Bài 3: Không Có Gì Thiêng Liêng hay Huyền Bí cả.


Có người cho rằng tôn giáo và tín ngưởng là những sự việc thiêng liêng, huyền bí (và do đó không ai nên phê bình, chỉ trích).

Chữ “tôn giáo” thường được dùng để chỉ tất cả hay một trong những thứ sau đây: sự tín ngưỡng, hệ thống tín ngưỡng, tổ chức của hệ thống tín ngưỡng, v.v. 

Nói chung, một tôn giáo cần phải có ít nhất 3 thành phần: một niềm tín ngưỡng, một số đông đủ tín đồ, một tập hợp những luật lệ hay giáo điều. 

Hầu như tôn giáo nào cũng có ít nhất một tổ chức điều hành (thí dụ các giáo hội Phật Giáo, tòa thánh Vatican, v.v.). Tuy nhiên trong trường hợp như đạo Ông Bà của Việt Nam chẳng hạn, tuy cũng hội đủ 3 thành phần trên nhưng không có một tổ chức điều hành chính thức.

Theo định nghĩa ở trên, tín ngưỡng là một thành phần cần có trong mỗi tôn giáo. Thật ra thì tín ngưỡng bao trùm một lãnh vực sâu rộng hơn tôn giáo; có thể nói là mỗi tôn giáo đều bắt nguồn từ một niềm tín ngưỡng nào đó (thí dụ như đạo Phật, đạo Thiên Chúa) hay nhiều niềm tín ngưỡng khác nhau (thí dụ đạo Cao Đài).

Tín ngưởng xuất phát từ một nhu cầu cơ bản của con người: nhu cầu tín ngưỡng. Nhu cầu nầy là một phần của quá trình tiến hóa và đóng vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của nhân loại. Nhu cầu tín ngưởng đứng ngay đàng sau các nhu cầu thiết yếu khác như cơm ăn, áo mặc và tình dục.

Bản năng tự nhiên của con người là tìm tòi và chinh phục. Khi đứng trước một vấn đề, con người biết 1/ xác định vấn đề đó là gì, rồi 2/ tìm một giải pháp thích hợp nhất để giải quyết vấn đề nầy, và rồi 3/ quan sát, suy luận và nếu cần sẽ cải tiến để đi đến một giải pháp mới hiệu quả hơn. Phương cách giải quyết vấn đề trên giúp con người thành công trong việc bành trướng khắp địa cầu. 

Khi người tiền sử kiếm ăn, họ tự hỏi phải làm sao để hái được những trái cây trên cao hay săn giết được những thú vật chạy nhanh bay cao. Áp dụng phương cách trên, họ dần dần tìm chế ra được các dụng cụ và võ khí hiệu nghiệm hơn để thực hiện việc nầy. Tương tự, họ tự hỏi phải làm sao để chống lại sự lạnh lẽo của mưa gió hay để bảo vệ họ khỏi phải bị thú dữ ăn thịt. Dùng phương cách trên họ dần dần tìm chế ra được những tấm lá cây hay da thú để bao bọc giữ cho cơ thể họ được ấm hay biết dựng lên rào cản trước hang động để không cho thú dữ xâm nhập trong khi họ ngủ. Rồi họ biết dùng lửa, làm quần áo, xây nhà, v.v. cho những mục đích nầy. Mỗi lần họ tự hỏi tại sao để giải thích và phải làm sao để chinh phục một vấn đề, họ tìm chế ra một phương tiện khác hay hơn, tốt hơn giúp họ chống chỏi với thiên nhiên trong cuộc tranh đấu liên tục để sống còn của họ.

Tuy nhiên có những sự việc xảy ra chung quanh họ mà họ không hiểu tại sao cũng như không biết làm cách nào để kiểm soát hay chinh phục chúng. Danh sách các sự việc nầy kéo dài vô tận từ những hiện tượng thiên nhiên như núi lửa, động đất, mưa bão, lũ lụt, hạn hán, v.v. cho đến những tai ương như tai nạn, bệnh tật, chết chóc, cá nhân sát hại lẫn nhau, chiến tranh giữa bộ lạc, v.v. Và họ bất lực không có cách giải quyết. Khả năng trí tuệ và kiến thức hạn hẹp về vũ trụ của họ không cho phép họ giải thích được những vấn đề nghiêm trọng trên. Trong khi đó, bản năng sinh tồn của họ kêu gào đòi hỏi họ phải tìm ra một giải đáp, một lối thoát ra khỏi ngõ cụt nầy với bất cứ giá nào. 

Một trong những lãnh vực tiến hóa mà loài người phát triển hơn các thú vật khác là họ có trí tưởng tượng. Nhờ có trí tưởng tượng họ mới có thể hình dung được những sự vật không hiện diện thật sự trước mặt họ. Nhờ vậy họ mới có thể chế tạo ra được những dụng cụ chưa từng hiện hữu bao giờ trước đó, có thể hoạch định những việc làm mà họ chưa bao giờ làm cả; nhờ vậy họ mới có thể đặt ra những sự việc và kể lại câu chuyện chưa bao giờ xảy ra, v.v.
Khả năng tưởng tượng nầy cũng đem lại cho con người một lối thoát ra khỏi ngõ cụt sinh tồn kể trên. Con người tưởng tượng ra những sức mạnh siêu phàm hoàn toàn bên ngoài khả năng điều khiển của họ. Họ cho rằng tất cả những tai ương đều xuất phát từ các sức mạnh nầy. Kinh nghiệm trong đời sống của họ cho họ thấy nếu không chinh phục được một mối hiểm nguy thì cách tốt nhất để sinh tồn là hoặc trốn tránh hoặc thần phục nó. Vì không thể trốn tránh được nên họ tin rằng muốn hạn chế tai họa xảy ra cho họ thì chỉ có cách là thần phục và tôn thờ các sức mạnh siêu nhiên. Họ nhân tính hóa chúng và đặt để cho chúng những vai trò liên quan đến các hiện tượng và tai ương nầy. Từ đó các thần linh ra đời.

Họ tin rằng tôn thờ, bái lạy, cúng tế các thần linh nầy thì sẽ được bảo vệ, che chở. Đối với họ đây là một giải đáp thỏa đáng nhất, mặc dù không hoàn hảo, để làm giảm bớt nỗi lo âu vô vọng của họ. Để đánh đổi được cái cảm giác an toàn và bình yên nầy, người ta sẵn sàng chấp nhận cái giải đáp trên mặc dù họ biết rằng nó không hoàn hảo. Không hoàn hảo vì họ nhận thấy nó thật sự cũng không hiệu nghiệm gì cho lắm: tôn thờ, tế bái dường như cũng chỉ có thể làm cho các thần linh bảo vệ, che chở cho họ trong vài trường hợp mà thôi; tai họa vẫn tiếp tục xảy đến với họ trong nhiều trường hợp khác. Nhưng đối với những con người mang đầy mặc cảm bất lực nầy thì chỉ cần may ra được thần linh bảo vệ để tai ương giảm bớt một vài lần thôi thì cũng đủ lắm với họ rồi. Vì vậy mà họ vẫn tiếp tục tôn thờ, cúng bái. 

Cách lý giải dựa trên trí tưởng tượng trên rất có ích lợi cho sự tiến hóa của con người. Nó có tác dụng “trấn an” con người và giúp họ đương đầu hữu hiệu hơn trước những sự việc ngoài vòng kiểm soát của họ. Nó làm giảm bớt sự khủng hoảng tinh thần trước những thảm họa, thiên tai, chuyện đau buồn; nó đem lại sự an lành trong tâm hồn khi nghĩ rằng họ được che chở đùm bọc bởi một sức mạnh vô biên. Nó làm cho con người có tâm trí và nghị lực để bước tiến trên hành trình sinh tồn của chủng loại của họ. Tín ngưỡng trở thành một nhu cầu cần thiết của con người. 

Như đã nói, danh sách của các tai ương dài vô tận; do đó danh sách của các thần linh cũng sinh sôi nẩy nở theo. Và theo sát đàng sau đó là vô số những tình tiết huyền bí, kỳ diệu được con người sáng tạo, thêu dệt thêm không ngừng để xây dựng và củng cố cái quan niệm về thế giới siêu nhiên của họ.  

Thời gian trôi, thế kỷ này qua thế kỷ khác. Khả năng trí tuệ và kiến thức của con người phát triển nhiều lên. Con người giải thích và chinh phục được vô số các sự việc mà trước kia họ không làm được. Có rất nhiều vấn đề trong vũ trụ đã được khẳng định là hiện tượng tự nhiên không liên quan gì đến thế giới siêu nhiên cả: dân số của các thần linh giảm xuống theo tỉ lệ thuận với sự hiểu biết của con người về thế giới chung quanh họ. Tuy vậy, còn vô số các vấn đề khác mà họ vẫn không có câu trả lời. Điển hình và quan trọng nhất là những hiện tượng liên quan đến sự chết. Làm thế nào để chinh phục được sự chết và chuyện gì xảy ra sau khi sự chết vẫn còn là những câu hỏi nan giải mãi mãi ngay cả ngày nay. Con người quan sát, suy luận và cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng cả. 

Cách giải đáp từ thời tiền sử với sự hiện diện của các thần linh cùng những chi tiết huyền hoặc do đó vẫn còn ứng dụng được. Cách giải đáp nầy dễ hiểu, dễ ứng dụng và dễ được chấp nhận nhất bởi số đông. Cái cảm giác an toàn và yên ổn khi được bảo vệ bởi các sức mạnh siêu nhiên (dù phải đánh đổi bằng sự hạ mình thần phục) có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với đại đa số con người. Họ dựa vào cách lý giải nầy để hỗ trợ, khích lệ tinh thần họ khi đương đầu với hiểm nguy. Họ dựa vào nó để mang lại sự an lành, thanh thản trong đời sống bận rộn hàng ngày. 

Cộng vào đó, trong thiên nhiên có nhiều sự vật hoàn hảo đến độ đáng ngạc nhiên; sự hiểu biết và khả năng của con người hiện tại chỉ nằm ở mức cực kỳ sơ đẳng so với những sự hoàn hảo nầy; và với khoa học càng tiến bộ thì người ta càng nhận thấy rằng vũ trụ không những vô tận mà những bí mật chưa được lý giải trong vũ trụ cũng không bao giờ cạn kiệt. Đứng trước những sự vật hoàn hảo kỳ diệu nầy, lòng khâm phục cùng với bản năng hiếu kỳ của con người tìm đủ cách để giải thích cho được những thắc mắc của họ. Một lần nữa, trí tưởng tượng cho phép con người tự thuyết phục họ rằng các sự vật tuyệt vời kia chỉ có thể là sản phẩm của những sức mạnh và trí tuệ siêu nhiên mà chính họ đã sáng tạo ra.

Nói tóm lại tín ngưỡng chỉ là một kết quả của quá trình tiến hóa tự nhiên. Nhu cầu tín ngưỡng đáp ứng được bản năng hiếu kỳ và chinh phục của con người cũng như hỗ trợ sự sinh tồn của họ. Do đó tín ngưỡng có thể được cho là “tối cần thiết” hoặc ngay cả “có sức thu hút mãnh liệt đến độ dễ bị lệ thuộc vào”. Tuy vậy, như đã thấy ở trên thì tín ngưỡng thật ra không có gì “thiêng liêng” cả.

No comments:

Post a Comment