Bài 31: Tùy Duyên Hóa Độ

Không ai chối cãi được là những tệ nạn như cúng sao, giải hạn, trì chú, giải bùa, trừ ma, ếm quỷ, tụng kinh mướn, cầu Phật khẩn Trời cho buôn mau bán đắt, bái lạy hầu hạ tôn thờ tăng sư, v.v. đã và đang lan tràn sâu rộng ở hầu hết mọi tầng lớp của Phật Giáo từ bao lâu nay. Đại đa số Phật tử lẫn tăng ni đều tham dự ít nhiều vào những tệ nạn trên.

Khi hỏi tại sao không ai làm điều gì để chỉnh đốn Phật Giáo thì câu trả lời tôi thường gặp là "tùy duyên hóa độ". 

"Tùy duyên hóa độ" là một quan điểm cho rằng vì sự hiểu biết về Phật pháp của Phật tử còn kém cõi quá nên cần phải nương theo trình độ đương thời của họ để dần dần hướng dẫn họ theo con đường chính đạo. Nói cách khác, mặc dù biết rằng Phật tử đang hiểu đạo sai và hành đạo bậy nhưng vẫn không được bài bác họ để cho họ còn tiếp tục đến chùa đọc kinh, lạy Phật; và thà là như vậy vẫn còn tốt hơn là làm Phật tử nãn lòng rồi bỏ đạo hẳn.

Theo tôi thì câu "tùy duyên hóa đạo" dùng trong trường hợp nầy là một lối lý luận yếu ớt nếu được tuyên bố bởi một Phật tử, và là một cách ngụy biện tồi tệ nếu được phát biểu từ hàng tăng lữ.

Thứ nhất, nếu cho rằng "tùy duyên hóa độ" là một phương pháp thích ứng để truyền dạy Phật pháp thì nó cũng là một phương pháp không có hiệu quả gì cả. Bằng chứng là đại đa số Phật tử lẫn tăng sư ni từ bao nhiêu thế hệ nay đã, đang và vẫn còn lặn ngụp một cách rất hoan hĩ trong những tệ nạn càng ngày càng phát triển (và quái đản hơn) kể trên. 

Thứ hai, nếu ai cũng áp dụng lối "tùy duyên hóa độ" nầy thì ai sẽ là người hướng dẫn Phật tử theo con đường chính đạo? Và đành rằng cần phải làm chuyện nầy một cách "dần dần" (vì sợ Phật tử nãn lòng rồi bỏ đạo) nhưng bao giờ mới bắt đầu? Tại sao lời giảng dạy lẫn hành vi của hầu như tất cả các tăng sư ni mà tôi biết và đã tiếp xúc qua đều có vẻ tích cực góp phần bành trướng các tệ nạn trên thay vì ngược lại? Tại sao tôi có quá nhiều lý do để tin rằng chính các tăng sư ni nầy cũng không nhận định được là họ đang hiểu đạo sai và hành đạo bậy?

Thứ ba, thế thì vì cho rằng một số Phật tử không có khả năng hiểu nổi ý nghĩa thâm sâu thật sự của Phật pháp nên cứ phải tiếp tục truyền dạy những điều sai bậy cho tất cả mọi người? Thế còn những Phật tử có khả năng thấu hiểu (và đáng lẽ được truyền dạy Phật pháp thật sự) nhưng lại bị nhồi vào óc ngay từ lúc ban đầu với những giáo lý rác rưởi thì sao? 

Thứ tư, nếu cho rằng đừng bài bác những tệ nạn trên vì dù sao chúng cũng đem lại niềm tin cho Phật tử để họ tu tâm dưỡng tánh cũng như tìm được sự thanh thản trong tâm hồn thì có khác gì với chủ trương ủng hộ kẻ nghiện tiếp tục sử dụng ma túy vì họ sẽ bớt quậy phá người chung quanh hay vì họ có thể tìm được cảm giác an lành, khoái lạc cho chính họ? 

Sau chót, vấn đề lợi nhuận (từ cúng dường của Phật tử) cho mỗi chùa chắc chắn là một lý do không nhỏ để các hòa thượng trụ trì muốn ôm ấp mãi cái phương cách "tùy duyên hóa độ" nầy. Cũng vậy, họ dùng lý do "Nếu không có chùa đẹp, tượng to thì Phật tử không đến. Nếu không có Phật tử đến chùa thì làm sao có tiền để xây cất, phát triển và làm sao Phật tử có cơ hội để tiếp tục học đạo?" Tiếp tục học đạo hay tiếp tục học các tệ nạn đó? Tiếp tục học đạo hay tiếp tục cúng dường cho các tăng sư?

Theo tôi, còn người chủ trương "tùy duyên hóa độ" theo lối nầy thì Phật Giáo còn sa đắm trong những tệ nạn trên và còn bị nhận diện như một tôn giáo dung thứ mê tín dị đoan. 

Bài 30: Ích Lợi gì?

Có người hỏi tôi rằng nếu tôn giáo và tín ngưỡng thật sự là nhu cầu cần thiết để trấn an và giúp đỡ con người vượt qua những gian lao, khó nhọc, đau khổ trong đời sống thì việc cố gắng giải nghĩa để cho họ nhận biết rằng Thiên Đàng hay Niết Bàn chỉ là ảo tưởng sẽ mang lại ích lợi gì?

Tôi đồng ý rằng có nhiều trường hợp thì tốt nhất là người trong cuộc cứ tiếp tục sống với những ảo tưởng về Thiên Đàng hay Niết Bàn của họ. Có khi là vì dù gì đi nữa họ cũng không có đủ kiến thức và khả năng suy luận để nhận hiểu được các ý tưởng phức tạp hơn. Có khi là vì nếu lấy đi những ảo tưởng trên thì họ có thể sẽ không chịu đựng nổi những khổ đau, khốn cùng trong cuộc đời họ. v.v. 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì sự nhận thức về bản chất thật của tôn giáo và tín ngưỡng có thể giúp nhiều người khỏi bị kẻ khác lợi dụng, hăm dọa, điều khiển hay tránh phải chịu đựng những nỗi sợ hãi vô căn cứ và không cần thiết. 

Thí dụ như khi: 1/ thầy cúng khuyên dụ gia đình tang gia phải trai đàn cúng tụng rườm rà, thỉnh bùa trì chú vì người thân chết phải “giờ trùng” (nếu không thì trong gia đình sẽ có người bị “kéo” chết theo liên tục); 2/ thầy chùa diễn giải việc tôn trọng Phật Pháp Tăng có nghĩa là Phật tử phải cung phụng, hầu hạ, bái lạy, cúng dường tăng sư nếu muốn được phước, 3/ cha xứ răn đe nếu thủ dâm thì sẽ bị Chúa Trời phạt làm mù mắt; 4/ giáo hội kết án những kẻ đồng tính luyến ái là dơ bẩn, bệnh hoạn và sẽ bị cấm vào cửa Thiên Đàng. Nếu một người nhận thức được bản chất thật sự của tôn giáo là gì thì họ sẽ không bị ảnh hưởng bời những chuyện trên.

Nói chung là có hai sự lựa chọn: 1/ Hoặc là được sống an lành với những ảo tưởng mơ hồ của Thiên Đàng hay Niết Bàn ngày sau mặc dù có thể bị lường gạt, lợi dụng, điều khiển bởi kẻ khác; 2/ Hoặc là tránh khỏi bị lường gạt, lợi dụng, điều khiển bởi kẻ khác nhưng phải đối đầu với thực tế phủ phàng là không có Thượng Đế hay Trời Phật gì phò hộ hay cứu rỗi cả. 

Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng của họ.

Bài 29: Một Mình Đơn Độc


Hỏi: Theo anh thì không có Phật Chúa Thánh Thần gì có thể phò hộ, cứu rỗi hay thay đổi vận mạng của ai hết?

Đáp: Đúng vậy, cho đến ngày nay tôi vẫn chưa thấy bằng chứng nào làm cho tôi tin điều nầy cả.

Hỏi: Nhưng tín đồ có niềm tin (trong đạo Phật) hay đức tin (trong đạo Chúa) của họ. Họ không cần bằng chứng gì cả, kinh sách nói làm sao thì họ tin như vậy.

Đáp: Tôi sẽ nói về “đức tin” trong Thiên Chúa Giáo vào một dịp khác. Nói về đạo Phật thì tôi biết trong kinh sách nói Phật có dạy đại loại rằng “Đừng chấp nhận những giáo lý ta truyền dạy một cách đương nhiên mà hảy dùng sự suy nghĩ và kiến thức bản thân để tự kiểm nghiệm và đánh giá chúng”. Do đó Phật tử nào chỉ tin vô điều kiện và không tự tìm bằng chứng để kiểm nhận niềm tin của mình là không hành đạo đúng theo lời Phật dạy.

Hỏi: Một người sùng đạo triệt để tin rằng có đấng thiêng liêng phù hộ họ trong cơn hiểm nguy hay cứu độ họ sau khi họ chết. Thí dụ như anh có thể thuyết phục họ từ bỏ niềm tin trên để nhận định được rằng chỉ có một mình họ đứng đơn độc giữa vũ trụ bao la trong (và sau) cuộc đời nầy đi nữa, anh có nghĩ rằng anh làm cho họ sẽ được hạnh phúc, sung sướng hơn không?

Đáp: Cái khái niệm rằng mỗi người đứng một mình đơn độc giữa vũ trụ bao la trong cuộc đời nầy và sau cuộc đời nầy (nếu còn hiện hữu) có thể rất đáng sợ hãi đối với những người xưa nay quen lệ thuộc vào các đấng thiêng liêng để che chở. Tuy vậy, cái khái niệm nầy cũng có thể đem đến sự độc lập và sức mạnh của một người nhận thức được rằng không có huyền lực nào hiện hữu để tưởng thưởng hay trừng phạt mình. (Như đã nói, quan điểm nầy cũng hiện diện trong lý thuyết Phật Giáo khi nói về cách tu học trên con đường giải thoát). Với quan niệm nầy, nếu tôi chủ tâm làm một việc gì trên đời thì đó là vì tôi lựa chọn và muốn làm điều đó cho chính tôi chớ không phải vì hy vọng một phần thưởng hay e sợ một hình phạt gì cả về sau. Đối với tôi đó là một niềm tự hào và một hạnh phúc không nhỏ.

Hỏi: Nhưng trên con đường đời và con đường tìm học đạo gian nan mà không có sức mạnh vô hình nào hỗ trợ thì khó khăn quá!

Đáp: Đó là tại sao người ta không thể, và không dám, chấp nhận cái khái niệm rằng không có sức mạnh vô hình nào hỗ trợ cho ai cả. Đó là tại sao rất khó tu và hành theo đúng như giáo lý Phật Giáo. Đó là tại sao vô số Phật tử dù có hiểu biết thuyết Phật bao nhiêu đi nữa thì vẫn cứ cúng bái cầu xin. Và đó cũng là một lý do lớn tại sao Thiên Chúa Giáo dễ bành trướng mau chóng trên khắp thế giới.

Bải 28: Tiêu Chuẩn để Phê Phán

Hỏi: Anh dựa vào tiêu chuẩn nào khi phê phán rằng những người dựa trên đức tin để biện hộ cho tôn giáo họ là “sai”?
 
Đáp: Tôi dùng cùng chung một tiêu chuẩn mà những người nầy vẫn dùng hàng ngày cho mọi sự việc, trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống họ. Họ và tôi đều cùng dùng lý trí kết hợp với kiến thức khoa học và nguyên tắc lý luận cơ bản để suy xét, phân tích, kiểm chứng, so sánh, v.v trước khi đi đến bất cứ kết luận hay quyết định gì trong bất cứ lãnh vực gì liên quan đến từ vấn đề giao dịch, thương mãi, đầu tư cho đến các vấn đề sinh hoạt, vật chất lẫn tinh thần như ăn mặc, mua sắm, đi đứng, giao thiệp, hôn nhân, giáo dục, văn hóa, giải trí, v.v. và v.v.  Ngoại trừ lãnh vực tín ngưỡng, khi mà họ loại bỏ tất cả các phương tiện suy luận khác để thay thế bằng khái niệm “đức tin”.

Bài 27: Nửa Ly Nước Lưng


Có người cho rằng tôn giáo đem đến vô số điều thiện mỹ, tốt đẹp cho đời sống con người. Họ bất mãn khi thấy tôi chỉ trích, phê bình về những mặt tiêu cực của tôn giáo.

Tôi không phủ nhận những mặt tích cực của tôn giáo đối với con người. Tôi nhìn nhận rằng hễ con người còn tồn tại thì tôn giáo còn tồn tại. Khi phê bình về tôn giáo, tôi chỉ muốn phân tích, dẫn chứng và trình bày những ảnh hưởng tệ hại của tôn giáo lên xã hội và cá nhân. 

Có nhiều người không muốn nghe ai nhắc đến những ảnh hưởng tệ hại nầy. Họ tìm đủ cách để quên lảng hay dấu diếm chúng. Ngay cả khi không thể tránh né được những điều tệ hại nầy, họ cũng sẽ đưa ra đủ lý do để bào chữa cho chúng.

Nhiều người cho là tôi có mưu đồ hay mục đích xấu khi thấy tôi bỏ công sức ra phê bình về tôn giáo. Nhất là khi tôi chỉ trích Thiên Chúa Giáo, không ít người gán tội tôi là làm việc cho Cộng Sản.

Có thể tôi là một người nhìn thấy nửa ly nước lưng. Tôi không có vấn đề gì với những người nhìn thấy nửa ly nước đầy. Tôi chỉ có vấn đề với những người nằng nặc cho rằng ly nước không hề lưng.

Bài 26: Tự Ti

Theo nhiều người thì:

-        Tín ngưỡng là niềm tin chỉ dựa trên trực giác và không cần lý giải theo phương pháp khoa học.

-        Tín ngưỡng là một dạng nhận thức chủ quan đặc biệt, làm cho người ta thấy họ có thể nhận thức được những sự vật mà người không có tín ngưỡng sẽ không nhận thức được.

-        Tín ngưỡng mang những yếu tố liên quan đến thế giới vô hình và những sự kiện siêu nhiên. Tuy vậy, tín ngưỡng có thể chi phối hay tác động ngược trở lại vào cuộc sống của con người và mang đến họ những sức mạnh đặc biệt với cảm giác “thăng hoa”. 

Phần đông tín đồ tôn giáo – kể cả những người có “đức tin” nhưng không thuộc vào một tôn giáo nào cả - cũng đồng ý với các điểm trên về “tín ngưỡng”.

Theo tôi thì tín ngưỡng là một trong những nhu cầu tự nhiên xuất phát từ bản năng sinh tồn của con người. Nói một cách khác tín ngưỡng do con người tưởng tượng và sáng tạo ra.

Nhiều tín đồ tôn giáo cho rằng quan điểm trên chỉ là một giả thuyết.

Cũng những người nầy khẳng định rằng “tín ngưỡng là quà tặng từ đấng thiêng liêng để con người có thể chiêm nghiệm và cảm nhận sự mầu nhiệm trong vũ trụ” (hay những câu tương tự). Họ không cho quan điểm nầy là một giả thuyết. Họ dựa trên niềm tin (hay “đức tin”) của họ và cho rằng đây là một sự thật không cần kiểm chứng hay chất vấn.

Tín đồ Thiên Chúa Giáo còn đi thêm một bước nữa, họ cho rằng “tín ngưỡng là quà tặng từ Đấng Tạo Hóa để con người có thể chiêm nghiệm và cảm nhận sự mầu nhiệm trong những sáng tạo tuyệt diệu của Ngài” (hay những câu tương tự). Nói cách khác, họ cho rằng Thượng Đế của họ tạo ra cho con người sự tín ngưỡng để họ có thể tôn thờ Ngài.

Nếu người ta nói “thần dân tự ti sẽ tạo ra lãnh chúa tự tôn” thì trong trường hợp những tôn giáo độc thần, những con người cực kỳ tự ti đã sáng tạo ra những thượng đế cực kỳ tự tôn.

Bài 25: Vô Thần


Nhiều người, kể cả Phật tử, có ác cảm với chữ “vô thần”.
 
Họ cho rằng những người không tin hay không sợ Trời, Phật, Chúa thường có một đời sống thiếu khuôn khổ đạo đức (chưa kể là họ cũng sẽ chẳng được ai cứu rỗi, phò hộ trong lúc nguy nan).

Nếu họ dùng chữ “vô thần” theo đúng nghĩa của nó (“vô thần” = không tin vào sự hiện hữu của thượng đế hay thần linh) thì họ đã quên rằng đạo Phật cũng là một tôn giáo vô thần.

Theo kinh sách, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng ông chỉ là một người thầy, một kẻ đi trước dẫn đường. Trong Phật giáo, Thích Ca Mâu Ni là một giáo chủ chớ không phải là một Đấng Sáng Tạo. “Phật” chỉ là một tước vị của một người đã “giác ngộ”. Bất cứ ai cũng có thể thành Phật cả. Theo Phật Giáo, có hằng hà sa số thế giới bất sinh bất diệt, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm chấm dứt, và cũng không thuộc dưới quyền sinh sát đời đời của ai cả.

Vì vậy, tất cả tín đồ của thuyết Phật thuần túy đều, theo định nghĩa, là những người “vô thần”. 

Bài 24: Chủ Nhân hay Nô Lệ?

Như đã biện chứng ở trên, tín ngưỡng không có gì là thiêng liêng cả. Tín ngưỡng chỉ là một nhu cầu cần thiết cho con người và là một sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa của loài người. Nhu cầu tín ngưỡng xuất phát từ kiến thức và khả năng hạn hẹp của con người đứng trước vũ trụ bao la. Có vô số sự việc con người không thể giải thích, giải quyết hay điều khiển, kiểm soát được. Những sự việc nầy được con người khoác những chiếc áo gọi là “huyền bí”. Khi kiến thức và khả năng kỹ thuật của con người phát triển lên, chiếc áo huyền bí của một số các sự việc đã dần dần được lột bỏ xuống; tuy nhiên vẫn còn vô số những bí ẩn khác trong vũ trụ mà con người vẫn chưa, và có thể không bao giờ, chinh phục được.

Theo sau tín ngưỡng, tôn giáo là một sản phẩm của con người chế tạo ra để đáp ứng với nhu cầu nầy. Tôn giáo chỉ là một số tín ngưỡng được hệ thống hóa và được một số đông người tin theo. Vì tín ngưỡng không có gì là thiêng liêng cả, tôn giáo do đó cũng không có gì thiêng liêng cả.

Tất cả những gì liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo được gọi là thuộc về lãnh vực tâm linh. Lãnh vực tâm linh do đó cũng không có gì là thiêng liêng cả. 

Như đã giải thích ở trên, lãnh vực tâm linh bao gồm những vấn đề trong vũ trụ mà con người chưa thấu hiểu được. Tính chất “bí ẩn” cộng với lớp áo mang nhãn hiệu “huyền bí” của những vấn đề nầy đem đến cho chúng một giá trị đặc biệt trong cấu trúc tâm lý của con người. Trên diễn đài tri thức, họ có khuynh hướng biệt đãi những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh: họ cho phép chúng được quyền đứng ngoài vòng cương tỏa của lý trí (của chính họ) trong bất cứ sự suy luận nào; đặc biệt là trong những sự suy luận mà các sự việc tâm linh huyền bí nầy có nguy cơ bị cho là “phản lý luận” hay “vô căn cứ”. 

Lý do chính của hiện tượng nầy là vì trong lãnh vực tâm linh có những yếu tố đem lại cho họ cái cảm giác an lành vì được che chở, bảo bọc và sinh tồn trong đời sống hiện tại cũng như sau khi họ nhắm mắt. Con người cần phải bảo vệ những yếu tố nầy, và luôn cả mọi thứ khác trong lãnh vực tâm linh, với bất cứ mọi giá mỗi khi chúng bị lôi ra phán xét trước ánh sáng của lý luận (ngay cả của chính họ). Họ dùng những câu như “đây là một vấn đề tâm linh nên không thể dùng lý trí để phán xét được” hay “ngôn ngữ của lý trí và lý luận không thể nào áp dụng được trong vấn đề tâm linh” hay “không thể có cái nhìn khách quan hoặc đánh giá từ bên ngoài để luận bàn về chuyện tâm linh” với người khác cũng như với chính họ.

Phải chi họ nhớ được rằng tất cả mọi thứ trong lãnh vực tâm linh (kể cả tín ngưỡng và tôn giáo) đều chỉ là những sản phẩm của họ tự chế tạo ra nhằm để cố trấn an chính họ trước sự vô tình, vô nhân tính, vô thiên vị đến độ tàn nhẫn của vũ trụ. Chúng có những giá trị ích lợi của chúng, nhưng vì con người không nhớ hay nhận biết được bản chất thật sự của các sản phẩm tâm linh nầy nên họ thay vì là chủ nhân lại trở thành nô lệ của chúng.

Bài 23: Vô Ý Thức và Vô Trách Nhiệm

Có những người cho rằng những chuyện thờ cúng rườm rà, lọng đón, chuông đưa, khẩn cầu Trời Phật, bái lạy tăng sư, đúc tượng, phóng sinh, v.v. thường thấy ở các chùa chiềng chỉ là đặc thù của Phật giáo khi tín đồ nghĩ là họ làm như thế để biểu hiện lòng tin của họ ngoài xã hội, chốn đông người; và vì thế thì không ai nên chấp nhất mà phê bình, chỉ trích họ làm gì nhất là khi những việc làm trên của họ tuy không đúng với thuyết Phật dạy nhưng cũng không làm hại đến ai cả.

Trước nhất, những người đó không thấy rằng chuyện hành đạo trái hẳn với thuyết Phật dạy như vậy thật ra có tác dụng làm hư hoại chính họ và hư hoại cả hệ thống triết lý, tư tưởng của Phật Giáo. Những chuyện làm nầy tạo ra cơ hội để các tăng sư gian tham mưu danh cầu lợi dễ dàng, làm cho Phật tử càng ngày càng ngu muội hơn cũng như hao công tốn của mà không được lợi ích gì cho quá trình phát triển tâm linh thật sự của họ cả.

Thứ hai, chính cách suy nghĩ và thái độ trên đã gián tiếp dung dưỡng để các điều sai trái trên tiếp diễn và bành trướng mãi trong Phật Giáo.

Có câu nói đại loại là “thấy việc đúng mà không làm thì cũng tệ hại không thua gì thấy việc sai mà không ngăn cản”. Trong trường hợp nầy, có lẽ là trong một ngày một buổi không ai có thể ngăn cản hay phản đối được những thói tục sai lầm đã được chấp nhận và áp dụng qua vô số thế hệ trong Phật Giáo như vậy. Tôi không là một Phật tử nên tôi có thể đứng từ xa ở vị thế khán giả lẫn giám khảo để phê phán, chỉ trích mà thôi. Tưởng nghĩ các Phật tử chân chính cần phải làm gì thiết thực hơn cho chính họ và tôn giáo của họ. Ít nhất là họ không nên núp bóng sau các luận điệu như “Phật dạy không được phê phán ai” (hay những câu tương tự) nữa. Họ cần phải lên tiếng công khai bài bát các hủ thói tệ hại trên. 

Những Phật tử hiểu biết nhưng không làm gì hết chỉ có thể được xem là những người vô ý thức và vô trách nhiệm.

Bài 22: Vài So Sánh

Hỏi: Anh có cho rằng Phật Giáo “tốt” hơn Thiên Chúa Giáo? 
 
Đáp: Cả hai đều dạy về một số những điều “thiện” cho con người. Tuy vậy, lý thuyết Phật Giáo không dựa trên nguyên tắc “hăm dọa và tưởng thưởng”, cũng không chủ trương đàn áp và tiêu diệt tất cả niềm tín ngưỡng và tôn giáo khác. Nói chung thì những khái niệm trong lý thuyết Phật Giáo thường thâm sâu, phức tạp đến độ khó hiểu trong khi lý thuyết Thiên Chúa Giáo rất đơn giản, thô sơ đến độ ngây ngô. Phật Giáo còn là một tôn giáo hiếu hòa trong khi Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo cực đoan.

Hỏi: Từ đâu mà anh cho rằng lý thuyết Phật Giáo thâm sâu, phức tạp đến độ khó hiểu trong khi lý thuyết Thiên Chúa Giáo đơn giản, thô sơ đến độ ngây ngô?

Đáp: Lấy một thí dụ về phương cách giải thoát hay con đường cứu rỗi. Thuyết Phật nói về những quan niệm “vô ngã”, “vô thường”, “nhân quả”, “luân hồi”, “ngủ uẩn”, v.v. đi kèm theo cùng phương cách giải thoát khi nhận thức được “tứ diệu đế” và thực hành “bát chính đạo”, v.v. Những quan niệm trên vì quá trừu tượng nên thường được diễn giải ra thành thiên hình vạn trạng và nhiều người không  hiểu rõ chúng muốn nói gì. Trong khi đó con đường cứu rỗi của Thiên Chúa Giáo có thể tóm gọn lại trong một điều kiện giản dị là “chỉ cần thần phục và tôn vinh Thiên Chúa”.

Hỏi: Một thí dụ khác nữa?

Đáp: Giáo lý Phật Giáo khuyên tín đồ không nên chấp nhận những lời giảng dạy lý thuyết về Phật pháp từ tăng sư mà hãy tự suy ngẫm, tìm tòi và dùng kinh nghiệm bản thân để cảm nhận. Nếu làm theo đúng lời khuyên nầy thì đây là một quá trình khó nhọc, tốn nhiều công sức và thời gian. Trong khi đó giáo lý Thiên Chúa Giáo chỉ đòi hỏi tín đồ tin những gì rao truyền trong Kinh Thánh một cách vô điều kiện là đủ.

Hỏi: Xin anh cho một thí dụ về Phật Giáo hiếu hòa và Thiên Chúa Giáo cực đoan.

Đáp: Một thí dụ về sự cuồng tín trong Phật Giáo: một số Phật tử áp dụng khái niệm từ bi và thuyết cấm sát sinh của Phật Giáo bằng những cách buồn cười như tránh bước đi trên cỏ vì sợ đạp phải các con giun kiến sâu bọ, đeo mặt nạ khi ra đường ban đêm để tránh hít phải các côn trùng có cánh, v.v. Rất ít khi (tuy không phải không có) Phật tử giết hại người khác chỉ để truyền bá hay bảo vệ tôn giáo của họ như trong vô số trường hợp một số tín đồ cuồng tín trong Thiên Chúa Giáo đã làm.

Bài 21: Vài Quan Điểm về Thiên Chúa Giáo

Hỏi: Anh nghĩ gì về Thiên Chúa Giáo?
 
Đáp: Tôi có rất nhiều vấn đề với Thiên Chúa Giáo, lý thuyết lẫn thực hành. 

Hỏi: Xin anh đưa ra 3 vấn đề chính.

Đáp: Thứ nhất, giáo lý nền tảng Thiên Chúa Giáo dựa trên nguyên tắc “hăm dọa và tưởng thưởng”: không tôn thờ Chúa Trời thì sẽ bị lưu đày mãi mãi trong hỏa ngục, tôn thờ Chúa Trời sẽ được lên thiên đàng sống đời đời. Rõ ràng đây chỉ là một phản ảnh trực tiếp của tiêu chuẩn hành sử của con người với con người trong giai đoạn khi nhân loại tập tễnh sống chung với nhau trong những xã hội sơ khai. Nói về giá trị tinh thần thì giáo lý dựa trên nguyên lý nầy không dẫn đến đạo đức: nếu một người làm những việc thiện trong đời họ chỉ vì các lời hứa hẹn (hăm dọa hay tưởng thưởng) nầy thì chẳng qua họ chỉ làm cho chính họ (vị kỷ) chớ không vì ai khác (vị tha) gì cả.

Hỏi: Và vấn đề gì nữa?

Đáp: Thứ hai, giáo lý nền tảng Thiên Chúa Giáo chủ trương đàn áp và tiêu diệt tất cả niềm tín ngưỡng và tôn giáo khác. Một lần nữa, nói về giá trị tinh thần thì giáo điều nầy không mang một giá trị đạo đức gì cả.

Hỏi: Và vấn đề thứ ba?

Đáp: Thứ ba, hầu như tất cả hoạt động (tín ngưỡng lẫn nhân văn, xã hội) của Thiên Chúa Giáo đều nằm hoàn toàn dưới sự điều khiển của một tổ chức chặt chẽ, nhiều quyền lực và đầy những phần tử tham quyền cố vị chỉ lo toan cho lợi ích riêng của họ là Tòa Thánh Vatican. Thiên Chúa Giáo là một trong vài tôn giáo hiện đang phát triển nhất trên thế giới. Tòa Thánh do đó đứng ở một vị thế chính trị cực kỳ mạnh mẽ. Khi Tòa Thánh áp đặt các giáo điều cổ hủ dựa trên đức tin mù quáng của họ lên quan điểm và đường lối điều hành của các quốc gia mà đa số giới cầm quyền thiên về Thiên Chúa Giáo, đời sống hàng ngày của con người bị ảnh hưởng không nhỏ.

Bài 20: Dòng Suối

Hỏi: Anh có biết rằng bất kể anh nói gì hay giải thích gì đi nữa thì những tín đồ sùng đạo triệt để cũng sẽ vẫn bác bỏ các lý luận của anh để bênh vực tôn giáo của họ và tin những gì họ muốn tin?

Đáp: Tôi biết điều đó. Tuy nhiên, tôi xin thú thật là tôi không quan tâm gì mấy đến những tín đồ sùng đạo triệt để của bất cứ tôn giáo nào. Mỗi người đều có con đường đi riêng của mình. Tôi không có ý định, không muốn và không có kiên nhẫn để đứng ra đóng vai Cứu Thế hay Bồ Tát cho ai cả. 

Hỏi: Thế thì anh không nghĩ sẽ làm thay đổi hay cải tiến gì cả khi phê bình, chỉ trích các vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo à?

Đáp: Thật sự là tôi có khi nghĩ đến những người đã có những nghi ngờ, đã nhận thấy những khuyết điểm trầm trọng trong tôn giáo của họ và còn đang ngần ngại không biết phải nghĩ gì hay làm gì. Khi đọc qua những quan điểm của tôi thì họ có thể sẽ củng cố thêm được cái nhìn của họ và tự đi đến những kết luận riêng cho chính họ. Tuy nhiên, đây cũng không phải là mục đích chính của tôi. Nếu họ muốn thì họ phải tự bước tới về hướng đi mà họ lựa chọn. Tôi có thể chỉ hướng đến dòng suối chớ không thể uống nước giùm ai được.

Bài 19: Sai Lầm và Hư Hoại

Hỏi: Anh nghĩ rằng phần đông Phật tử ngày nay đều mê tín dị đoan và phần đông chùa chiềng sư sãi đều mưu lợi cầu danh cả?

Đáp: Đúng vậy. Tuy tôi không có dữ kiện đầy đủ để đưa ra con số chính xác nhưng tôi tin rằng đa số Phật tử và tăng sư nằm trong thành phần nầy.

Hỏi: Anh nghĩ gì về cách truyền dạy Phật Giáo ngày nay?

Đáp: Cũng giống như các tôn giáo khác, Phật tử dựa vào giới tăng lữ để truyền giảng Phật pháp. Giới tăng lữ cũng đóng vai trò lãnh đạo trong việc xác định và phổ biến các quy luật từ việc nghi lễ, cúng bái cho đến tiêu chuẩn đúng sai, xấu tốt lẫn phong cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Thế mà qua không biết bao nhiêu thế hệ nay, vô số (mặc dù không phải tất cả) tăng sư qua lời nói và hành động của họ đã bóp méo lý thuyết Phật pháp cơ bản và truyền dạy những điều mà theo tôi chỉ đáng liệt vào sai lầm và mê tín dị đoan. 

Hỏi: Xin anh cho một thí dụ.

Đáp: Một thí dụ tiêu biểu và quảng bá rộng rãi nhất là quan niệm nếu tụng niệm bao nhiêu hồi kinh gì đó, cầu thỉnh hình tượng Phật gì đó đem về nhà thờ, cúng dường bao nhiêu tiền hay xây cất trùng tu chùa miếu gì đó, v.v. thì sẽ được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm, tình duyên thuận lợi, v.v. Đây là một cách mà luật Nhân Quả đã và đang được diễn giảng và truyền bá lan tràn trong Phật giáo. Đây cũng là lý do chính tại sao vô số Phật tử đến chùa trong những ngày rằm hay đầu năm xì xụp bái lạy trước các hình tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Hỏi: Nhưng Phật tử làm những điều đó thì đã có hại đến ai đâu?

Đáp: Tuy không trực tiếp làm hại đến ai nhưng 1/ cách diễn giải sai lầm về luật Nhân Quả nầy đi ngược hẳn với thuyết Phật (“tự mỗi người phải hành đạo để tự giải thoát mình vì không ai, kể cả Phật, có thể cứu độ ai khác được”) và 2/ nó dẫn đến những phương cách hành đạo kỳ hoặc. Thí dụ như nhiều Phật Tử được dạy rằng khi “cúng dường” (có nghĩa là “trả tiền”) cho người khác tụng kinh thì họ cũng được phước giống như tự họ tụng kinh. Vì vậy nhiều người tuy muốn có phước nhưng vì không có thời giờ, hay kiên nhẫn, tụng kinh nên thường “cúng dường” cho các tăng sư để tụng kinh thay thế giùm họ. 

Hỏi: Cũng vậy, điều nầy tuy có sai lầm nhưng không làm hại đến ai cả.

Đáp: Những quan niệm loại nầy làm hư hoại cả đạo lý lẫn hành giả của Phật Giáo: trong những năm gần đây, phương cách hành đạo kỳ hoặc vừa kể trên đã bước thêm bước nữa để trở thành quái đản: nhiều vị tăng sư dùng thời giờ rảnh rỗi để tụng sẵn trước những tạng kinh “thịnh hành”; họ ghi sổ cẩn thận số lần họ đã tụng các tạng kinh nầy; đến khi Phật tử nào cần thí dụ như 120 thời kinh Pháp Hoa chẳng hạn thì họ chỉ cần trả một số tiền đã quy định trước cho một vị tăng sư rồi vị nầy sẽ “hồi hướng” 120 thời kinh Pháp Hoa (mà ông đã tụng) qua cho Phật tử trên. Vị tăng sư nầy rồi sẽ xóa bỏ 120 thời kinh Pháp Hoa ra khỏi danh sách lưu trữ của ông. Nói cách khác, việc tụng kinh trả tiền đã phổ biến thành một hệ thống kinh doanh có quy củ, bài bản hẵn hòi.

Hỏi: Nói tóm lại về Phật Giáo?

Đáp: Nói chung tuy tôi không hoàn toàn chấp nhận một số lý thuyết Phật Giáo (lý do chính là chúng quá tổng quát, mơ hồ và không thể chứng nghiệm), nhưng tôi cũng không chống đối chúng quyết liệt (lý do chính là một số của chúng có phần khá tương đồng với kiến thức và giả thuyết khoa học hiện tại). Tuy vậy, những sự việc tệ hại kể trên chỉ là vài thí dụ tiêu biểu của vô số những sự việc tương tự khác phổ biến trong Phật Giáo.  Phần lớn Phật tử, kể cả giới tăng lữ, vì thiếu hiểu biết (và vì lòng tham của họ) nên đã diễn giải sai lạc và áp dụng, thực hành thuyết Phật một cách mê muội. Dù muốn dù không, Phật Giáo được nhận diện và đánh giá dựa trên những hành động  và nhận thức của Phật tử. Những sự việc tệ hại trên có thể đã bắt đầu xảy ra ngay từ lúc Phật Giáo mới thành hình; chúng đang thịnh hành ngày nay và hầu như chắc chắn chúng sẽ tiếp tục xảy ra cho đến ngày Phật Giáo tàn lụn.

Bài 18: Vài Phương Cách Thực Hành trong Phật Giáo

Hỏi: Anh nói phương cách thực hành của Phật Giáo trong xã hội có nhiều điều cần được lưu ý?

Đáp: Thí dụ, nhìn vào hiện tượng cầu khẩn, cầu sao, cúng hạn, bói toán, xủ quẻ, xem phong thủy, bùa chú, v.v. phổ biến lan tràn ở đa số những chùa chiềng khắp nơi trong ngoài nước, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn đạo Phật ngày nay đã bị nhuộm bẩn bởi mê tín dị đoan.  

Hỏi: Thí dụ khác?

Đáp: Tương tự, nhìn vào các bảng tuyên dương công đức, sổ vàng cúng dường chiếm ngữ ngay tiền sảnh các chùa miếu cùng với việc các “thầy” chú trọng vào việc gây quỹ để tranh nhau xây cất chùa lộng lẫy huy hoàng, dựng tượng Phật to lớn vĩ đại, v.v, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn đạo Phật ngày nay đã bị lạm dụng để biến thành một phương pháp mưu lợi cầu danh.

Hỏi: Có người sẽ cho là là vì anh không hiểu thuyết Phật nên mới kết luận như vậy. Họ có thể sẽ khuyên anh nên tìm học những lời Phật dạy là gì, và ý nghĩa cũng như cách áp dụng những lời dạy nầy vào đời sống Phật tử ra sao. 

Đáp: Tôi không nói về lý thuyết cơ bản của Phật Giáo. Ở đây khi tôi đang nói về cái Phật Giáo đang được vô số (mặc dù không phải tất cả) Phật tử tin, áp dụng và thực hành ngày nay.

Hỏi: Có thể nào dựa trên sự hiểu biết và cách thực hành của một số Phật tử để đánh giá Phật Giáo hay không?

Đáp: Trong ngôn ngữ thỉnh thoảng có những từ ngữ mới được đặt ra bởi ai đó; nếu các từ ngữ mới nầy được nhiều người hiểu, dùng và phổ biến sâu rộng thì chúng sẽ trở thành một phần của ngôn ngữ đó; nếu ít ai dùng đến thì chúng sẽ dần dần biến mất đi. Trong ngôn ngữ cũng thường có nhiều từ ngữ mà ý nghĩa nguyên thủy của chúng được thay đổi dần theo thời gian và bối cảnh xã hội; nếu đủ số người hiểu và dùng chúng theo cách mới thì chúng sẽ dần dần chính thức mang những ý nghĩa mới. Ngôn ngữ nào cũng dần dần được biến đổi đi vì những chữ mới như vậy. Tiếng Việt sau 1975 không còn giống tiếng Việt trước 1975 nữa. Một người sống ở hải ngoại nhiều năm trở về Việt Nam sẽ có lắm khi không hiểu người trong nước nói gì. Chính vì cách thức xử dụng những từ ngữ “mới lạ” bởi một số đông người đã làm cho tiếng Việt trong nước khác đi nhiều. Tôn giáo cũng tương tự như ngôn ngữ. Ý nghĩa và đặc thù của mỗi tôn giáo được xác định và biến đổi bởi những gì số đông tín đồ hiểu biết, nhìn nhận và thực hành.

Hỏi: Nhưng những điều anh diễn tả ở trên đều chỉ là những sự kiện và hiện tượng mà anh thấy về Phật Giáo chớ không phải là bản chất thật sự của Phật Giáo.

Đáp: Đúng vậy. Một lần nữa, tôi xin nhắc rõ lại là tôi không nói về lý thuyết hay bản chất thật sự của Phật pháp. Tôi chỉ đang nói về cái lý thuyết và bản chất của cái Phật Giáo mà đa số Phật tử nhận biết và thực hành. Bất kể kinh sách hay lời Phật có thật sự truyền dạy ra sao đi nữa, chỉ có cái hình thức của đạo Phật mà đa số Phật tử đang hiểu và hành là cái đạo Phật được mọi người nhận diện, và cũng là cái đạo Phật mà tôi đánh giá.

Bài 17: Luật hay Giả Thuyết?

Hỏi: Anh nói anh không có vấn đề gì nhiều với lý thuyết Phật Giáo, như vậy có phải anh hàm ý là anh có một vài vấn đề gì đó?

Đáp: Đúng là tôi có vài vấn đề với một số khái niệm cơ bản của Phật Giáo.

Hỏi: Thí dụ?

Đáp: Thí dụ như khái niệm “nhân quả” được đề cập ở trên. Tuy rằng khái niệm “nhân quả” có thể được giải thích dựa theo nguyên lý bảo toàn năng lượng nhưng nó chỉ có thể được gọi là “giả thuyết” chớ không nên là “luật”. Khi đã là “luật” thì nó cần phải kiểm chứng được và đáng tin cậy trong mọi trường hợp. Trong đời sống hàng ngày, việc “làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ” chỉ xảy ra ở một số trường hợp; ở vô số trường hợp khác, điều nầy dường như không hề xảy ra. Ngay cả những khi việc nầy có vẻ xảy ra, không có gì để xác định được rằng đó là do nguyên lý “nhân quả” chớ không phải chỉ là một sự ngẫu nhiên. 

Hỏi: Thí dụ khác?

Đáp: Thí dụ như khái niệm “luân hồi” hay “đầu thai”. Trước hết, nếu theo một cách diễn giảng năng lượng trong vũ trụ thì mỗi người đều gồm có 2 dạng năng lượng: một nằm trong thân xác vật chất và một chính là cái được gọi là “linh hồn”. Do đó nếu cũng dựa trên nguyên lý bảo toàn năng lượng thì sau khi một người chết đi thì rất có thể là phần linh hồn của họ tuy đã rời thân xác nhưng vẫn còn tồn tại đâu đó. Tuy nhiên, không ai có thể xác định là cái khối năng lượng “linh hồn” nầy có còn chứa đầy đủ tri thức cũng như đặc tính cá nhân để còn nhận biết nó là ai hay những điều gì đang xảy ra chung quanh nó hay không. Ngay cả nếu có đi nữa thì cũng không ai có thể xác định rằng khối năng lương nầy sẽ bền vững bao nhiêu và bao lâu. Rất có thể là sau khi rời khỏi thân xác thì vì không có gì kềm giữ khối năng lượng nầy lại, nó sẽ bị phân tán ra và tan loảng dần trong vũ trụ; tri thức và những đặc tính cá nhân của cá thể nầy do đó cũng bị phai mờ dần và biến mất. Không ai có thể xác định khoảng thời gian nầy là bao lâu (ngay tức khắc sau khi chết hay 3 ngày hay 100 ngày sau đó?) Vì vậy, làm sao có thể biết rằng linh hồn còn tồn tại lâu đủ để được tái sinh dưới một hình dạng khác? Do đó, tuy rằng các khái niệm như “đầu thai” và “luân hồi” có rất nhiều giá trị tinh thần, chúng chỉ có thể được xếp loại là “giả thuyết” chớ không thể là “định luật” đáng tin cậy đủ để được áp dụng trong đời sống thực tế. 

Hỏi: Anh nghĩ gì về phương diện “đạo đức” trong Phật Giáo?

Đáp: Giáo lý Phật Giáo có Ngũ Giới, Thập Thiện, v.v. cũng tương tự như một số những lời răn dạy trong các tôn giáo khác. Điều nầy không có gì lạ cả.

Bài 16: Vài Vũ Trụ Quan và Nhân Sinh Quan của Phật Giáo

Hỏi: Anh nghĩ gì về Phật Giáo?

Đáp: Theo tôi Phật Giáo có nhiều tư tưởng rất "tiến bộ" so với một số tôn giáo khác. Tôi không có vấn đề gì nhiều với lý thuyết Phật Giáo nói chung; tuy nhiên phương cách thực hành của Phật Giáo trong xã hội có rất nhiều điều cần được lưu ý.

Hỏi: Tại sao anh không có vấn đề gì nhiều với lý thuyết Phật Giáo nói chung?

Đáp: Vì theo tôi thì phần lớn vũ trụ quan trong lý thuyết Phật Giáo mang nhiều điểm tương đồng (mặc dù rất có thể chỉ là vô tình) với cái nhìn của khoa học tự nhiên ngày nay. Nhân sinh quan của Phật Giáo cũng khá tương đồng với (cũng có thể vì là xuất xứ của) nhiều quan điểm của tôi.

Hỏi: Xin anh cho thí dụ về vũ trụ quan của Phật Giáo có nhiều điểm tương đồng với cái nhìn của khoa học tự nhiên.

Đáp: Thí dụ như khái niệm “vô thường” (có nghĩa là “không vĩnh cửu”) của Phật Giáo cho rằng bản chất của mọi sự vật là biến chuyển không ngừng, không có gì vĩnh hằng; ngay cả vũ trụ cũng không có điểm khởi đầu, không có điểm chấm dứt, và sự biến hiện của thế giới cứ theo chu trình sinh - trụ - dị - diệt mãi mãi. Tuy rằng rất có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên nhưng có thể nói rằng khái niệm “vô thường” từ mấy ngàn năm trước đã diễn tả xác thực bản tính của vật chất đúng theo lý thuyết hiện đại nhất của các ngành lượng tử học, thiên văn học, vũ trụ học.

Hỏi: Một thí dụ khác?

Đáp: Thí dụ như các khái niệm như “nhân quả”, “nghiệp phước” đều có thể được giải thích dựa theo nguyên lý bảo toàn năng lượng của vật lý học.

Hỏi: Một thí dụ khác nữa?

Đáp: Thí dụ như khái niệm “hằng hà sa số thế giới” tương ứng với giả thuyết “đa vũ trụ” cho rằng có vô số vũ trụ cùng hiện hữu trong cùng một không gian nhưng có cấu trúc vật chất cơ bản mang tần số rung động khác nhau do đó không cảm nhận được lẫn nhau.
  
Hỏi: Xin anh cho thí dụ về những điểm mà nhân sinh quan của Phật Giáo tương đồng với nhiều quan điểm của anh.

Đáp: Thí dụ như khái niệm cho rằng mỗi người tự chịu trách nhiệm với chính họ về mọi vấn đề trong đời sống họ. Thuyết Phật dạy rằng mỗi cá thể chịu trách nhiệm về sự tiến hóa hay thoái hóa của trạng thức tâm linh của họ; không ai có thể cứu rỗi hay giải thoát giùm cho ai khác hết; chỉ có tự mỗi người mới có thể làm thay đổi vận mạng của họ mà thôi. Thuyết Phật cũng dạy rằng vận mạng của mỗi người bị chi phối bởi một quy luật tự nhiên trong vũ trụ gọi là luật Nhân Quả; luật Nhân Quả nầy hoàn toàn khách quan, không thiên vị, không có giới hạn và không có nhân tính.

Hỏi: Một thí dụ khác?

Đáp: Thí dụ như quan niệm cần phải tự suy ngẫm, tìm tòi, chất vấn và dùng kinh nghiệm bản thân trong quá trình tu học để cảm nhận Phật pháp chớ không nên chấp nhận những lời giảng dạy từ kinh sách hay tăng sư một cách đương nhiên.

Hỏi: Một thí dụ khác nữa?

Đáp: Thí dụ như khái niệm rằng các phương cách diễn tả trong Bát Chính Đạo như Chính Kiến (hiểu biết chân chính), Chính Tư Duy (suy nghĩ chân chính), Chính Ngữ (phát ngôn chân chính), Chính Tinh Tiến (siêng năng tìm học), Chính Định (tĩnh tâm và tập trung tư tưởng), v.v. có thể sẽ dẫn đến trạng thái giải thoát, an lành, sáng suốt và chấm dứt sinh tử, luân hồi gọi là Niết Bàn. Tôi cũng cho rằng sự siêng năng tìm học, kiến thức, hành vi cùng ngôn ngữ chân chính, sự an tịnh trong tâm hồn, v.v. là những phương tiện đưa đến hạnh phúc bền vững nhất.

Bài 15: Tín Ngưỡng và Giao Thông

So sánh với vấn đề giao thông...

Nếu:


- Tai nạn giao thông = những tệ hại của tôn giáo

- Tôn giáo = phương tiện (xe hơi, xe gắn máy, v.v.) và hệ thống (đường, cầu, cống, v.v) giao thông.

- Nhu cầu tín ngưỡng = nhu cầu giao thông

Nhu cầu giao thông là một điều cần thiết tự nhiên không thể dẹp bỏ được. Xe cộ và đường xá, cầu cống là phương tiện người ta chế tạo ra và sử dụng để thỏa mản nhu cầu nầy. Cũng không thể nào dẹp bỏ xe cộ hay đường xá, cầu cống được vì không có cách gì khác để đáp ứng nhu cầu giao thông.

Tai nạn là một điều xảy ra không tránh được trong bất cứ hệ thống giao thông nào. Vì tai nạn giao thông là một điều xấu (gây thương tích, chết người, v.v.) nên người ta luôn cần sửa đổi, cải tiến phương tiện giao thông cho an toàn hơn. Những phương tiện nào không còn hợp thời nữa thì cần loại bỏ đi: dẹp đường cũ gồ ghề, xây đường rộng hơn, thẳng hơn, gắn đèn đường sáng hơn; bỏ các loại xe nguy hiểm, dễ gây ra tai nạn và chế tạo các loại xe an toàn hơn, v.v. Để cải tiến hóa hệ thống giao thông và làm giảm số tai nạn, có khi người ta cần thay đổi hoàn toàn khái niệm giao thông thí dụ như 1/ chủ trương chuyển sang phương tiện chuyên chở công cộng (xe buýt, xe lửa) mà thôi và hạn chế mọi người lái xe hơi riêng của mình, hay 2/ tổ chức cho nhân viên làm việc ở nhà nếu được (qua computer và các hệ thống viễn thông) chớ không cần phải lái xe đi đến văn phòng nữa, v.v.

Đó là nếu người ta nhìn thấy và công nhận rằng trong hệ thống giao thông của họ có vấn đề xấu (là tỉ số tai nạn cao). Nếu người ta không nhìn thấy và không công nhận điều trên thì không ai sẽ sửa đổi gì hết, và tai nạn giao thông vẫn tiếp diễn không suy giảm.

Đó là điều khác biệt giữa sự chủ quan, ù lì, hủ lậu, tệ hại của hệ thống giao thông ở Việt Nam và sự khách quan, phát triển, tiến hóa, ích lợi của hệ thống giao thông ở nhiều nước Tây Phương.


Đó là điểm tương tự giữa nhiều lãnh vực trong tôn giáo với hệ thống giao thông ở Việt Nam.

Bài 14: Xin Cầu Chúc…

Đã lâu lắm rồi tôi không còn nói những câu tương tự như "cầu chúc anh chị bình yên", "cầu mong gia đình an lành", "cầu mong họ thoát nạn", v.v. nữa.

Tôi chủ tâm bỏ hẳn chữ “cầu” trong chữ “cầu chúc”, “cầu mong” vì theo tôi chữ đó hàm ý “cầu nguyện” một đấng thiêng liêng nào đó làm cho việc nầy ra.

Thay vào đó, tôi nói “Tôi chúc anh một năm mới vui vẻ” hay “Tôi chúc anh chị trăm năm hạnh phúc” hay “Tôi mong anh hết bệnh nhanh chóng” để diễn tả sự mong muốn của tôi. Tôi nghĩ lời chúc của tôi có thể làm cho người ta cảm nhận được lòng quý mến hay sự lo lắng của tôi và từ đó có tác động tâm lý tốt đẹp lên đời sống hay bệnh trạng của họ.

Tôi không tin rằng điều tôi mong muốn có thể có tác động huyền bí gì thật sự lên những diễn biến trong cuộc đời của một người khác.

Bài 13: Tin và Không Tin

Trong đời sống hàng ngày có rất nhiều khi vì tôi không có đủ kiến thức, kinh nghiệm hay dữ kiện để giải thích hay quyết định chắc chắn một sự việc gì đó, tôi chỉ có thể dùng cái mà tôi gọi là “cảm tính” (có người cũng dùng từ “linh tính” nhưng tôi không thích từ nầy vì nó hàm ý “huyền bí”) để tiến hành với công việc của tôi. Trong những trường hợp đó tôi có thể nói là “tôi tin điều nầy là đúng mặc dù không thể giải thích được tại sao”.
 
Chữ “tin” tôi dùng ở trên hoàn toàn khác với chữ “đức tin” mà các tín đồ dùng. Vì cách dùng chữ không rõ ràng nên nhiều người thường nhầm lẫn. 

Chữ “tin” của tôi có chứa đựng sự không chắc chắn trong đó: đó là vì tôi nhận thức rằng giữa một số lối đi đầy nghi ngờ thì tôi đành phải chọn một lối đi mà tôi cảm nhận rằng ít nghi ngờ nhất. Câu “tôi tin điều nầy là đúng” ở trên thật ra có nghĩa là “tôi có cảm giác điều nầy ít sai nhất”. Nói cách khác, những cái mà tôi “tin” như vậy chỉ là những lý thuyết chưa được kiểm chứng thỏa đáng. 

Trong lúc đó, khi một tín đồ nói “tôi tin rằng nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi” thì chữ “tin” đó xuất phát từ và đồng nghĩa với chữ “đức tin”. Thật ra tín đồ trên đang nói rằng “đức tin của tôi nói rằng nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi”. Chữ “đức tin” trong tôn giáo mang ý nghĩa chắc chắn. Giáo điều của Thiên Chúa Giáo chẳng hạn, dạy rằng đức tin là tuyệt đối. Mặc dù tín đồ ở trên có tuyệt đối tin vào điều họ nói hay không nhưng họ vẫn hàm ý rằng “tôi chắc chắn và không có gì nghi ngờ hết là nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi”.

Thật ra đây là một lãnh vực mà tôi cho rằng quan niệm “đức tin” là một quan niệm khá buồn cười trong thực hành. Buồn cười là vì tôi nhận thấy không có tín đồ nào thật sự tuyệt đối tin vào những thứ mà đức tin của họ đáng lẽ phải làm cho họ tuyệt đối tin vào. 

Thí dụ như không có bao nhiêu người thật sự tuyệt đối tin rằng nếu họ làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho họ. Đó là vì trước mắt họ và qua kinh nghiệm của họ thì có vô số trường hợp ngoại lệ mà những kẻ chuyên làm điều lành cho người khác nhưng lại gặp toàn việc dữ, cũng như ngược lại có vô số những trường hợp những kẻ chuyên làm điều dữ nhưng lại đời sống luôn được việc may mắn, thành công. Tôi có thể quả quyết rằng hầu như bất cứ “đức tin” nào cũng có ngoại lệ tương tự và tỉ lệ những ngoại lệ nầy không bao giờ nhỏ.

Sẽ có người bào chữa rằng đức tin về luật nhân quả (trong thí dụ trên) không hề suy suyển. Họ sẽ giải thích rằng nếu một người chuyên làm điều lành nhưng lại gặp toàn việc dữ thì đó là vì người đó còn đang phải trả hết những nghiệp xấu mà họ đã tạo ra từ quá khứ. Có nghĩa là khi đức tin số 1 không thể giải thích được những gì xảy ra trong thực tế thì tín đồ sẽ dùng đức tin số 2 để hỗ trợ và giải cứu đức tin số 1. Và cứ tiếp tục như thế. 

Cũng có người sẽ nói rằng họ “tin” là Thượng Đế xếp đặt cho những ngoại lệ đó xảy ra vì Ngài có những lý do cao sâu huyền bí mà người phàm không thể hiểu được. Đó là một lối lý luận của nhiều tín đồ - nhất là Thiên Chúa Giáo - mà thú thật là tôi không biết phải trả lời làm sao ngoại trừ chỉ bật cười và lắc đầu chịu thua!



Chú thích: Chữ “đức tin” thường dùng để diễn tả quan niệm “tin tuyệt đối vô điều kiện vào Chúa Trời và lời dạy của Chúa Trời” trong Thiên Chúa Giáo. Trong Phật Giáo người ta thường dùng những chữ như “niềm tin”, “lòng thành”, “lòng tin”, v.v. để diễn tả những sự việc mà họ tin là “có thật” mặc dù chưa hề hay không thể kiểm chứng được bằng các phương cách thông thường. Để thuận tiện trong khi hành văn, tôi thường dùng chữ “đức tin” để diễn tả chung các quan niệm trên.

Bài 12: Thói Quen Lệ Thuộc

Khi tôi đề cập đến việc tìm hiểu về tín ngưởng và tôn giáo thì các tín đồ Thiên Chúa Giáo cho rằng chỉ cần đọc quyển sách Kinh Thánh là đủ. 

Không những vậy, nhiều tín đồ còn không chịu khó để tự tìm tòi học hỏi thấu đáo về nguồn gốc lịch sử cũng như nội dung chi tiết của quyển sách "thiêng liêng" của họ. Thay vào đó, họ lệ thuộc hoàn toàn vào những người khác để trích dạy họ vài câu, vài dòng trong quyển sách đó. Những người trích giảng nầy có toàn quyền lựa chọn những câu, những dòng nào trong quyển sách để trích dạy và giảng giải theo ý của họ. Tín đồ nghe và chấp nhận những lời giảng dạy ấy. Họ không bao giờ được phép phán đoán và do đó không có thói quen để tự vấn lẫn chất vấn về nội dung của quyển sách cũng như các lời diễn giảng ấy.

Có lẽ vì quen lệ thuộc vào cách “học hỏi” theo lối “được nhai sẵn rồi mớm” nên họ dần dần không biết và không thể nào dựa vào khả năng riêng của họ để tham khảo các vấn đề nầy. 

Có thể là như vậy, và cũng có thể là vì những người nầy không muốn tìm hiểu, không muốn phân tích, không muốn biết, không muốn nghe ai nhắc đến những điều tồi bại trong tôn giáo của họ.

Không muốn và không dám.

Bài 11: Bằng Chứng

Khi tôi hỏi tín đồ Thiên Chúa Giáo làm thế nào để chứng minh được sự hiện hữu của Thượng Đế chẳng hạn, họ sẽ bảo rằng việc nầy chỉ cần dựa vào đức tin mà thôi chớ không thể và không cần bằng chứng gì cả.

Thế mà khi tôi có lời phê bình, chỉ trích bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo thì cũng chính những tín đồ nầy đòi hỏi phải có bằng chứng rõ ràng!

Bài 10: Khán Giả và Giám Khảo

Có những người chủ trương không phê phán về tôn giáo. Khi họ đọc những bài phê bình, chỉ trích của tôi thì cho rằng tôi đang ngồi trong chiếc ghế giám khảo trong khi họ chỉ muốn ngồi ở chiếc ghế khán giả mà thôi. 

Tôi tôn trọng cách lựa chọn về vị thế và phương cách hành sử của mỗi người. 

Tuy nhiên đối với tôi thì cái ghế khán giả cũng cần phải là cái ghế giám khảo nữa: tôi quan sát, rồi tôi chất vấn và phê bình nếu cần. Tại sao không? Khi đi xem một cuốn phim hay một vỡ kịch, người ta nhận xét và phê bình về cốt chuyện, khả năng diễn xuất, cách phối cảnh, ghế ngồi trong rạp có êm không, máy điều hòa không khí có đủ lạnh không, v.v. Khi theo dõi tình hình thời sự, người ta quan sát và đánh giá chính sách nầy hay dỡ ra sao, dân biểu kia tốt xấu thế nào. Khi đi học người ta được dạy cách đọc một quyển sách rồi bình luận về cuốn sách và tác giả đó, hay cách nhìn một đề toán rồi giải đáp nó ra sao cũng như cách nhận biết tại sao một cách giải đáp nào đó đúng hay sai. 

Đó là vì việc quan sát rồi chất vấn và phê phán quan trọng và cần thiết cho sự sinh tồn và tiến hóa của mỗi người chúng ta. Thế thì tại sao trong lãnh vực tâm linh thì lại chỉ thu nhận vào một cách im lặng mà thôi và từ bỏ cái trách nhiệm (với chính mình) là phải chất vấn cho ra lẽ những gì mình không đồng ý? 

Bài 9: Cực Đoan và Mù Quáng

Có những người đồng hóa "niềm tin" với "thầy tu" với "tổ chức tôn giáo" với "kinh sách" với "thượng đế", v.v. và gộp chung tất cả các thứ nầy vào thành một khối. 

Nếu ai phê bình, chỉ trích (bất kể đúng sai) đến bất cứ thành phần nào trong cái khối nầy là họ lập tức phản ứng dữ dội cho rằng người ấy tuyên chiến với tôn giáo của họ, hay xúc phạm đến thượng đế của họ. 

Có người cho rằng đây là một thái độ cực đoan và là nguyên nhân cội nguồn của những cuộc thánh chiến, những phong trào thanh trừng tàn sát người "ngoại đạo", v.v. trong lịch sử. Đây cũng như là lý do tại sao giới chức sắc trong giáo hội Công Giáo xưa nay cố tình ém nhẹm che chở những đồng đạo phạm các tội ghê tởm như ấu dâm cho đến khi không còn che dấu được nữa mới thôi. 

Riêng tôi, tôi còn cho thái độ nầy là mù quáng.

Bài 8: Đạo Đức Ở Đâu cũng Giống Nhau?

Có người cho rằng “đạo đức thì nơi nào cũng giống nhau”.

Hãy thử xem chữ “đạo đức” có nghĩa là gì. Đạo đức có thể nói chung là những hành vi, tư cách, ý tưởng được người ta tôn trọng vì họ cho rằng chúng tốt đẹp, có giá trị, giúp đem lại sự an lành và vững chắc trong xã hội.

Vài dân tộc thiểu số ở các lục địa Mỹ, Úc, Á, Phi châu có phong tục ăn thịt cha mẹ, họ hàng, bạn bè của họ khi những người nầy chết đi. Họ cho rằng đây là một hành động biểu lộ sự hiếu thảo và tôn kính đồng thời sẽ giúp linh hồn người quá cố dễ tách lìa ra khỏi thể xác để siêu thoát. Theo định nghĩa, đối với họ đây là một hành vi đạo đức.

Trong một số quốc gia Trung Đông hiện tại thì nếu một người phụ nữ (từ tuổi vị thành niên cho đến ngày nhắm mắt) đi ra khỏi nhà mà không mặc y phục che kín hoàn toàn từ trên đầu đến gót chân (trừ một khe hẹp ngang mắt) và không có sự cho phép và không được đi kèm theo bởi một người đàn ông trong gia đình như cha hay chồng hay anh/em trai hay con trai (nếu con trai đã trưởng thành) thì người đàn bà đó bị xem là lăng loàn, mất nết, không có đức hạnh (đạo đức) và có thể bị mọi người (bất cứ ai) ném đá, đánh chửi ngay tại chỗ.

Theo đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đảng và nhà nước là trên hết, trên hơn cả gia đình và bản thân. Nếu cần thiết thì con cái, cha mẹ, vợ chồng, bạn bè phải kiểm soát và tố cáo lẫn nhau nếu những người nầy có tư tưởng hay hành vi phản động. Đối với họ thì nầy hành vi nầy tốt đẹp, có giá trị, giúp phần ổn định xã hội và đáng được tuyên dương tưởng thưởng.

Tôi tin rằng có nhiều người sẽ không chấp nhận những thí dụ kể trên là “đạo đức” đối với họ. Điều nầy cho thấy mỗi người, mỗi đoàn thể, mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc có thể có những cái gọi là “đạo đức” hoàn toàn khác nhau. Và những cái gọi là “đạo đức” nầy của ngay cùng một người, một đoàn thể, một quốc gia, một chủng tộc cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời điểm trong đời sống của họ.

Điều trên cho thấy rằng câu “đạo đức nơi nào cũng giống nhau” là một tuyên bố bất cẩn, thiếu sót và sai lầm.

Bài 7: Tôn Giáo nào cũng Hướng Thiện?

Có người cho rằng “các tôn giáo đều hướng thiện cho con người”.

Đây là một điều sai lầm được truyền bá khắp nơi do bởi sự thiếu suy nghĩ và thiếu hiểu biết của người phát biểu cũng như của người thu nhận.

Trước hết hãy thử xem chữ “thiện” có nghĩa là gì. Hãy dùng một thí dụ để dẫn chứng: Tôi tin chắc nhiều người sẽ đồng ý rằng giết người vì ganh ghét, vì ích kỷ, vì bất đồng tư tưởng là một hành vị “không thiện”.

Còn nếu cho rằng “các tôn giáo đều hướng thiện” thì có nghĩa là “tôn giáo nào cũng dạy dỗ khuyến khích người ta làm điều thiện” chớ gì? 

Sai!

Sai vì các tôn giáo đa thần thời cổ đại luôn luôn có khuynh hướng tàn sát và tiêu diệt tín đồ của những tôn giáo khác. Trong hai ngàn năm gần đây thì Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo là hai thí dụ điển hình nhất. Cứ tìm đọc trong kinh sách của họ là sẽ thấy. Những “lời Thượng Đế dạy” tín đồ phải có nhiệm vụ tàn sát và tiêu diệt kẻ “ngoại đạo” (cùng với gia đình, chủng tộc, thành thị của họ) bằng cách nào, như thế nào vẫn còn rành rọt, rõ ràng trong Kinh Thánh và trong Kinh Koran ngay trong các ấn bản hiện hành. Sự kiện các lời chỉ dạy nầy rất cặn kẻ, đầy chi tiết và lập đi lập lại vô số lần trong các kinh sách cho thấy tư tưởng nầy không phải chỉ tình cờ mà là chính sách chủ định của các tôn giáo ấy.

Sẽ có người vội vàng cãi rằng “nhưng mà những điều đó đã xưa cũ trong quá khứ rồi” hay là “nhưng mà giáo hội ngày nay đâu có dạy các điều đó nữa đâu!” hay là “nhưng mà đâu phải tín đồ nào cũng quá khích thực hành đúng như những điều đó nữa đâu!” hay là “nhưng mà tôn giáo tôi cũng dạy nhiều điều tốt khác như mọi người phải yêu thương nhau.” hay là “nhưng mà tôn giáo tôi đã và đang làm vô số việc từ thiện trong xã hội”, v.v. và v.v.

Tôi đồng ý rằng giáo hội Công Giáo ngày nay không còn truyền dạy những giáo điều trên nữa. Tuy vậy đây chỉ vì lý do sinh tồn của chính tổ chức của họ nên họ bắt buột đã phải sửa đổi phương pháp và phong cách truyền giáo để thích hợp với trình độ kiến thức cũng như tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện tại. Trong khi đó, giáo hội Hồi Giáo ở một số nước Trung Đông hiện nay vì không chịu ảnh hưởng kinh tế, quân sự của Tây Phương nên vẫn còn công khai truyền dạy các giáo điều trên; và hậu quả thực tế là các vụ đánh bom tự sát giết hại vô số người dân vô tội đã và đang xảy ra nhiều nơi trên thế giới.

Tôi cũng đồng ý rằng phần lớn (không phải tất cả) tín đồ ngày nay không biết đến (và nếu có biết thì cũng không thực hành triệt để) các giáo điều trên. Đó chẳng qua là vì ngay cả nhân tính cơ bản trong con người họ cũng cho họ thấy rằng những giáo điều trên không thể chấp nhận được.

Và tôi cũng xin nhắc rằng nếu người nào tuyên bố rằng “tôi không thực hành các điều trên trong đời sống của tôi vì tôi không đồng ý với chúng” thì họ cũng không nên và không thể tự nhận họ là tín đồ của hai tôn giáo trên nữa. Đó là vì nếu họ tin thờ Thượng Đế của họ một cách tuyệt đối như họ tuyên bố thì họ phải nhớ rằng Thượng Đế của họ tuyệt đối nghiêm cấm họ sửa chửa, thay đổi bất cứ một chữ, một lời dạy nào đã ghi chép trong Kinh Thánh và Kinh Koran. Việc không chấp hành triệt để từng chữ từng lời dạy của Thượng Đế là một vi phạm nghiêm trọng (là tội có thể đáng bị xử tử cách đây không lâu ở Âu Châu và hiện nay vẫn còn ở một số nước Trung Đông).

Điểm chính yếu ở đây là các lời biện hộ ở trên không làm thay đổi một sự kiện không thể chối bỏ được đó là chính ngay giáo lý nền tảng của các tôn giáo trên đòi hỏi tín đồ phải tiêu diệt các tôn giáo khác để truyền bá tôn giáo của mình.

Điều trên cho thấy rằng câu “tôn giáo nào cũng hướng thiện” là một tuyên bố bất cẩn, thiếu sót và sai lầm.

Bài 6: Tôn Giáo là Nền Tảng của Đạo Đức?

Tôi đồng ý rằng tôn giáo đóng góp không nhỏ trong việc truyền dạy một số vấn đề về đạo đức.

Tuy vậy, tôi cực lực chống đối những người dù vô tình hay cố ý tuyên bố hay truyền bá ý tưởng rằng “tôn giáo là nền tảng của đạo đức” (hay những câu tương tự như “tôn giáo nào cũng hướng con người về tiêu chuẩn đạo đức chung của nhân loại” hay “tôn giáo nào cũng hướng thiện” ). 

Những người nầy thường là tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Mặc dù một số những người nầy có thể không có ý gì khác hơn là họ chỉ hảnh diện rằng tôn giáo của họ mang những giá trị đạo đức cao đẹp trong xã hội, họ không nhận thức được rằng lời tuyên bố hay ý tưởng nầy còn hàm ý là “phải cần có tôn giáo mới có thể có nền tảng đạo đức” và từ đó có thể đem đến một số người khác cái quan điểm rằng “không có tôn giáo là không có nền tảng đạo đức”. 

Đây là một quan điểm rất nguy hiểm. 

Nó tạo ra một lằn ranh chia rẻ nhóm người “có tôn giáo” và nhóm người “không tôn giáo” đồng thời quảng bá cái ý niệm “có tôn giáo = có đạo đức” và “vô tôn giáo = vô đạo đức”. 

Đó là một lý do chính tại sao những người vô tôn giáo thường bị kỳ thị ở nhiều lãnh vực trong xã hội. Thí dụ như ở Mỹ (một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Thiên Chúa Giáo), một người không “có đạo” sẽ không bao giờ có hy vọng gì thắng cử trong các cuộc bầu cử quan trọng.

Đó cũng là một lý do chính tại sao cảm tử quân Hồi Giáo không hề ngần ngại tàn sát những người mà theo họ thì “ngoại đạo = vô tôn giáo = vô đạo đức = vô giá trị = không đáng sống”.

Bài 5: “Tôn Giáo”


Khi nói về “tôn giáo” ở đây, tôi chủ yếu nói về Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. 

Đó là vì Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo là hai tôn giáo có nhiều tín đồ nhất ở Việt Nam trong vòng vài thế kỷ nay.

Bài 4: Một Sản Phẩm Phụ trong Sự Tiến Hóa của Nhân Loại


Tín ngưỡng không những là một nhu cầu mà còn là một sản phẩm phụ của quá trình sinh tồn và tiến hóa của nhân loại.

Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, nhất là trong thời kỳ con người còn sơ khai, những đứa trẻ có khuynh hướng nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ chúng có một xác suất sinh tồn và trưởng thành cao hơn những đứa có khuynh hướng làm ngược lại. “Nghe theo lời dạy bảo của cha mẹ” là một đặc tính có ích lợi cho sự sống còn của con người. Đặc tính nầy dần dần trở thành một bản năng di truyền tự nhiên gắn liền trong cấu trúc cơ bản của trí óc mỗi người.

Con người ngày nay là sự tổng hợp thành công của những bản năng có ích lợi tương tự. Trong khi đó tín ngưỡng và tôn giáo tương tự như những ký sinh trùng bám theo cái bản năng di truyền ích lợi trên để phát triển từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

Nói cách khác, niềm tín ngưỡng của hầu như tất cả mọi người đều xuất phát từ cha mẹ, gia đình họ. Trong đầu những đứa trẻ sơ sinh không có sẵn tín ngưỡng hay tôn giáo. Cha mẹ và gia đình nó dần dần truyền dạy, và áp đặt, niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ lên nó.

Trong suốt giai đoạn phát triển ở những năm đầu tiên trong đời một đứa trẻ, cha mẹ nó hàng ngày dạy bảo nó vô số sự việc tối cần thiết cho sự sống còn của nó: “Khi ăn cơm phải nhả xương ra không được nuốt”, “Phải tránh không được thò tay vào bếp lửa”, “Phải tránh xa con chó dữ của nhà láng giềng”, “Phải nhìn phải trái cẩn thận trước khi băng qua đường”, “Đừng mở cửa cho người lạ vào nhà”, v.v. Có rất nhiều khi ngay lúc đó đứa trẻ không hiểu tại sao cha mẹ nó dạy bảo những điều nầy, nhưng kinh nghiệm bản thân nó sau đó cho thấy rằng những điều trên đều hay, đúng và có ích lợi cho chính nó. Họ cũng dạy nó “Phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ”.

Vì thế khi cha mẹ bảo một đứa trẻ: “Hãy theo đạo nầy” (nhất là khi họ kèm theo “đây là truyền thống gia tộc”) thì nó không có lý do gì mà không nghe theo họ. Trí óc một đứa trẻ như một tờ giấy trắng. Những khái niệm được diễn tả là “thánh thiện, huyền diệu” của tôn giáo và tín ngưỡng dễ dàng gây nên những ấn tượng sâu đậm trong tri thức nó. Đứa trẻ sẽ thu nhận những điều nầy là “hay, đẹp, đúng, thật” mà không hề chất vấn. Và một khi những khái niệm nầy đã trở thành “của nó” rồi thì đứa trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, phát triển chúng trong tri thức và sẽ truyền bá chúng qua các thế hệ kế tiếp.

Bài 3: Không Có Gì Thiêng Liêng hay Huyền Bí cả.


Có người cho rằng tôn giáo và tín ngưởng là những sự việc thiêng liêng, huyền bí (và do đó không ai nên phê bình, chỉ trích).

Chữ “tôn giáo” thường được dùng để chỉ tất cả hay một trong những thứ sau đây: sự tín ngưỡng, hệ thống tín ngưỡng, tổ chức của hệ thống tín ngưỡng, v.v. 

Nói chung, một tôn giáo cần phải có ít nhất 3 thành phần: một niềm tín ngưỡng, một số đông đủ tín đồ, một tập hợp những luật lệ hay giáo điều. 

Hầu như tôn giáo nào cũng có ít nhất một tổ chức điều hành (thí dụ các giáo hội Phật Giáo, tòa thánh Vatican, v.v.). Tuy nhiên trong trường hợp như đạo Ông Bà của Việt Nam chẳng hạn, tuy cũng hội đủ 3 thành phần trên nhưng không có một tổ chức điều hành chính thức.

Theo định nghĩa ở trên, tín ngưỡng là một thành phần cần có trong mỗi tôn giáo. Thật ra thì tín ngưỡng bao trùm một lãnh vực sâu rộng hơn tôn giáo; có thể nói là mỗi tôn giáo đều bắt nguồn từ một niềm tín ngưỡng nào đó (thí dụ như đạo Phật, đạo Thiên Chúa) hay nhiều niềm tín ngưỡng khác nhau (thí dụ đạo Cao Đài).

Tín ngưởng xuất phát từ một nhu cầu cơ bản của con người: nhu cầu tín ngưỡng. Nhu cầu nầy là một phần của quá trình tiến hóa và đóng vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của nhân loại. Nhu cầu tín ngưởng đứng ngay đàng sau các nhu cầu thiết yếu khác như cơm ăn, áo mặc và tình dục.

Bản năng tự nhiên của con người là tìm tòi và chinh phục. Khi đứng trước một vấn đề, con người biết 1/ xác định vấn đề đó là gì, rồi 2/ tìm một giải pháp thích hợp nhất để giải quyết vấn đề nầy, và rồi 3/ quan sát, suy luận và nếu cần sẽ cải tiến để đi đến một giải pháp mới hiệu quả hơn. Phương cách giải quyết vấn đề trên giúp con người thành công trong việc bành trướng khắp địa cầu. 

Khi người tiền sử kiếm ăn, họ tự hỏi phải làm sao để hái được những trái cây trên cao hay săn giết được những thú vật chạy nhanh bay cao. Áp dụng phương cách trên, họ dần dần tìm chế ra được các dụng cụ và võ khí hiệu nghiệm hơn để thực hiện việc nầy. Tương tự, họ tự hỏi phải làm sao để chống lại sự lạnh lẽo của mưa gió hay để bảo vệ họ khỏi phải bị thú dữ ăn thịt. Dùng phương cách trên họ dần dần tìm chế ra được những tấm lá cây hay da thú để bao bọc giữ cho cơ thể họ được ấm hay biết dựng lên rào cản trước hang động để không cho thú dữ xâm nhập trong khi họ ngủ. Rồi họ biết dùng lửa, làm quần áo, xây nhà, v.v. cho những mục đích nầy. Mỗi lần họ tự hỏi tại sao để giải thích và phải làm sao để chinh phục một vấn đề, họ tìm chế ra một phương tiện khác hay hơn, tốt hơn giúp họ chống chỏi với thiên nhiên trong cuộc tranh đấu liên tục để sống còn của họ.

Tuy nhiên có những sự việc xảy ra chung quanh họ mà họ không hiểu tại sao cũng như không biết làm cách nào để kiểm soát hay chinh phục chúng. Danh sách các sự việc nầy kéo dài vô tận từ những hiện tượng thiên nhiên như núi lửa, động đất, mưa bão, lũ lụt, hạn hán, v.v. cho đến những tai ương như tai nạn, bệnh tật, chết chóc, cá nhân sát hại lẫn nhau, chiến tranh giữa bộ lạc, v.v. Và họ bất lực không có cách giải quyết. Khả năng trí tuệ và kiến thức hạn hẹp về vũ trụ của họ không cho phép họ giải thích được những vấn đề nghiêm trọng trên. Trong khi đó, bản năng sinh tồn của họ kêu gào đòi hỏi họ phải tìm ra một giải đáp, một lối thoát ra khỏi ngõ cụt nầy với bất cứ giá nào. 

Một trong những lãnh vực tiến hóa mà loài người phát triển hơn các thú vật khác là họ có trí tưởng tượng. Nhờ có trí tưởng tượng họ mới có thể hình dung được những sự vật không hiện diện thật sự trước mặt họ. Nhờ vậy họ mới có thể chế tạo ra được những dụng cụ chưa từng hiện hữu bao giờ trước đó, có thể hoạch định những việc làm mà họ chưa bao giờ làm cả; nhờ vậy họ mới có thể đặt ra những sự việc và kể lại câu chuyện chưa bao giờ xảy ra, v.v.
Khả năng tưởng tượng nầy cũng đem lại cho con người một lối thoát ra khỏi ngõ cụt sinh tồn kể trên. Con người tưởng tượng ra những sức mạnh siêu phàm hoàn toàn bên ngoài khả năng điều khiển của họ. Họ cho rằng tất cả những tai ương đều xuất phát từ các sức mạnh nầy. Kinh nghiệm trong đời sống của họ cho họ thấy nếu không chinh phục được một mối hiểm nguy thì cách tốt nhất để sinh tồn là hoặc trốn tránh hoặc thần phục nó. Vì không thể trốn tránh được nên họ tin rằng muốn hạn chế tai họa xảy ra cho họ thì chỉ có cách là thần phục và tôn thờ các sức mạnh siêu nhiên. Họ nhân tính hóa chúng và đặt để cho chúng những vai trò liên quan đến các hiện tượng và tai ương nầy. Từ đó các thần linh ra đời.

Họ tin rằng tôn thờ, bái lạy, cúng tế các thần linh nầy thì sẽ được bảo vệ, che chở. Đối với họ đây là một giải đáp thỏa đáng nhất, mặc dù không hoàn hảo, để làm giảm bớt nỗi lo âu vô vọng của họ. Để đánh đổi được cái cảm giác an toàn và bình yên nầy, người ta sẵn sàng chấp nhận cái giải đáp trên mặc dù họ biết rằng nó không hoàn hảo. Không hoàn hảo vì họ nhận thấy nó thật sự cũng không hiệu nghiệm gì cho lắm: tôn thờ, tế bái dường như cũng chỉ có thể làm cho các thần linh bảo vệ, che chở cho họ trong vài trường hợp mà thôi; tai họa vẫn tiếp tục xảy đến với họ trong nhiều trường hợp khác. Nhưng đối với những con người mang đầy mặc cảm bất lực nầy thì chỉ cần may ra được thần linh bảo vệ để tai ương giảm bớt một vài lần thôi thì cũng đủ lắm với họ rồi. Vì vậy mà họ vẫn tiếp tục tôn thờ, cúng bái. 

Cách lý giải dựa trên trí tưởng tượng trên rất có ích lợi cho sự tiến hóa của con người. Nó có tác dụng “trấn an” con người và giúp họ đương đầu hữu hiệu hơn trước những sự việc ngoài vòng kiểm soát của họ. Nó làm giảm bớt sự khủng hoảng tinh thần trước những thảm họa, thiên tai, chuyện đau buồn; nó đem lại sự an lành trong tâm hồn khi nghĩ rằng họ được che chở đùm bọc bởi một sức mạnh vô biên. Nó làm cho con người có tâm trí và nghị lực để bước tiến trên hành trình sinh tồn của chủng loại của họ. Tín ngưỡng trở thành một nhu cầu cần thiết của con người. 

Như đã nói, danh sách của các tai ương dài vô tận; do đó danh sách của các thần linh cũng sinh sôi nẩy nở theo. Và theo sát đàng sau đó là vô số những tình tiết huyền bí, kỳ diệu được con người sáng tạo, thêu dệt thêm không ngừng để xây dựng và củng cố cái quan niệm về thế giới siêu nhiên của họ.  

Thời gian trôi, thế kỷ này qua thế kỷ khác. Khả năng trí tuệ và kiến thức của con người phát triển nhiều lên. Con người giải thích và chinh phục được vô số các sự việc mà trước kia họ không làm được. Có rất nhiều vấn đề trong vũ trụ đã được khẳng định là hiện tượng tự nhiên không liên quan gì đến thế giới siêu nhiên cả: dân số của các thần linh giảm xuống theo tỉ lệ thuận với sự hiểu biết của con người về thế giới chung quanh họ. Tuy vậy, còn vô số các vấn đề khác mà họ vẫn không có câu trả lời. Điển hình và quan trọng nhất là những hiện tượng liên quan đến sự chết. Làm thế nào để chinh phục được sự chết và chuyện gì xảy ra sau khi sự chết vẫn còn là những câu hỏi nan giải mãi mãi ngay cả ngày nay. Con người quan sát, suy luận và cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng cả. 

Cách giải đáp từ thời tiền sử với sự hiện diện của các thần linh cùng những chi tiết huyền hoặc do đó vẫn còn ứng dụng được. Cách giải đáp nầy dễ hiểu, dễ ứng dụng và dễ được chấp nhận nhất bởi số đông. Cái cảm giác an toàn và yên ổn khi được bảo vệ bởi các sức mạnh siêu nhiên (dù phải đánh đổi bằng sự hạ mình thần phục) có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với đại đa số con người. Họ dựa vào cách lý giải nầy để hỗ trợ, khích lệ tinh thần họ khi đương đầu với hiểm nguy. Họ dựa vào nó để mang lại sự an lành, thanh thản trong đời sống bận rộn hàng ngày. 

Cộng vào đó, trong thiên nhiên có nhiều sự vật hoàn hảo đến độ đáng ngạc nhiên; sự hiểu biết và khả năng của con người hiện tại chỉ nằm ở mức cực kỳ sơ đẳng so với những sự hoàn hảo nầy; và với khoa học càng tiến bộ thì người ta càng nhận thấy rằng vũ trụ không những vô tận mà những bí mật chưa được lý giải trong vũ trụ cũng không bao giờ cạn kiệt. Đứng trước những sự vật hoàn hảo kỳ diệu nầy, lòng khâm phục cùng với bản năng hiếu kỳ của con người tìm đủ cách để giải thích cho được những thắc mắc của họ. Một lần nữa, trí tưởng tượng cho phép con người tự thuyết phục họ rằng các sự vật tuyệt vời kia chỉ có thể là sản phẩm của những sức mạnh và trí tuệ siêu nhiên mà chính họ đã sáng tạo ra.

Nói tóm lại tín ngưỡng chỉ là một kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên. Nhu cầu tín ngưỡng đáp ứng được bản năng hiếu kỳ và chinh phục của con người cũng như hỗ trợ sự sinh tồn của họ. Do đó tín ngưỡng có thể được cho là “tối cần thiết” hoặc ngay cả “có sức thu hút mãnh liệt đến độ dễ bị lệ thuộc vào”. Tuy vậy, như đã thấy ở trên thì tín ngưỡng thật ra không có gì “thiêng liêng” cả.

Bài 2: Một Vài Điểm Tổng Quát

Hỏi: Tại sao anh hay phê bình, chỉ trích tôn giáo? Làm như vậy là không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác.

Đáp: Tôi phê bình, chỉ trích tôn giáo, và nhiều sự kiện liên quan đến tín ngưỡng, không có nghĩa là tôi không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Tương tự, tôi tôn trọng quyền tự do bài bạc, uống rượu của người khác không có nghĩa là tôi không phê bình, chỉ trích những sự kiện tai hại liên quan đến bài bạc và rượu.

Hỏi: Mục đích của anh khi phê bình, chỉ trích tôn giáo là gì?

Đáp: Mục đích của một người phê bình, chỉ trích những sự kiện tai hại liên quan đến bài bạc và rượu là gì?

Hỏi: Tại sao anh có thể so sánh tôn giáo với những tệ nạn xã hội như bài bạc và rượu?

Đáp: Bài bạc, rượu chè và tôn giáo đều là những sản phẩm của con người. Bài bạc, rượu chè có giá trị tiêu khiển, giải trí nhưng cũng có những tai hại của chúng. Những tai hại nầy vì rõ rệt nên nhiều người nhìn thấy được. Tôn giáo có những giá trị tâm linh, tinh thần nhưng tương tự cũng có những mặt tệ hại, tai hại của nó. Điều khác biệt là những tai hại của tôn giáo vì phức tạp và không hiển nhiên nên nhiều người không nhận thấy. Điều khác biệt nữa là vì tôn giáo được xem là “thiêng liêng” nên được nhiều người bảo vệ, che chở.

Hỏi: Anh có ý định muốn bài trừ, dẹp bỏ tôn giáo không?

Đáp: Chỉ có những người mang bệnh ảo tưởng mới mơ mộng đến việc tiêu diệt tôn giáo. Tôn giáo đã và sẽ mãi mãi hiện diện với con người. Tôn giáo có nhiều ích lợi lớn: trong nhiều trường hợp, nó đem đến sức mạnh và đoàn kết con người với nhau. Ích lợi quan trọng nhất của tôn giáo là có tác dụng như một loại thuốc an thần hay giảm đau cho nhân loại. Nhưng thuốc an thần hay giảm đau nào cũng có phản ứng phụ. Khi phê bình về tôn giáo và tín ngưỡng, tôi chỉ muốn trình bày về những phản ứng phụ của chúng mà thôi.

Hỏi: Anh có ý định muốn làm người khác từ bỏ niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ không?

Đáp: Không. Tôi chỉ muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo cho người khác thấy mà thôi. Như đã nói, tôn giáo và tín ngưỡng có nhiều ích lợi lớn cho con người. Vả lại, không ai có thể làm ai khác từ bỏ niềm tin của họ được. Chỉ khi nào một người tự vấn và tự nhận thấy bản chất thật của tôn giáo rồi và nếu muốn thì may ra một ngày nào đó họ tự thay đổi cái nhìn về tâm linh của họ.

Hỏi: Tại sao chỉ có may ra mà thôi?

Đáp: Ngay cả khi một người đã nhận thấy tôn giáo của họ có các khuyết điểm nghiêm trọng nhưng họ thường vẫn không thể thay đổi được vì nhiều lý do. Thí dụ như họ sẽ lo sợ sự chống đối của gia đình, không muốn đối phó với áp lực của cộng đồng và xã hội, không muốn bị kỳ thị là người “vô thần”, v.v. Cái lý do lớn nhất thường là họ không có đủ can đảm chịu nhận là họ và gia tộc lẫn cả truyền thống của họ đã sai lầm trong vấn đề nầy. Từ bỏ niềm tin và tôn giáo của chính mình cần có rất nhiều can đảm, nhất là để làm điều đó công khai.

Hỏi: Anh muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo cho người khác thấy để làm gì?

Đáp: Thứ nhất, hy vọng là có những người nếu họ hiểu rõ bản chất thật sự của tín ngưỡng (chỉ là một nhu cầu tự nhiên trong quá trình tiến hóa của con người chớ không có gì thiêng liêng cả) thì họ sẽ không còn e dè, sợ sệt để chất vấn, tìm hiểu các vấn đề đáng được chất vấn, tìm hiểu trong tôn giáo của họ. Thứ hai, hy vọng là có những người nếu họ nhận thấy được cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo thì họ sẽ hành sử và áp dụng niềm tín ngưỡng của họ vào đời sống một cách thích hợp hơn.

Hỏi: “Hành sử, áp dụng niềm tín ngưỡng của họ vào đời sống một cách thích hợp hơn” nghĩa là gì?

Đáp: Thí dụ, họ sẽ tự giải thoát họ ra khỏi những tín điều cổ hũ, vô lý trong tôn giáo của họ. Thí dụ, họ sẽ không còn sợ sệt bởi những hăm dọa hoang đường hay bị dẫn dụ bởi các hứa hẹn ảo tưởng trong kinh sách. Thí dụ, họ sẽ không còn tôn thờ các tăng sư, linh mục một cách mê muội và nhắm mắt nghe theo các lời giảng dạy của những người nầy một cách mù quáng. Thí dụ, họ sẽ không còn bị gạt gẫm, tự gạt gẫm và góp phần truyền bá sự gạt gẫm nầy đến người khác và các thế hệ con cháu của họ.

Bài 1: Khởi Điểm


Đến một khoảng thời gian nào đó trong đời thì phần đông chúng ta bắt đầu dành nhiều thì giờ hơn để nhìn về phương diện tâm linh. 

Có người mong tìm sự an lành bằng cách tin rằng họ biết đường dẫn đến Thượng đế. Tôi tìm được sức mạnh tâm linh khi tin rằng ở cuối con đường đó không có một dạng thần linh nào hết mà chỉ có một mình tôi.

Ở đây, tôi chỉ muốn biện chứng rằng không có gì thiêng liêng hay huyền bí về tín ngưỡng
hay tôn giáo cả.

Tôi cũng muốn trình bày về những điều tệ hại, và tai hại, trong tôn giáo. Nhiều người không nhận thấy (và không dám nhận thấy) những điều nầy vì họ nghĩ rằng tín ngưỡng và tôn giáo thuộc vào một lãnh vực bất khả xâm phạm.

Tôi cũng đưa ra vài giả thuyết để giải thích (cho chính tôi) về một số hiện tượng siêu nhiên. Những giả thuyết nầy dựa trên kiến thức khoa học cơ bản hiện tại. Những giải thích nầy chỉ là suy diễn cá nhân.