Bài 2: Một Vài Điểm Tổng Quát

Hỏi: Tại sao anh hay phê bình, chỉ trích tôn giáo? Làm như vậy là không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác.

Đáp: Tôi phê bình, chỉ trích tôn giáo, và nhiều sự kiện liên quan đến tín ngưỡng, không có nghĩa là tôi không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người khác. Tương tự, tôi tôn trọng quyền tự do bài bạc, uống rượu của người khác không có nghĩa là tôi không phê bình, chỉ trích những sự kiện tai hại liên quan đến bài bạc và rượu.

Hỏi: Mục đích của anh khi phê bình, chỉ trích tôn giáo là gì?

Đáp: Mục đích của một người phê bình, chỉ trích những sự kiện tai hại liên quan đến bài bạc và rượu là gì?

Hỏi: Tại sao anh có thể so sánh tôn giáo với những tệ nạn xã hội như bài bạc và rượu?

Đáp: Bài bạc, rượu chè và tôn giáo đều là những sản phẩm của con người. Bài bạc, rượu chè có giá trị tiêu khiển, giải trí nhưng cũng có những tai hại của chúng. Những tai hại nầy vì rõ rệt nên nhiều người nhìn thấy được. Tôn giáo có những giá trị tâm linh, tinh thần nhưng tương tự cũng có những mặt tệ hại, tai hại của nó. Điều khác biệt là những tai hại của tôn giáo vì phức tạp và không hiển nhiên nên nhiều người không nhận thấy. Điều khác biệt nữa là vì tôn giáo được xem là “thiêng liêng” nên được nhiều người bảo vệ, che chở.

Hỏi: Anh có ý định muốn bài trừ, dẹp bỏ tôn giáo không?

Đáp: Chỉ có những người mang bệnh ảo tưởng mới mơ mộng đến việc tiêu diệt tôn giáo. Tôn giáo đã và sẽ mãi mãi hiện diện với con người. Tôn giáo có nhiều ích lợi lớn: trong nhiều trường hợp, nó đem đến sức mạnh và đoàn kết con người với nhau. Ích lợi quan trọng nhất của tôn giáo là có tác dụng như một loại thuốc an thần hay giảm đau cho nhân loại. Nhưng thuốc an thần hay giảm đau nào cũng có phản ứng phụ. Khi phê bình về tôn giáo và tín ngưỡng, tôi chỉ muốn trình bày về những phản ứng phụ của chúng mà thôi.

Hỏi: Anh có ý định muốn làm người khác từ bỏ niềm tín ngưỡng và tôn giáo của họ không?

Đáp: Không. Tôi chỉ muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo cho người khác thấy mà thôi. Như đã nói, tôn giáo và tín ngưỡng có nhiều ích lợi lớn cho con người. Vả lại, không ai có thể làm ai khác từ bỏ niềm tin của họ được. Chỉ khi nào một người tự vấn và tự nhận thấy bản chất thật của tôn giáo rồi và nếu muốn thì may ra một ngày nào đó họ tự thay đổi cái nhìn về tâm linh của họ.

Hỏi: Tại sao chỉ có may ra mà thôi?

Đáp: Ngay cả khi một người đã nhận thấy tôn giáo của họ có các khuyết điểm nghiêm trọng nhưng họ thường vẫn không thể thay đổi được vì nhiều lý do. Thí dụ như họ sẽ lo sợ sự chống đối của gia đình, không muốn đối phó với áp lực của cộng đồng và xã hội, không muốn bị kỳ thị là người “vô thần”, v.v. Cái lý do lớn nhất thường là họ không có đủ can đảm chịu nhận là họ và gia tộc lẫn cả truyền thống của họ đã sai lầm trong vấn đề nầy. Từ bỏ niềm tin và tôn giáo của chính mình cần có rất nhiều can đảm, nhất là để làm điều đó công khai.

Hỏi: Anh muốn trình bày về bản chất thật sự của tín ngưỡng và cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo cho người khác thấy để làm gì?

Đáp: Thứ nhất, hy vọng là có những người nếu họ hiểu rõ bản chất thật sự của tín ngưỡng (chỉ là một nhu cầu tự nhiên trong quá trình tiến hóa của con người chớ không có gì thiêng liêng cả) thì họ sẽ không còn e dè, sợ sệt để chất vấn, tìm hiểu các vấn đề đáng được chất vấn, tìm hiểu trong tôn giáo của họ. Thứ hai, hy vọng là có những người nếu họ nhận thấy được cái bề mặt đen tối, tai hại của tôn giáo thì họ sẽ hành sử và áp dụng niềm tín ngưỡng của họ vào đời sống một cách thích hợp hơn.

Hỏi: “Hành sử, áp dụng niềm tín ngưỡng của họ vào đời sống một cách thích hợp hơn” nghĩa là gì?

Đáp: Thí dụ, họ sẽ tự giải thoát họ ra khỏi những tín điều cổ hũ, vô lý trong tôn giáo của họ. Thí dụ, họ sẽ không còn sợ sệt bởi những hăm dọa hoang đường hay bị dẫn dụ bởi các hứa hẹn ảo tưởng trong kinh sách. Thí dụ, họ sẽ không còn tôn thờ các tăng sư, linh mục một cách mê muội và nhắm mắt nghe theo các lời giảng dạy của những người nầy một cách mù quáng. Thí dụ, họ sẽ không còn bị gạt gẫm, tự gạt gẫm và góp phần truyền bá sự gạt gẫm nầy đến người khác và các thế hệ con cháu của họ.

No comments:

Post a Comment