Hãy thử xem chữ “đạo đức” có nghĩa là gì. Đạo đức có thể nói chung là những hành vi, tư cách, ý tưởng được người ta tôn trọng vì họ cho rằng chúng tốt đẹp, có giá trị, giúp đem lại sự an lành và vững chắc trong xã hội.
Vài dân tộc thiểu số ở các lục địa Mỹ, Úc, Á, Phi châu có phong tục ăn thịt cha mẹ, họ hàng, bạn bè của họ khi những người nầy chết đi. Họ cho rằng đây là một hành động biểu lộ sự hiếu thảo và tôn kính đồng thời sẽ giúp linh hồn người quá cố dễ tách lìa ra khỏi thể xác để siêu thoát. Theo định nghĩa, đối với họ đây là một hành vi đạo đức.
Trong một số quốc gia Trung Đông hiện tại thì nếu một người phụ nữ (từ tuổi vị thành niên cho đến ngày nhắm mắt) đi ra khỏi nhà mà không mặc y phục che kín hoàn toàn từ trên đầu đến gót chân (trừ một khe hẹp ngang mắt) và không có sự cho phép và không được đi kèm theo bởi một người đàn ông trong gia đình như cha hay chồng hay anh/em trai hay con trai (nếu con trai đã trưởng thành) thì người đàn bà đó bị xem là lăng loàn, mất nết, không có đức hạnh (đạo đức) và có thể bị mọi người (bất cứ ai) ném đá, đánh chửi ngay tại chỗ.
Theo đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đảng và nhà nước là trên hết, trên hơn cả gia đình và bản thân. Nếu cần thiết thì con cái, cha mẹ, vợ chồng, bạn bè phải kiểm soát và tố cáo lẫn nhau nếu những người nầy có tư tưởng hay hành vi phản động. Đối với họ thì nầy hành vi nầy tốt đẹp, có giá trị, giúp phần ổn định xã hội và đáng được tuyên dương tưởng thưởng.
Tôi tin rằng có nhiều người sẽ không chấp nhận những thí dụ kể trên là “đạo đức” đối với họ. Điều nầy cho thấy mỗi người, mỗi đoàn thể, mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc có thể có những cái gọi là “đạo đức” hoàn toàn khác nhau. Và những cái gọi là “đạo đức” nầy của ngay cùng một người, một đoàn thể, một quốc gia, một chủng tộc cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời điểm trong đời sống của họ.
Điều trên cho thấy rằng câu “đạo đức nơi nào cũng giống nhau” là một tuyên bố bất cẩn, thiếu sót và sai lầm.
No comments:
Post a Comment