Bài 18: Vài Phương Cách Thực Hành trong Phật Giáo

Hỏi: Anh nói phương cách thực hành của Phật Giáo trong xã hội có nhiều điều cần được lưu ý?

Đáp: Thí dụ, nhìn vào hiện tượng cầu khẩn, cầu sao, cúng hạn, bói toán, xủ quẻ, xem phong thủy, bùa chú, v.v. phổ biến lan tràn ở đa số những chùa chiềng khắp nơi trong ngoài nước, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn đạo Phật ngày nay đã bị nhuộm bẩn bởi mê tín dị đoan.  

Hỏi: Thí dụ khác?

Đáp: Tương tự, nhìn vào các bảng tuyên dương công đức, sổ vàng cúng dường chiếm ngữ ngay tiền sảnh các chùa miếu cùng với việc các “thầy” chú trọng vào việc gây quỹ để tranh nhau xây cất chùa lộng lẫy huy hoàng, dựng tượng Phật to lớn vĩ đại, v.v, tôi không khỏi kết luận rằng phần lớn đạo Phật ngày nay đã bị lạm dụng để biến thành một phương pháp mưu lợi cầu danh.

Hỏi: Có người sẽ cho là là vì anh không hiểu thuyết Phật nên mới kết luận như vậy. Họ có thể sẽ khuyên anh nên tìm học những lời Phật dạy là gì, và ý nghĩa cũng như cách áp dụng những lời dạy nầy vào đời sống Phật tử ra sao. 

Đáp: Tôi không nói về lý thuyết cơ bản của Phật Giáo. Ở đây khi tôi đang nói về cái Phật Giáo đang được vô số (mặc dù không phải tất cả) Phật tử tin, áp dụng và thực hành ngày nay.

Hỏi: Có thể nào dựa trên sự hiểu biết và cách thực hành của một số Phật tử để đánh giá Phật Giáo hay không?

Đáp: Trong ngôn ngữ thỉnh thoảng có những từ ngữ mới được đặt ra bởi ai đó; nếu các từ ngữ mới nầy được nhiều người hiểu, dùng và phổ biến sâu rộng thì chúng sẽ trở thành một phần của ngôn ngữ đó; nếu ít ai dùng đến thì chúng sẽ dần dần biến mất đi. Trong ngôn ngữ cũng thường có nhiều từ ngữ mà ý nghĩa nguyên thủy của chúng được thay đổi dần theo thời gian và bối cảnh xã hội; nếu đủ số người hiểu và dùng chúng theo cách mới thì chúng sẽ dần dần chính thức mang những ý nghĩa mới. Ngôn ngữ nào cũng dần dần được biến đổi đi vì những chữ mới như vậy. Tiếng Việt sau 1975 không còn giống tiếng Việt trước 1975 nữa. Một người sống ở hải ngoại nhiều năm trở về Việt Nam sẽ có lắm khi không hiểu người trong nước nói gì. Chính vì cách thức xử dụng những từ ngữ “mới lạ” bởi một số đông người đã làm cho tiếng Việt trong nước khác đi nhiều. Tôn giáo cũng tương tự như ngôn ngữ. Ý nghĩa và đặc thù của mỗi tôn giáo được xác định và biến đổi bởi những gì số đông tín đồ hiểu biết, nhìn nhận và thực hành.

Hỏi: Nhưng những điều anh diễn tả ở trên đều chỉ là những sự kiện và hiện tượng mà anh thấy về Phật Giáo chớ không phải là bản chất thật sự của Phật Giáo.

Đáp: Đúng vậy. Một lần nữa, tôi xin nhắc rõ lại là tôi không nói về lý thuyết hay bản chất thật sự của Phật pháp. Tôi chỉ đang nói về cái lý thuyết và bản chất của cái Phật Giáo mà đa số Phật tử nhận biết và thực hành. Bất kể kinh sách hay lời Phật có thật sự truyền dạy ra sao đi nữa, chỉ có cái hình thức của đạo Phật mà đa số Phật tử đang hiểu và hành là cái đạo Phật được mọi người nhận diện, và cũng là cái đạo Phật mà tôi đánh giá.

No comments:

Post a Comment