Bài 17: Luật hay Giả Thuyết?

Hỏi: Anh nói anh không có vấn đề gì nhiều với lý thuyết Phật Giáo, như vậy có phải anh hàm ý là anh có một vài vấn đề gì đó?

Đáp: Đúng là tôi có vài vấn đề với một số khái niệm cơ bản của Phật Giáo.

Hỏi: Thí dụ?

Đáp: Thí dụ như khái niệm “nhân quả” được đề cập ở trên. Tuy rằng khái niệm “nhân quả” có thể được giải thích dựa theo nguyên lý bảo toàn năng lượng nhưng nó chỉ có thể được gọi là “giả thuyết” chớ không nên là “luật”. Khi đã là “luật” thì nó cần phải kiểm chứng được và đáng tin cậy trong mọi trường hợp. Trong đời sống hàng ngày, việc “làm lành gặp lành, làm dữ gặp dữ” chỉ xảy ra ở một số trường hợp; ở vô số trường hợp khác, điều nầy dường như không hề xảy ra. Ngay cả những khi việc nầy có vẻ xảy ra, không có gì để xác định được rằng đó là do nguyên lý “nhân quả” chớ không phải chỉ là một sự ngẫu nhiên. 

Hỏi: Thí dụ khác?

Đáp: Thí dụ như khái niệm “luân hồi” hay “đầu thai”. Trước hết, nếu theo một cách diễn giảng năng lượng trong vũ trụ thì mỗi người đều gồm có 2 dạng năng lượng: một nằm trong thân xác vật chất và một chính là cái được gọi là “linh hồn”. Do đó nếu cũng dựa trên nguyên lý bảo toàn năng lượng thì sau khi một người chết đi thì rất có thể là phần linh hồn của họ tuy đã rời thân xác nhưng vẫn còn tồn tại đâu đó. Tuy nhiên, không ai có thể xác định là cái khối năng lượng “linh hồn” nầy có còn chứa đầy đủ tri thức cũng như đặc tính cá nhân để còn nhận biết nó là ai hay những điều gì đang xảy ra chung quanh nó hay không. Ngay cả nếu có đi nữa thì cũng không ai có thể xác định rằng khối năng lương nầy sẽ bền vững bao nhiêu và bao lâu. Rất có thể là sau khi rời khỏi thân xác thì vì không có gì kềm giữ khối năng lượng nầy lại, nó sẽ bị phân tán ra và tan loảng dần trong vũ trụ; tri thức và những đặc tính cá nhân của cá thể nầy do đó cũng bị phai mờ dần và biến mất. Không ai có thể xác định khoảng thời gian nầy là bao lâu (ngay tức khắc sau khi chết hay 3 ngày hay 100 ngày sau đó?) Vì vậy, làm sao có thể biết rằng linh hồn còn tồn tại lâu đủ để được tái sinh dưới một hình dạng khác? Do đó, tuy rằng các khái niệm như “đầu thai” và “luân hồi” có rất nhiều giá trị tinh thần, chúng chỉ có thể được xếp loại là “giả thuyết” chớ không thể là “định luật” đáng tin cậy đủ để được áp dụng trong đời sống thực tế. 

Hỏi: Anh nghĩ gì về phương diện “đạo đức” trong Phật Giáo?

Đáp: Giáo lý Phật Giáo có Ngũ Giới, Thập Thiện, v.v. cũng tương tự như một số những lời răn dạy trong các tôn giáo khác. Điều nầy không có gì lạ cả.

No comments:

Post a Comment