Hỏi: Anh nghĩ rằng phần đông Phật tử ngày nay đều mê tín dị đoan và phần đông chùa chiềng sư sãi đều mưu lợi cầu danh cả?
Đáp: Đúng vậy. Tuy tôi không có dữ kiện đầy đủ để đưa ra con số chính xác nhưng tôi tin rằng đa số Phật tử và tăng sư nằm trong thành phần nầy.
Hỏi: Anh nghĩ gì về cách truyền dạy Phật Giáo ngày nay?
Đáp: Cũng giống như các tôn giáo khác, Phật tử dựa vào giới tăng lữ để truyền giảng Phật pháp. Giới tăng lữ cũng đóng vai trò lãnh đạo trong việc xác định và phổ biến các quy luật từ việc nghi lễ, cúng bái cho đến tiêu chuẩn đúng sai, xấu tốt lẫn phong cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Thế mà qua không biết bao nhiêu thế hệ nay, vô số (mặc dù không phải tất cả) tăng sư qua lời nói và hành động của họ đã bóp méo lý thuyết Phật pháp cơ bản và truyền dạy những điều mà theo tôi chỉ đáng liệt vào sai lầm và mê tín dị đoan.
Hỏi: Xin anh cho một thí dụ.
Đáp: Một thí dụ tiêu biểu và quảng bá rộng rãi nhất là quan niệm nếu tụng niệm bao nhiêu hồi kinh gì đó, cầu thỉnh hình tượng Phật gì đó đem về nhà thờ, cúng dường bao nhiêu tiền hay xây cất trùng tu chùa miếu gì đó, v.v. thì sẽ được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình êm ấm, tình duyên thuận lợi, v.v. Đây là một cách mà luật Nhân Quả đã và đang được diễn giảng và truyền bá lan tràn trong Phật giáo. Đây cũng là lý do chính tại sao vô số Phật tử đến chùa trong những ngày rằm hay đầu năm xì xụp bái lạy trước các hình tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Hỏi: Nhưng Phật tử làm những điều đó thì đã có hại đến ai đâu?
Đáp: Tuy không trực tiếp làm hại đến ai nhưng 1/ cách diễn giải sai lầm về luật Nhân Quả nầy đi ngược hẳn với thuyết Phật (“tự mỗi người phải hành đạo để tự giải thoát mình vì không ai, kể cả Phật, có thể cứu độ ai khác được”) và 2/ nó dẫn đến những phương cách hành đạo kỳ hoặc. Thí dụ như nhiều Phật Tử được dạy rằng khi “cúng dường” (có nghĩa là “trả tiền”) cho người khác tụng kinh thì họ cũng được phước giống như tự họ tụng kinh. Vì vậy nhiều người tuy muốn có phước nhưng vì không có thời giờ, hay kiên nhẫn, tụng kinh nên thường “cúng dường” cho các tăng sư để tụng kinh thay thế giùm họ.
Hỏi: Cũng vậy, điều nầy tuy có sai lầm nhưng không làm hại đến ai cả.
Đáp: Những quan niệm loại nầy làm hư hoại cả đạo lý lẫn hành giả của Phật Giáo: trong những năm gần đây, phương cách hành đạo kỳ hoặc vừa kể trên đã bước thêm bước nữa để trở thành quái đản: nhiều vị tăng sư dùng thời giờ rảnh rỗi để tụng sẵn trước những tạng kinh “thịnh hành”; họ ghi sổ cẩn thận số lần họ đã tụng các tạng kinh nầy; đến khi Phật tử nào cần thí dụ như 120 thời kinh Pháp Hoa chẳng hạn thì họ chỉ cần trả một số tiền đã quy định trước cho một vị tăng sư rồi vị nầy sẽ “hồi hướng” 120 thời kinh Pháp Hoa (mà ông đã tụng) qua cho Phật tử trên. Vị tăng sư nầy rồi sẽ xóa bỏ 120 thời kinh Pháp Hoa ra khỏi danh sách lưu trữ của ông. Nói cách khác, việc tụng kinh trả tiền đã phổ biến thành một hệ thống kinh doanh có quy củ, bài bản hẵn hòi.
Hỏi: Nói tóm lại về Phật Giáo?
Đáp: Nói chung tuy tôi không hoàn toàn chấp nhận một số lý thuyết Phật Giáo (lý do chính là chúng quá tổng quát, mơ hồ và không thể chứng nghiệm), nhưng tôi cũng không chống đối chúng quyết liệt (lý do chính là một số của chúng có phần khá tương đồng với kiến thức và giả thuyết khoa học hiện tại). Tuy vậy, những sự việc tệ hại kể trên chỉ là vài thí dụ tiêu biểu của vô số những sự việc tương tự khác phổ biến trong Phật Giáo. Phần lớn Phật tử, kể cả giới tăng lữ, vì thiếu hiểu biết (và vì lòng tham của họ) nên đã diễn giải sai lạc và áp dụng, thực hành thuyết Phật một cách mê muội. Dù muốn dù không, Phật Giáo được nhận diện và đánh giá dựa trên những hành động và nhận thức của Phật tử. Những sự việc tệ hại trên có thể đã bắt đầu xảy ra ngay từ lúc Phật Giáo mới thành hình; chúng đang thịnh hành ngày nay và hầu như chắc chắn chúng sẽ tiếp tục xảy ra cho đến ngày Phật Giáo tàn lụn.
No comments:
Post a Comment