Bài 31: Tùy Duyên Hóa Độ

Không ai chối cãi được là những tệ nạn như cúng sao, giải hạn, trì chú, giải bùa, trừ ma, ếm quỷ, tụng kinh mướn, cầu Phật khẩn Trời cho buôn mau bán đắt, bái lạy hầu hạ tôn thờ tăng sư, v.v. đã và đang lan tràn sâu rộng ở hầu hết mọi tầng lớp của Phật Giáo từ bao lâu nay. Đại đa số Phật tử lẫn tăng ni đều tham dự ít nhiều vào những tệ nạn trên.

Khi hỏi tại sao không ai làm điều gì để chỉnh đốn Phật Giáo thì câu trả lời tôi thường gặp là "tùy duyên hóa độ". 

"Tùy duyên hóa độ" là một quan điểm cho rằng vì sự hiểu biết về Phật pháp của Phật tử còn kém cõi quá nên cần phải nương theo trình độ đương thời của họ để dần dần hướng dẫn họ theo con đường chính đạo. Nói cách khác, mặc dù biết rằng Phật tử đang hiểu đạo sai và hành đạo bậy nhưng vẫn không được bài bác họ để cho họ còn tiếp tục đến chùa đọc kinh, lạy Phật; và thà là như vậy vẫn còn tốt hơn là làm Phật tử nãn lòng rồi bỏ đạo hẳn.

Theo tôi thì câu "tùy duyên hóa đạo" dùng trong trường hợp nầy là một lối lý luận yếu ớt nếu được tuyên bố bởi một Phật tử, và là một cách ngụy biện tồi tệ nếu được phát biểu từ hàng tăng lữ.

Thứ nhất, nếu cho rằng "tùy duyên hóa độ" là một phương pháp thích ứng để truyền dạy Phật pháp thì nó cũng là một phương pháp không có hiệu quả gì cả. Bằng chứng là đại đa số Phật tử lẫn tăng sư ni từ bao nhiêu thế hệ nay đã, đang và vẫn còn lặn ngụp một cách rất hoan hĩ trong những tệ nạn càng ngày càng phát triển (và quái đản hơn) kể trên. 

Thứ hai, nếu ai cũng áp dụng lối "tùy duyên hóa độ" nầy thì ai sẽ là người hướng dẫn Phật tử theo con đường chính đạo? Và đành rằng cần phải làm chuyện nầy một cách "dần dần" (vì sợ Phật tử nãn lòng rồi bỏ đạo) nhưng bao giờ mới bắt đầu? Tại sao lời giảng dạy lẫn hành vi của hầu như tất cả các tăng sư ni mà tôi biết và đã tiếp xúc qua đều có vẻ tích cực góp phần bành trướng các tệ nạn trên thay vì ngược lại? Tại sao tôi có quá nhiều lý do để tin rằng chính các tăng sư ni nầy cũng không nhận định được là họ đang hiểu đạo sai và hành đạo bậy?

Thứ ba, thế thì vì cho rằng một số Phật tử không có khả năng hiểu nổi ý nghĩa thâm sâu thật sự của Phật pháp nên cứ phải tiếp tục truyền dạy những điều sai bậy cho tất cả mọi người? Thế còn những Phật tử có khả năng thấu hiểu (và đáng lẽ được truyền dạy Phật pháp thật sự) nhưng lại bị nhồi vào óc ngay từ lúc ban đầu với những giáo lý rác rưởi thì sao? 

Thứ tư, nếu cho rằng đừng bài bác những tệ nạn trên vì dù sao chúng cũng đem lại niềm tin cho Phật tử để họ tu tâm dưỡng tánh cũng như tìm được sự thanh thản trong tâm hồn thì có khác gì với chủ trương ủng hộ kẻ nghiện tiếp tục sử dụng ma túy vì họ sẽ bớt quậy phá người chung quanh hay vì họ có thể tìm được cảm giác an lành, khoái lạc cho chính họ? 

Sau chót, vấn đề lợi nhuận (từ cúng dường của Phật tử) cho mỗi chùa chắc chắn là một lý do không nhỏ để các hòa thượng trụ trì muốn ôm ấp mãi cái phương cách "tùy duyên hóa độ" nầy. Cũng vậy, họ dùng lý do "Nếu không có chùa đẹp, tượng to thì Phật tử không đến. Nếu không có Phật tử đến chùa thì làm sao có tiền để xây cất, phát triển và làm sao Phật tử có cơ hội để tiếp tục học đạo?" Tiếp tục học đạo hay tiếp tục học các tệ nạn đó? Tiếp tục học đạo hay tiếp tục cúng dường cho các tăng sư?

Theo tôi, còn người chủ trương "tùy duyên hóa độ" theo lối nầy thì Phật Giáo còn sa đắm trong những tệ nạn trên và còn bị nhận diện như một tôn giáo dung thứ mê tín dị đoan. 

No comments:

Post a Comment