Trong đời sống hàng ngày có rất nhiều khi vì tôi không có đủ kiến thức, kinh nghiệm hay dữ kiện để giải thích hay quyết định chắc chắn một sự việc gì đó, tôi chỉ có thể dùng cái mà tôi gọi là “cảm tính” (có người cũng dùng từ “linh tính” nhưng tôi không thích từ nầy vì nó hàm ý “huyền bí”) để tiến hành với công việc của tôi. Trong những trường hợp đó tôi có thể nói là “tôi tin điều nầy là đúng mặc dù không thể giải thích được tại sao”.
Chữ “tin” tôi dùng ở trên hoàn toàn khác với chữ “đức tin” mà các tín đồ dùng. Vì cách dùng chữ không rõ ràng nên nhiều người thường nhầm lẫn.
Chữ “tin” của tôi có chứa đựng sự không chắc chắn trong đó: đó là vì tôi nhận thức rằng giữa một số lối đi đầy nghi ngờ thì tôi đành phải chọn một lối đi mà tôi cảm nhận rằng ít nghi ngờ nhất. Câu “tôi tin điều nầy là đúng” ở trên thật ra có nghĩa là “tôi có cảm giác điều nầy ít sai nhất”. Nói cách khác, những cái mà tôi “tin” như vậy chỉ là những lý thuyết chưa được kiểm chứng thỏa đáng.
Trong lúc đó, khi một tín đồ nói “tôi tin rằng nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi” thì chữ “tin” đó xuất phát từ và đồng nghĩa với chữ “đức tin”. Thật ra tín đồ trên đang nói rằng “đức tin của tôi nói rằng nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi”. Chữ “đức tin” trong tôn giáo mang ý nghĩa chắc chắn. Giáo điều của Thiên Chúa Giáo chẳng hạn, dạy rằng đức tin là tuyệt đối. Mặc dù tín đồ ở trên có tuyệt đối tin vào điều họ nói hay không nhưng họ vẫn hàm ý rằng “tôi chắc chắn và không có gì nghi ngờ hết là nếu tôi làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho tôi”.
Thật ra đây là một lãnh vực mà tôi cho rằng quan niệm “đức tin” là một quan niệm khá buồn cười trong thực hành. Buồn cười là vì tôi nhận thấy không có tín đồ nào thật sự tuyệt đối tin vào những thứ mà đức tin của họ đáng lẽ phải làm cho họ tuyệt đối tin vào.
Thí dụ như không có bao nhiêu người thật sự tuyệt đối tin rằng nếu họ làm điều lành cho người khác thì điều lành sẽ xảy ra cho họ. Đó là vì trước mắt họ và qua kinh nghiệm của họ thì có vô số trường hợp ngoại lệ mà những kẻ chuyên làm điều lành cho người khác nhưng lại gặp toàn việc dữ, cũng như ngược lại có vô số những trường hợp những kẻ chuyên làm điều dữ nhưng lại đời sống luôn được việc may mắn, thành công. Tôi có thể quả quyết rằng hầu như bất cứ “đức tin” nào cũng có ngoại lệ tương tự và tỉ lệ những ngoại lệ nầy không bao giờ nhỏ.
Sẽ có người bào chữa rằng đức tin về luật nhân quả (trong thí dụ trên) không hề suy suyển. Họ sẽ giải thích rằng nếu một người chuyên làm điều lành nhưng lại gặp toàn việc dữ thì đó là vì người đó còn đang phải trả hết những nghiệp xấu mà họ đã tạo ra từ quá khứ. Có nghĩa là khi đức tin số 1 không thể giải thích được những gì xảy ra trong thực tế thì tín đồ sẽ dùng đức tin số 2 để hỗ trợ và giải cứu đức tin số 1. Và cứ tiếp tục như thế.
Cũng có người sẽ nói rằng họ “tin” là Thượng Đế xếp đặt cho những ngoại lệ đó xảy ra vì Ngài có những lý do cao sâu huyền bí mà người phàm không thể hiểu được. Đó là một lối lý luận của nhiều tín đồ - nhất là Thiên Chúa Giáo - mà thú thật là tôi không biết phải trả lời làm sao ngoại trừ chỉ bật cười và lắc đầu chịu thua!
Chú thích: Chữ “đức tin” thường dùng để diễn tả quan niệm “tin tuyệt đối vô điều kiện vào Chúa Trời và lời dạy của Chúa Trời” trong Thiên Chúa Giáo. Trong Phật Giáo người ta thường dùng những chữ như “niềm tin”, “lòng thành”, “lòng tin”, v.v. để diễn tả những sự việc mà họ tin là “có thật” mặc dù chưa hề hay không thể kiểm chứng được bằng các phương cách thông thường. Để thuận tiện trong khi hành văn, tôi thường dùng chữ “đức tin” để diễn tả chung các quan niệm trên.
No comments:
Post a Comment