỷ từ một gia đình, từ một thế hệ được trao đổi sang gia đình và thế hệ khác.

Hỏi: Anh nghĩ tại sao người ta sợ ma nhưng thích nghe kể chuyện ma?

Đáp: Tôi nghĩ lý do đó cũng tương tự như lý do tại sao ở các hội chợ người ta thích chơi những trò chơi cực kỳ nguy hiểm, thích ngồi trên những chiếc đu chạy với tốc độ hãi hùng ngoặc ngoẹo leo lên rơi xuống những độ cao choáng váng.

Hỏi: Để kích thích thần kinh cực độ?

Đáp: Đúng vậy. Một yếu tố quan trọng để họ thích thú làm việc nầy là vì họ biết rằng khi qua khỏi những cảm giác kinh hoàng tạm thời đó thì họ sẽ vẫn được an toàn.   

Hỏi: Anh cho rằng phần nhiều những chuyện ma quỷ đều có nguồn gốc “nhân tạo”?

Đáp: Đúng vậy. Có nhiều sự kiện cho thấy rằng khái niệm “linh hồn”, và từ đó “ma quỷ”, rất có thể đã xuất phát từ sự hiểu biết và nhận xét thô sơ của người ta trong thời xa xưa khi kiến thức khoa học còn hạn hẹp.

Hỏi: Thí dụ?

Đáp: Một thí dụ là ngay từ xa xưa người ta đã cho rằng 1/ linh hồn nằm bên trong thân xác mỗi người, 2/ linh hồn là những vật thể mơ hồ, sương khói, và 3/ ở những xứ lạnh người ta nhận thấy hơi thở từ mũi của họ có dạng sương trắng mờ. Những dữ kiện trên có thể đã đưa đến việc chữ “linh hồn” trong một số ngôn ngữ như Latin (“spititus”) hay Hy Lạp (“pneuma”) đều có nghĩa gốc là “hơi thở”. Ngay cả những người viết ra Kinh Thánh cũng có vẻ chịu ảnh hưởng nầy, họ diễn tả Chúa Trời thổi hơi thở vào tượng đất sét để ban sự sống cho Adam.

Hỏi: Theo anh thì có nhiều cách giải thích các hiện tượng ma quỷ?

Đáp: Đúng vậy. Đại đa số các trường hợp ma quỷ đều là do ấn tượng của người trong cuộc. Tôi biết có người đó đến ở một căn nhà lạ một mình, giữa đêm khuya ông ấy giật bật khỏi giấc ngủ vì có ai đang rên rỉ, cào cấu bên ngoài vách và gõ lộp cộp trên nóc nhà. Ông ấy cực kỳ sợ hãi chỉ nằm trùm mền chịu đựng không dám bước ra khỏi phòng. Khi trời sáng thì các tiếng động đó vẫn tiếp diễn. Tuy vậy, vì trời đã sáng nên ông có can đảm đi ra ngoài sân. Ông thấy trời đang gió mạnh (có lẽ bắt đầu từ nửa đêm sau khi ông đi ngủ) làm một cánh cửa sổ quên kài then kêu kót két nghe giống tiếng người rên, vài cành cây sát bên nhà đang đong đưa cọ vào vách, và những trái thông vẫn còn đang rơi lộp độp trên nóc nhà. Những hình ảnh ma quỷ kinh hãi đêm qua tự dưng biến mất dưới ánh sáng mặt trời mặc dù cùng một hiện tượng vẫn còn đang tiếp diễn.

Hỏi: Nhưng có nhiều trường hợp khác rõ rệt ngay trước mắt người ta.

Đáp: Có một hiện tượng tâm lý mà tiếng Anh gọi là “pareidolia” để diễn tả khuynh hướng của người ta thường hay gán đặt những ý nghĩa “quan trọng” lên những hình ảnh và tiếng động “bình thường”. Một thí dụ thông thường là nếu nhìn lên những đám mây trắng trên trời một lúc lâu đủ thì phần đông chúng ta có thể nhận ra những hình ảnh như con thỏ, con chim, mặt người, v.v. Một thí dụ nữa là nhiều người cho rằng khi lắng tai nghe thì họ có thể nhận ra được tiếng người nói lẫn trong tiếng nhiễu xạ (white noise) của một băng tần radio hay tivi nào đó. Hiện tượng tâm lý nầy thường được phóng đại lên trên ấn tượng của một người khi họ đang ở trong những khung cảnh “thích hợp”.

Hỏi: Anh muốn nói là một loại “tự kỷ ám thị”?

Đáp: Có thể nói như vậy. Thí dụ như khi nhìn ra bãi cây rậm trong bóng tối trong một đêm sương lạnh, sự kết hợp giữa bóng lá rung rinh dưới ánh trăng lờ mờ cùng hơi sương lãng đãng có thể làm người ta dễ dàng hình tượng ra một bóng trắng chập chờn sau những bụi cây.

Hỏi: Còn cách giải thích nào khác nữa về các hiện tượng ma quỷ?

Đáp: Nhiều người kể lại chuyện thấy thoáng bên ngoài góc mắt của họ một cái bóng di chuyển nhưng khi họ quay qua thì không thấy ai cả.  Hiện tượng nầy có thể được giải thích bằng việc những hình ảnh thu nhận từ các góc cạnh vừa ngoài tầm nhãn trường (peripheral vision) của một người có khi bị méo mó và không chính xác. Khi thần kinh đang căng thẳng hay mắt đang bị mỏi mệt thì sự kiện nầy càng dễ dàng xảy ra vì những tín hiệu từ mắt có thể được não bộ “phiên dịch” một cách rất lệch lạc.

Hỏi: Ngoài những lý do tâm sinh lý ở trên thì còn cách giải thích nào khác không?

Đáp: Chẳng hạn như khi các thềm lục địa di chuyển sẽ tạo ra các thay đổi khác thường trong địa từ trường trong những vùng lân cận. Khi địa từ trường thay đổi cường độ, nhiều bằng chứng cho thấy một số thú vật có thể cảm nhận được (thí dụ như thú rừng “di tản” ra khỏi vùng động đất trước khi biến cố đó xảy ra). Có người nhạy cảm hơn người khác trong phương diện nầy; có một số người có khi vì lý do gì đó trở thành nhạy cảm hơn bình thường. Sự nhạy cảm bất thường nầy có thể làm người ta “nghe” và “thấy” những hình ảnh và âm thanh lạ lùng đáng sợ hãi.

Hỏi: Còn gì nữa?

Đáp: Chẳng hạn như hình ảnh và tiếng động con người nghe thấy bình thường chỉ nằm trong một phạm vi nhỏ của toàn khoảng ánh sáng và âm thanh xảy ra trong thiên nhiên. Ngũ giác của con người không thể nghe thấy những ánh sáng và âm thanh với tần số cực nhỏ hay cực lớn. Một số các thú vật khác có thể. Đó là tại sao người ta nói “chó sủa ma” trong khi thật ra con chó chỉ phản ứng với những tiếng động tự nhiên chỉ có thính giác nhạy bén của nó nghe được. Tương tự như trường hợp trên, thỉnh thoảng có những người vì lý do gì đó mà họ trở thành tạm thời nhạy cảm hơn bình thường do đó khi bước vào một căn nhà hoang chẳng hạn họ có thể có những cảm giác kỳ lạ như tự nhiên bị hồi hộp, hay cực kỳ buồn thảm, hay rợn tóc gáy, hay cảm tưởng đang bị theo dõi hay chạm nhẹ vào da, v.v.

Hỏi: Thế còn cách giải thích về linh hồn là những khối năng lượng hiện hữu độc lập mang đặc tính cá thể của mỗi người lúc còn sống thì sao?

Đáp: Tuy tâm sinh lý và vật lý có thể giải thích đại đa số những trường hợp ma quỷ người ta kể lại, có một số trường hợp mà chúng không thể giải thích thỏa đáng được. Đó là khi có lẽ tôi phải dùng đến cái giả thuyết linh hồn kể trên. Như đã nói, giả thuyết nầy không hoàn toàn kiểm chứng được và do đó chỉ có thể dùng để tạm thời lấp đầy một khoảng trống trong những cách giải thích về ma quỷ mà không cần phải tận dụng đến những khái niệm thiêng liêng, huyền bí cung cấp bởi tôn giáo.